| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội & bi kịch ở những vùng đất ven đô bất động: Bài 1 - Từ chạy đua xí phần đến thảm cảnh 2.000ha đất bỏ hoang ở Mê Linh

Thứ Hai 06/05/2019 , 11:50 (GMT+7)

Hàng trăm dự án, hàng triệu m2 đất nông nghiệp vốn là bờ xôi ruộng mật của người nông dân đang bị bỏ hoang suốt hàng chục năm qua ở những địa phương ngoại thành Hà Nội. Tất cả đều là hệ lụy của những cuộc “cách mạng” mà thực chất là thu hồi đất nông nghiệp làm dự án một cách vô tội vạ...

Những ngày mùa thu năm 2008, thời điểm huyện Mê Linh chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, đã có một cuộc chạy đua ồ ạt thu hồi đất bờ xôi ruộng mật của người dân để cấp phép cho hàng loạt dự án “đón sóng”. Đã hơn một thập kỷ trôi qua, nơi này đầy rẫy những hệ lụy, thảm kịch...
 

Cấp phép thần tốc, ồ ạt bỏ hoang

Sau hơn 10 năm, kể từ thời điểm huyện Mê Linh trở thành “cửa ngõ Thủ đô”, phía bên trong cánh cổng khổng lồ và vách tường cao bao bọc quanh dự án Spring Hill City ở xã Thanh Lâm và Đại Thịnh hóa ra vẫn chỉ là bãi chăn thả trâu bò khổng lồ của những người nông dân mất đất. Ngày ngày, những hộ dân tại địa phương và những vùng lân cận đưa trâu bò vào chăn thả trong khuôn viên khu đô thị có những thời điểm lên đến hàng trăm con.

22-34-26_ml1
Nông dân mất đất canh tác trong những khu đô thị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Văn Tân, một người nông dân ở xã Thanh Lâm đang chăn thả bò trên chính thửa ruộng của mình ngày trước nói với tôi: Cứ tưởng cuộc đời làm nông dân chấm dứt khi toàn bộ đất canh tác của gia đình bị thu hồi làm dự án, nhưng cuối cùng, đã hơn 10 năm rồi chúng tôi vẫn chỉ là những người nông dân ngày ngày bám đuôi bò kiếm ăn.

Spring Hill City của Công ty CP An Phát chỉ là một trong hàng chục, hàng trăm dự án biến đất nông nghiệp của người dân thành những bãi chăn thả trâu bò ở những vùng ven đô Hà Nội. Theo thống kê, toàn huyện Mê Linh có 47 dự án chiếm gần 2.000ha đất nông nghiệp vốn là bờ xôi ruộng mật của hàng vạn nông dân sau đó trở thành những khu đô thị ma bỏ hoang, đắp chiếu suốt hàng chục năm qua.

Theo các văn bản pháp luật, ngày 1/8/2008, toàn bộ diện tích huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được chuyển về Hà Nội. Còn trong ký ức của những người nông dân mất đất ở Mê Linh, những người gắn bó ruộng đồng từ bao thế hệ trước đó nhìn nhận, là cả một cuộc đua xí phần chiếm đất làm dự án hết sức ồ ạt…

Trong các văn bản, tài liệu báo cáo về huyện Mê Linh nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3, thông qua ngày 29/5/2008, về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, kể từ ngày 1/8/2008, chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc về Thành phố Hà Nội. Và theo tài liệu NNVN thu thập được, thời điểm trước và sau Nghị quyết được thông qua chính là lúc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho các dự án ào ào nhất. Cứ như thể cấp để chuyển Mê Linh về Hà Nội vậy.

Điển hình, chỉ trong tháng 7 năm 2008, trước thời điểm chỉ còn vài ngày là đến thời điểm có hiệu lực việc sáp nhập, đã có hàng chục dự án được phê duyệt, quyết định thu hồi, giao đất, diện tích lên đến hàng triệu m2 đất nông nghiệp. Thời điểm mà hàng vạn nông dân đang trồng lúa, trồng hoa bỗng nhiên lâm vào cảnh mất đất, mất sinh kế chỉ trong vòng có vài ngày ngắn ngủi. Mức giá đền bù giải phóng mặt bằng phía chính quyền và chủ đầu tư chi trả tính ra khoảng 50.000 đồng/m2, bằng 2 bát phở. Hàng nghìn nông dân Mê Linh cầm trong tay vài chục triệu đồng cho “cuộc cách mạng” đoạn tuyệt với ruộng đồng.

22-34-26_ml33
22-34-26_ml44
Bên ngoài hoành tráng nhưng bên trong khu đô thị An Phát là bãi chăn thả trâu bò rộng lớn.

“Đó là giai đoạn rất bát nháo”, những người nông dân mất đất chăn thả trâu bò trong các dự án bỏ hoang nhớ lại. Các nhà đầu tư, các cò đất, các môi giới dự án kéo về các xã thuần nông Mê Linh vẽ ra không biết bao nhiêu viễn cảnh về một khu đô thị sầm uất, hoành tráng sẽ án ngữ cửa ngõ phía bắc Thủ đô Hà Nội. Đất đai hôm trước trong tay nông dân giá “chỉ 2 bát phở 1 m2”, thì qua sáng hôm sau chủ đầu tư đã rao bán tiền triệu. Cơn sốt đầu tư và những cuộc ngã giá, trao tay diễn ra từng giờ, từng phút. Chính quyền sẵn sàng cưỡng chế những hộ dân phản đối “cuộc cách mạng thay đổi bộ mặt nông thôn Mê Linh”. Để rồi, không ít nông dân chân lấm tay bùn vướng vòng lao lý vì phản đối việc thu hồi ruộng cấp cho dự án. Và cả những cuộc san ủi “bờ xôi ruộng mật”, mồ mả ở các cánh đồng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư một cách nhanh nhất...

“Tất cả đều phải “dẹp đường” cho “cơn lốc” sáp nhập Mê Linh về Hà Nội”, nông dân Mê Linh đang chăn thả bò trong các khu đô thị ngán ngẩm. Thậm chí, có những quyết định thu hồi đất, giao đất nhanh và bí ẩn đến mức, người dân Mê Linh đã “đi hỏi” suốt bao nhiêu năm qua nhưng chưa có câu trả lời.

Như dự án Khu đô thị mới Mê Linh do Công ty Cổ phần bất động sản AIC (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn AIC) làm chủ đầu tư tại 2 xã Mê Linh và Tiền Phong chẳng hạn.

Ngay từ thời điểm Quốc hội thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, Công ty Cổ phần bất động sản AIC đã được thành lập. Các tài liệu liên quan dự án thể hiện, chỉ sau thời điểm thành lập và được cấp phép hoạt động chưa đầy một tháng, ngày 18/3/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định thu hồi 943.209,0m2 đất tại xã Mê Linh và Tiền Phong để làm cơ sở cho UBND huyện Mê Linh lập phương án bồi thường GPMB xây dựng Khu đô thị mới Mê linh do Công ty Cổ phần Bất động sản Mê Linh làm chủ đầu tư.

22-34-26_ml22
Những khu đô thị chăn thả trâu bò.

Đến tháng 7/2008, chỉ ít ngày trước khi Mê Linh chính thức về Hà Nội, dự án được phê duyệt. Sau khi điều chỉnh quy hoạch, dự án này có tổng diện tích đất nghiên cứu khoảng hơn 940.000m2; tổng dân số dự tính khoảng 16.000 người. Tổng diện tích đất quy hoạch là 943.209m2, trong đó đất ở chiếm 45,5% (khoảng 428.600m2), bao gồm: Đất chung cư cao tầng 27.900m2; đất biệt thự 337.796m2; đất nhà liền kề hơn 18.000m2; đường nội bộ gần 45.000m2. Còn lại là diện tích đất giao thông, cây xanh hỗn hợp, đất công cộng, nhà văn hóa - TDTT…

Sau hơn 10 năm, giống như nhiều dự án “đón sóng” khác, Khu đô thị mới Mê Linh trở thành bãi chăn thả trâu bò rộng lớn của người dân mất đất. Gần như không có dấu tích gì của chủ đầu tư. “Nhà điều hành” chỉ là chiếc thùng xe tải lụp xụp, 1-2 người dân mất đất được thuê trông coi, phía bên trong, một vài hạ tầng xây dựng đã xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm trải dài gần cả ha trông rất thê thảm. Lãnh đạo các xã bị dự án này thu hồi đất khẳng định: Đã hơn 10 năm nhưng thực tế chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng, người dân vẫn đang còn kiện cáo, khiếu nại, chưa chịu nhận tiền đền bù...
 

Xã có hơn 20 dự án ma, dân phải đi thuê đất sản xuất

Trong số các địa phương bị thu hồi phần lớn đất lúa, đất nông nghiệp để giao cho các dự án để rồi sau đó bỏ hoang hàng chục năm nay, thê thảm nhất có lẽ là xã Tiền Phong, nơi tập trung khoảng 20 dự án ma.

Đó hầu hết đều là những dự án chiếm diện tích đất rất lớn, điển hình như Dự án khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Công ty CP ĐT-XD số 18 quy mô gần 16ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha; Dự án khu nhà ở làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha...

22-34-26_ml55
Phía bên trong Khu đô thị mới Mê Linh của Tập đoàn AIC.

Tổng cộng có khoảng 400ha đất sản xuất của người dân bị lấy đi phục vụ dự án, gần 3.000 hộ dân bị mất đất, mất sinh kế. Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Nguyễn Văn Trung cho biết, sau khi mất đất, người dân trong xã phải bỏ đi các địa phương khác thuê đất sản xuất trong khi các dự án trên địa bàn lại bỏ hoang. Chính quyền thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, nhưng nhiều trường hợp chủ đầu tư không hợp tác hoặc không liên lạc được vì đầu mối quản lý dự án thường xuyên thay đổi. Và ngay trên chính quê hương Tiền Phong, những người dân mất đất vẫn đang phải tận dụng dự án bỏ hoang để nuôi trâu bò hoặc trồng rau, trồng hoa.

Cạnh KĐT Minh Giang – Đầm Và là khu đất của dự án Khu nhà ở làng hoa Tiền Phong. Gần 70ha đất thu hồi phục vụ hai dự án, dấu hiệu duy nhất của việc đầu tư, đó là những con đường nội bộ được đổ bê-tông hoặc cấp phối, nay đã xuống cấp. Hệ thống cống thoát nước nội bộ KĐT, gạch bó vỉa hè… ngăn cách các ô thửa đã được ngăn ô nhưng chưa kịp bán nền…

Bên khu đất được quây lưới, có cọc rào, vợ chồng ông Hoàng Văn Cường, bà Nguyễn Thị Thỏa (xóm Bàng) đang mải chăng lưới che cho ruộng rau đang sắp thu hoạch. Gia đình ông Cường có 5 sào ruộng bị thu hồi, nhưng hàng chục năm qua vẫn chưa lấy tiền, chưa bàn giao đất.

“Cũng may mình chưa bàn giao nên còn có đất để canh tác. Mỗi năm, một sào rau cũng cho thu hoạch vài chục triệu đồng. Nếu không có nó thì chúng tôi tắc hết”, bà Thỏa nói.

Ông Nguyễn Văn Đức có 7 sào ruộng bị thu hồi. “Lâu quá rồi chúng tôi cũng không nhớ chính xác nhận được bao nhiêu tiền đền bù, nhưng đâu như 17 – 18 triệu đồng/sào. Giờ, tiền thì tiêu hết rồi. Còn khoảng đất người ta chưa làm thì mình tận dụng trồng rau, nuôi lợn thôi”.

Liên quan đến vấn đề bỏ hoang ở Mê Linh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần chỉ đạo UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra. Tuy nhiên, chắc chắn đây là vấn đề nan giải, bởi trao đổi với NNVN, ông Đinh Ngọc Thức, Chánh văn phòng huyện Mê Linh khẳng định: Huyện Mê Linh đã tổ chức 15 cuộc họp nhưng thực tế có những dự án không gọi được tên, không tìm được chủ đầu tư đâu cả.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm