| Hotline: 0983.970.780

Hà Nam dốc sức xây dựng NTM

Thứ Tư 30/11/2011 , 11:52 (GMT+7)

Xây dựng NTM là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 03 Tỉnh ủy Hà Nam đã xác định trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội.

* Cấp 3.000 tấn xi măng làm đường nông thôn, kênh mương nội đồng

Người dân rất đồng thuận với chương trình xây dựng NTM

Ngay từ ngày 1/8/2011, Tỉnh ủy Hà Nam đã có Quyết định thành lập BCĐ xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 do trực tiếp đồng chí Trần Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng BCĐ; đồng chí Mai Tiến Dũng, UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực.  

Có thể nói hầu hết những cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành đều tham gia BCĐ, với tổng cộng 33 người. Tỉnh ủy Hà Nam cũng quyết định thành lập bộ phận thường trực BCĐ gồm 9 người. Nhìn vào thành phần “hùng hậu” này cho thấy một quyết tâm chính trị to lớn của Hà Nam trong việc triển khai chương trình xây dựng NTM. Việc ra đời BCĐ được coi là hành động, việc làm thể hiện sự quyết tâm cao độ và tinh thần quyết liệt của Hà Nam trong công cuộc xây dựng NTM.

Xây dựng NTM là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 03 Tỉnh ủy Hà Nam đã xác định trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội. Trước đó, Tỉnh ủy Hà Nam cũng đã thành lập các BCĐ công tác xây dựng NTM như: BCĐ xây dựng thí điểm mô hình NTM giai đoạn 2009 - 2011, BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Nam đã thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Mới đây nhất, tỉnh Hà Nam phát hành cuốn "Sổ tay Hướng dẫn xây dựng NTM" hiện đang phát huy hiệu quả rõ rệt, rất hữu ích cho các địa phương.

Quyết tâm dễ thấy nhất là ngay từ khi TƯ lựa chọn 11 xã điểm xây dựng NTM trên toàn quốc thì Hà Nam đã tự mình triển khai chương trình NTM của tỉnh mà không trông chờ, ỉ lại vào TƯ. Cụ thể, Hà Nam chọn thí điểm 5 xã của 5 huyện làm trước, trên cơ sở đó tổng kết mô hình rồi nhân thêm ra 23 xã, đến nay tổng cộng là 28 xã. Với cách làm đi từ quy mô hẹp trước khi triển khai chương trình trên địa bàn toàn tỉnh, Hà Nam đã rút ra được nhiều bài học cho riêng mình: tránh lặp lại thất bại, nhân lên những kinh nghiệm quý, đã áp dụng thành công trong thực tế.

Giai đoạn đầu qua gần hai năm triển khai, 5 xã điểm NTM của Hà Nam cơ bản đáp ứng được kế hoạch tỉnh đề ra. Đang đạt tiêu chí cao nhất hiện nay là xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng 13/19 tiêu chí, xã thấp nhất là Nhân Bình- huyện Lý Nhân, Tiêu Động- huyện Bình Lục cũng đạt 9/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 11 tiêu chí. Tổng kinh phí thực hiện tại các xã điểm tính đến hết tháng 10/2011 là 173 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 80 tỷ đồng, ngân sách huyện 3 tỷ đồng, ngân sách xã 47 tỷ đồng, người dân đóng góp 36 tỷ đồng và 7 tỷ đồng từ các nguồn khác.

Với nhưng kết quả đã đạt được, giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Hà Nam chọn thêm 23 xã để tiến hành xây dựng NTM và đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Trước mắt năm 2011 này, Hà Nam quyết tâm hoàn thành công tác quy hoạch 100% các xã. Trong quá trình xây dựng NTM, Hà Nam là một trong những địa phương có nhiều cách làm linh động và sáng tạo đạt hiệu quả cao. Vừa qua, địa phương này đã phát động các DN đóng trên địa bàn tham gia đóng góp cho chương trình xây dựng NTM số tiền lên tới 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng giao các cấp ngành có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các xã, huyện trong công tác quy hoạch, thiết kế.

Đặc biệt, tỉnh Hà Nam có chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã xây dựng NTM để làm đường giao thông thôn xóm, kiên có hóa kênh mương với định mức 200 tấn xi măng/km kênh mương và 1 km đường làm mới. Đối với các tuyến đường cải tạo, nâng cấp mức hỗ trợ là 120 tấn xi măng/km đường. Tính đến hết tháng 10/2011, các địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận trên 3.000 tấn xi măng hỗ trợ.

Ngoài cơ sở hạ tầng, Hà Nam xác định việc nâng cao thu nhập cho nông dân các xã NTM là yếu tố cốt lõi, bền vững để chương trình thành công và đi vào lòng dân. Bởi suy cho cùng, mọi đầu tư cho chương trình đều nhằm mục đích tăng thu nhập, để người dân được hưởng những thành quả tốt đẹp nhất về vật chất cũng như tinh thần mà chương trình đưa lại.

Muốn tăng thu nhập phải chú trọng khâu SX, đặc biệt là dồn điền đổi thửa, tiến tới SXNN hàng hóa. Cụ thể Hà Nam hỗ trợ DĐĐT 1 triệu đồng/ha, hỗ trợ mỗi khu chăn nuôi tập trung có diện tích tối thiểu từ 2ha trở lên 650 triệu đồng, hỗ trợ SX vụ đông (giống, phân bón…), hỗ trợ gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng theo cơ chế chương trình khuyến nông. Đặc biệt mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học đang được triển khai rộng rãi tại các hộ chăn nuôi của tỉnh Hà Nam cũng được tỉnh đưa vào chương trình xây dựng NTM. Mỗi xã đang xây dựng NTM được hỗ trợ 200 triệu đồng cho mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học.

Bộ phận Thường trực BCĐ xây dựng NTM tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2015 gồm: Đ/c Trần Xuân Lộc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng ban; Đ/c Mai Tiến Dũng, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Phó trưởng ban Thường trực; Đ/c Lê Văn Tân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - Phó trưởng ban; Đ/c Nguyễn Xuân Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng ban; Đ/c Kiều Hữu Bình, GĐ Sở NN&PTNT - Phó trưởng ban; Đ/c Nguyễn Văn Oang, GĐ Sở KH-ĐT - Ủy viên; Đ/c Trịnh Văn Thế, GĐ Sở Tài chính - Ủy viên; Đ/c Lê Văn Hồng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy - Ủy viên; Đ/c Nguyễn Xuân Vân, Chánh Văn phòng UBND tỉnh - Ủy viên;...

(Trích quyết định số 123 -QĐ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam)

Việc sáng tạo lồng ghép các chương trình, dự án trong ngành NN- PTNT vào chương trình xây dựng NTM là cách làm thiết thực với những tỉnh như Hà Nam khi nguồn chi ngân sách còn hạn hẹp, khả năng đóng góp, ủng hộ của người dân còn chưa dồi dào. Ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, NTM mới thực ra là một phong trào, không nên coi đó là chương trình đầu tư. Bởi nếu tính riêng đầu tư về cơ sở hạ tầng thì mỗi xã NTM mới đã ngốn hàng trăm tỷ đồng, ngân sách và sự ủng hộ của các DN, sự đóng góp của người dân không thể đủ. Là phong trào nên một mặt vừa tuyên truyền để người dân thấy được xây dựng NTM là phục vụ người dân, người dân là chủ thể và hưởng lợi. Vì vậy người dân nên bắt tay, góp sức cùng chính quyền các cấp thực hiện thành công chương trình. Chỉ với sự ủng hộ của người dân thì chương trình mới có hy vọng đi đúng hướng và thành công.

Hà Nam xác định ngay từ khi triển khai xây dựng NTM cần kéo người dân vào cuộc, đơn giản nhất như việc làm nhà văn hóa, chợ, đường nông thôn chính người dân sử dụng thì để họ tham gia vào từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn địa điểm…là cần thiết, tránh việc xây chợ không đúng chỗ dân không đến họp rất lãng phí, nhà văn hóa hoàn thành lại đóng cửa để đấy.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất