| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Các bến xe vắng khách ngày giáp tết

Thứ Bảy 06/02/2021 , 16:19 (GMT+7)

Càng về những ngày sát tết, bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội càng trở nên vắng vẻ hơn. Số lượng khách ít đi là bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bến xe Giáp Bát vắng bóng khách chiều cuối năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bến xe Giáp Bát vắng bóng khách chiều cuối năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngỡ như cảnh tượng đông đúc tấp nập sẽ lại xuất hiện ở Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) như những năm trước. Thế nhưng vào buổi sáng thứ Bảy (6/2), ngày đầu tiên của kì nghỉ Tết Tân Sửu 2021, khung cảnh ở bến xe lại vắng vẻ đến lạ.

Dạo quanh một vòng, những chiếc xe vẫn nổ máy chờ khách, những người tài xế ngồi “nghịch” điện thoại, lên mạng đọc báo, “lướt” facebook. Trên khuôn mặt của các bác tài lộ rõ sự chán nản. Cả chiếc xe 45 chỗ cho dù không có một bóng khách thì đến giờ vẫn phải xuất phát, di chuyển xe ra khỏi bến.

Ông Trần Văn C., tài xế của một nhà xe chạy chuyến Hà Nội – Nghệ An than thở: “Năm nay có dịch bệnh Covid-19 nên người dân chả về quê mấy. Người ta bảo là về quê thì cũng bị cách ly tận 14 ngày thì còn về làm gì, ăn Tết luôn ở Hà Nội cho nhanh.”

“Khoảng 1 tuần trước, khi mà có tin Covid-19 bắt đầu xuất hiện lại ở Hà Nội thì người dân đổ xô tháo chạy về quê trốn dịch, từ sinh viên cho đến người lao động. Có những hôm xe chật kín, hết chỗ mà vẫn có người xin cho được về. Người ta sợ nhỡ Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội thì lại không về quê được”, ông C. chia sẻ.

Bến xe Nước Ngầm cũng không khá khẩm hơn là bao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bến xe Nước Ngầm cũng không khá khẩm hơn là bao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhưng đó là câu chuyện của một tuần trước. Cho đến bây giờ nhiều người đã không còn thiết tha gì việc về quê ăn tết nữa. Họ chấp nhận ăn tết xa quê, đón giao thừa ở Hà Nội.

Thay vì về quê, người dân đã gửi rất nhiều hàng hóa, quà bánh cho người thân. Những thùng hàng, túi bóng gói ghém kĩ càng được người dân mang ra tận bến xe nhờ chuyển hộ.

“Năm nay vì dịch bệnh nên tôi không thể về quê. Tôi muốn gửi ít bánh kẹo, thực phẩm về cho các cháu ở nhà rồi bao giờ có thời gian rảnh, tình hình dịch bệnh an toàn hơn thì tôi sẽ về thăm mọi người sau”, bà Nông Thị L. (quận Đống Đa, Hà Nội) tranh thủ ngày nghỉ để gửi ít đồ về quê trên Lạng Sơn.

Vắng khách nhưng số lượng hàng hóa được gửi đi rất nhiều. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vắng khách nhưng số lượng hàng hóa được gửi đi rất nhiều. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trái ngược với sự rảnh rỗi, chán nản của các bác tài xế, những công nhân bốc dỡ hàng hóa ở Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại có một ngày làm việc bận rộn.

Ông Phạm Tuấn A., tranh thủ giờ nghỉ trưa ăn vội hộp cơm bụi mới mua để còn kịp làm tiếp công việc còn đang dang dở. Từ 5 giờ sáng, khi mà trời vẫn còn tờ mờ thì ông đã phải ra khỏi nhà để đến Bến xe Giáp Bát. Công việc hàng ngày của ông là vận chuyển hàng hóa từ bến lên xe.

“Mấy ngày nay người ta chuyển hàng, gửi đồ nhiều lắm. Có hôm tôi làm từ 5 giờ sáng đến tận 10, 11 giờ đêm mới xong việc”, ông A. chia sẻ. “Người dân không về quê được nên gửi quà về. Tuy công việc nặng nhọc vất vả nhưng vẫn phải cố làm để còn kiếm ít tiền tiêu tết”.

Các chuyến xe chở hàng thì nhiều mà chở khách thì lác đác. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các chuyến xe chở hàng thì nhiều mà chở khách thì lác đác. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trước đó, nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định đã yêu cầu người trở về từ các vùng dịch phải thực hiện cách ly.

Tất cả những đối tượng F1 phải đưa đi cách ly tập trung. Những đối tượng F2 thì phải cách ly theo dõi tại nhà. Những đối tượng còn lại phải được sàng lọc, giám sát y tế và những đối tượng này có được ra khỏi khu phong tỏa, khoanh vùng đó hay không là do thẩm quyền của địa phương đó quyết định.

Và những đối tượng này nếu được về nơi cư trú thì bắt buộc phải khai báo và tự theo dõi, tự cách ly tại nhà và có sự giám sát chặt chẽ như giám sát F2 tại nơi phong tỏa để nếu có vấn đề phát sinh thì phải xử lý ngay.

Các địa điểm được xác định có ca bệnh Covid-19 đã bị cách ly, phong tỏa tại Hà Nội:

Tòa nhà T6, khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng;

Ngõ 92, đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy;

Trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm;

Nhà máy Z153, huyện Đông Anh;

Chung cư Dream Land, quận Nam Từ Liêm;

Ngôi nhà số 51 ngõ 49 phố Dịch Vọng;

Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh;

Khu 18-4, ngõ 86, phố Duy Tân, quận Cầu Giấy;

Phòng công chứng số 3, địa chỉ số 6 Duy Tân, Cầu Giấy.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.