| Hotline: 0983.970.780

Hà Nam buồn ơi là buồn, vụ này đến rơm rạ cũng chẳng có ...!

Thứ Năm 09/11/2017 , 09:27 (GMT+7)

Cũng như phần đa những xã ở Bình Lục, ruộng ở An Lão hầu hết chiêm trũng nên không làm được vụ đông. Mùa này, nhiều nông dân ở thôn Vĩnh Tứ có nghề đốt rơm rạ lấy tro bán cho những vùng trồng rau màu vụ đông. Năm nay thì đến rơm rạ cũng chẳng có mà đốt.

Với nông dân, niêu cá nồi thịt lúc vơi lúc đầy. Nhưng bồ thóc cứ phải ăm ắp mới yên lòng, vơi đi chút nào thì nỗi lo dâng lên chút ấy. Đối với họ, hạt thóc làm ra bán đi một cân cũng tiếc. Năm nay, vụ lúa mùa chưa khô rơm, nhưng nhiều nơi nông dân đến thóc ăn cũng cạn, chứ chẳng nói tới chuyện có thóc bán.
 

Mất một vụ, hết lãi 5 vụ

Vùng quê chiêm trũng huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) mùa này buồn lặng tựa lời thơ của cụ Nguyễn Khuyến thuở nào. Tỉnh Hà Nam ngăn cách với tỉnh Nam Định bằng con sông Mỹ Đô, với hai huyện giáp ranh là Ý Yên và Bình Lục. Xã An Lão (huyện Bình Lục) nằm ở chỗ giáp ranh đó.

Vĩnh Tứ là thôn lớn nhất nhì xã An Lão với trên 600 hộ dân. Ven tỉnh lộ 974 qua thôn Vĩnh Tứ, nhà cao tầng san sát, nhưng sâu vào trong dăm chục mét, cái nghèo cứ lộ ra với những ngôi nhà cấp 4 xập xệ từ thời bao cấp để lại, sân vườn tróc lở trông đến thảm. Cũng như phần đa những xã ở Bình Lục, ruộng ở An Lão hầu hết chiêm trũng nên không làm được vụ đông. Mùa này, nhiều nông dân ở thôn Vĩnh Tứ có nghề đốt rơm rạ lấy tro bán cho những vùng trồng rau màu vụ đông. Năm nay thì đến rơm rạ cũng chẳng có mà đốt.

Kể chuyện lúa má, bà Lê Thị Hạnh (thôn Vĩnh Tứ) cứ cười sằng sặc. Cười ra nước mắt vì chẳng hiểu cơ sự vụ mùa vừa rồi sao lại ra thế? Chả là vụ lúa mùa vừa qua, lúa trong thôn bị lụt sạch. Lũ rút, lúa gặt lên cứ thẳng đơ, bạc phếch vì dính bùn, trông như rơm. Có nhà nọ trong thôn làm nghề đốt rơm lấy tro, gần tối chập choạng thế nào thấy đống lúa chất bên vệ đường, tưởng là đống rơm mới phụt nên châm lửa đốt, cháy rụi.

Bà Lê Thị Hạnh ở thôn Vĩnh Tứ (xã An Lão, huyện Bình Lục) bên những mớ thóc không ai mua

Buồn cười là gia chủ “bị hại” cũng chẳng trách cứ, lại còn cảm ơn! Vì lúa ấy về tuốt ra cũng chỉ vài chục cân thóc một sào, mà toàn lúa lép, đen sì vì ngập nước lâu ngày nên nhũn như cám. Vứt đi thì xót, mà thồ về thì chẳng đủ tiền chở, tiền tuốt, thà đốt rơm cho xong!

Gia đình bà Hạnh thuê thầu, làm 4,3 mẫu ruộng, nhiều nhất thôn Vĩnh Tứ. Để trữ thóc, bà xây hẳn một cái kho rộng cỡ 30m2, năm được mùa cũng chục tấn thóc, chất tới nóc. Năm nay, cái kho ấy rỗng tuếch.

Để làm tin, bà Hạnh nắm tay lôi tôi xuống xem, đếm chỉ vỏn vẹn hơn chục bao thóc. Bà bảo số thóc ấy gần cả tháng nay đã gọi mấy hàng xáo tới, nhưng toàn lắc đầu, chẳng ai mua. Số tiền đầu tư cho 4,3 mẫu lúa vụ vừa rồi bà đành phải xin khất đại lí. Khất là khất thế, nhưng tới gần Tết cũng phải xoay đường trả bớt, chứ chẳng ai cho nợ cả. Bí quá thì mấy tạ thóc lép ấy cũng phải bán đi cho người ta xát cho lợn.

Mọi năm, vợ chồng bà Hạnh chi li ra, 4,3 mẫu ruộng trừ đầu tư cũng lãi được 5 triệu/vụ. Nay đùng một cái, mất đứt 25 triệu đầu tư mà không thu được một hạt, một vụ mất bằng 5 vụ lãi.

11-00-22_nh_1
11-00-22_nh_2
Người dân Hà Nam mót thóc trên những thửa ruộng vụ mùa 2017 bỏ hoang không thu hoạch
Theo PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhìn chung trên địa bàn toàn tỉnh vụ mùa nay năng suất giảm mạnh, trong đó một diện tích bị ảnh hưởng bởi bệnh lùn sọc đen, nhưng không nhiều lắm và cũng chỉ bị trên một số giống, còn lại chủ yếu thiệt hại do trận mưa lũ lịch sử tháng 10 vừa rồi. Có nghĩa là, mưa lũ là "thủ phạm" chính làm Hà Nam mất mùa.
Đặc biệt, các huyện giáp Nam Định như Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm cấy trà mùa trung bị ngập ngủm hết, có thu hoạch về cũng bị hỏng rất lớn do lúa nảy mầm.

“Nhà tôi có 4 mặt con, 3 đứa tiếng làm ăn xa nhưng chỉ là công nhân quèn, đủ nuôi thân, một đứa còn đi học đại học. Ở nhà giờ chỉ có 2 vợ chồng già, trông hết vào 4 mẫu ruộng. Anh tính, thức ăn thức uống thì bữa đực bữa cái cũng xong, chứ gạo mà không sẵn trong nhà là gay chứ chẳng chơi! Từ nay đến Tết, rồi ra Giêng nữa, không biết phải xoay thế nào nữa”, bà Hạnh đăm chiêu.
 

Không đủ tiền cày

Chạy xe dọc Quốc lộ 1 đoạn qua Hà Nam, không khó để thấy vẫn còn xót lại lác đác những thửa ruộng xác xơ, khô khốc mà bà con nông dân bỏ không thu hoạch đang trở thành nơi chăn thả trâu, bò.

Ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân thôn Phú Hoàn, xã Tiên Hiệp (TP Phủ Lý) cho biết, vụ mùa vừa rồi gia đình ông cấy 1 mẫu, bình thường các năm trước năng suất 1,8 - 2 tấn/mẫu, nhưng năm nay sau khi thu hoạch xong ông đem cân thì được đúng 5 tạ thóc.

Ông Thanh cho biết thêm, tại thôn của ông một số gia đình cấy giống lúa ngắn ngày trà mùa sớm may mắn thoát được trận ngập lụt tháng 10 vừa rồi. Riêng gia đình ông mặc dù cấy trà mùa sớm, nhưng lại cấy giống lúa Bắc thơm 7 dài ngày nên vẫn bị dính trận lụt tháng 10 vừa qua, không thu hoạch kịp.

“Bình thường, lúa Bắc thơm 7 bán được 12.000 đồng/kg, nhưng năm nay do lúa bị ngập úng, mọc mầm khá nhiều nên thương lái chỉ trả có 8.000 - 10.000 đồng/kg, tính ra 1 mẫu gia đình tôi bán đi chỉ thu về chỉ được 4 - 5 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí cày bừa, phân bón, thu hoạch thì nói thật với anh vụ này lỗ nặng", ông Thanh buồn bã cho biết.

Còn ông Nguyễn Gia Điểm ở thôn Đôn Vượt, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục khẳng định năm nay khu nhà ông mất mùa tương đối lớn, cho dù không bị trận mưa lũ tháng 10 vừa rồi năng suất cũng giảm 50%, còn cánh đồng nào bị thêm trận ngập úng nữa gần như mất trắng vì lúa mọc mầm hết.

Ông Điểm chia sẻ, theo phong tục của người dân Hà Nam, bà con thường trồng lúa hai trà gồm mùa sớm và mùa trung. Với trà mùa sớm, cũng bị thiệt hại 50% năng suất, từ 2 tạ/sào giảm chỉ còn 1 tạ/sào. Trà mùa trung thì bị hỏng hết, không ăn được, nhiều gia đình chán không buồn gặt. Rất nhiều gia đình tại Trịnh Xá bán vo cả ruộng lúa 1 - 2 sào cho các hộ nuôi cá, nuôi vịt với giá bình quân 100.000 - 150.000 đồng.

Là vùng chiêm trũng của tỉnh, có thời gian thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên bỏ hoang ruộng hoặc chuyển sang đào ao thả cá. Tuy nhiên, do vi phạm chính sách đất đai về nông nghiệp nên mấy vụ gần đây lác đác một số hộ quay trở lại nghề làm ruộng.

11-00-22_nh_3
Nhiều ha lúa mất trắng, hoàn toàn bị bỏ hoang cho bò ăn

Nhưng gặp chúng tôi, bà Dương Hoàng Yến, một người dân trong thôn Ngọc Động cho rằng, vụ mùa vừa qua thất bát lớn quá như một cái tát khiến gia đình bà và nhiều hộ dân trong thôn chán hẳn, không còn ý định làm ruộng nữa, bởi vừa vất vả lại không đủ trả tiền cày bừa, cấy hái.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN-PTNT Hà Nam), tính đến ngày 16/10/2017 diện, tích lúa vụ mùa 2017 của toàn tỉnh đã thu hoạch được 31.221,9ha, đạt 96,2% diện tích gieo cấy. Tổng diện tích lúa mùa chưa thu hoạch 1.243,5ha, đạt 3,8% diện tích gieo cấy (Thanh Liêm 643,5ha, Bình Lục 600ha chưa thu hoạch).

Trong đó, 100% diện tích lúa mùa chưa thu hoạch trước 9/10/2017 (khoảng 7.888,8ha) bị đổ, ngập trắng, ngập phất phơ đến cổ bông và mọc mầm ngay trên bông, ảnh hưởng lớn đến năng suất, khả năng năng suất giảm từ 50% trở lên. Thiệt hại lúa mùa ước tính giảm 3 tấn/ha, tương đương 23.606 tấn lúa, tức khoảng 165,7 tỷ đồng theo giá hiện hành.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất