| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội chiếm hơn 50% xã chuẩn NTM của cả nước

Thứ Sáu 27/12/2013 , 09:58 (GMT+7)

Ngày 26/12, tại Hà Nội, đã diễn ra hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội...

Ngày 26/12, tại Hà Nội, đã diễn ra hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, tổng kết xây dựng mô hình NTM tại xác xã làm điểm và công tác dồn điền đổi thửa. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy; ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Sau khi xã Thụy Hương (Chương Mỹ) xây dựng mô hình điểm của Trung ương, Hà Nội đã lựa chọn 3 xã điểm của TP và 15 xã điểm của huyện thị, 19 xã này phần lớn có điểm xuất phát thuộc vào diện thấp và trung bình (đạt và cơ bản đạt từ 1 - 3 tiêu chí). Tổng kinh phí đề án của 19 xã được phê duyệt là 4.327 tỉ đồng, tổng vốn đã huy động là 2.695 tỉ.

Song song với việc chỉ đạo điểm, Hà Nội chỉ đạo xây dựng đề án chung toàn TP và các huyện cũng xây dựng đề án chung của huyện. Ngoài các xã điểm đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, TP còn có 36 xã khác đạt và cơ bản đạt đưa tổng số lên 55 xã chuẩn NTM chiếm hơn 50% số xã đạt trên toàn quốc. Thêm vào đó, 148 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí; 156 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí…


Người dân chung sức làm đường nông thôn

Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Sau 3 năm, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được cứng hóa đạt 100%, đường liên thôn được cứng hóa 95%, 100% thôn có điện… Số hộ nghèo còn 45.800 hộ, giảm hơn 70.000 hộ so với năm 2011. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên 23,7 triệu đồng năm 2013. Nông thôn không còn nhà dột nát, 140.000 lượt người lao động được bố trí thêm. Một số huyện như Phú Xuyên, Đan Phượng đã có đề án xây dựng quy ước xã NTM. Nhiều xã đã làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới theo hướng đơn giản, gọn nhẹ.

Dồn điền đổi thửa được Hà Nội xác định là khâu đột phá trong xây dựng NTM nên đã dốc toàn tâm, toàn sức thực hiện, đến nay đạt trên 59.000 ha, chiếm 78% kế hoạch. Diện tích chưa dồn còn lại 16.800 ha hiện các xã đã tiến hành thực hiện các bước thủ tục thông qua nhân dân, trình phê duyệt phương án, tổ chức đào đắp, giao thông thủy lợi nội đồng, bốc thăm, chia ruộng trên bản đồ, chuẩn bị tiến hành giao ruộng trước vụ Xuân 2014.

Tổng kinh phí đầu tư cho NTM của Hà Nội trên 16.000 tỉ đồng trong đó phải kể đến nguồn lực gần 2.000 tỉ trong dân, không kể góp công sức, góp hiện vật, góp đất đai, còn có hàng ngàn cá nhân góp tiền mặt, có người góp tới 6 tỉ.

Tuy đạt được nhiều thành tích trong xây dựng NTM, góp phần thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn Thủ đô nhưng theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP, việc xây dựng NTM của Thủ đô vẫn còn một số hạn chế như: SXNN mang tính truyền thống là chính, bấp bênh, thiếu bền vững. Công tác tuyên truyền ở mt số nơi còn hạn chế, còn có tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào cấp trên về vốn. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, vùng thuần nông còn thấp như Ứng Hòa thu nhập bình quân chỉ đạt 16,4 triệu đồng/người/năm, Mỹ Đức 17,5 triệu đồng/người/năm. Công tác dồn điền đổi thửa là việc khó, động chạm đến một lượng lớn nông dân nên một số nơi thực hiện còn lúng túng, còn để tình trạng đơn thư, khiếu nại.

Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2015 sẽ có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM, thu nhập của nông dân đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20% lao động xã hội… Để hoàn thành mục tiêu đó, ngoài huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn xã hội hóa, ngân sách Nhà nước các cấp hàng năm sẽ phải dành tối thiểu 35% đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM, trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu về kinh tế, xã hội nông thôn.

Để tạo điều kiện cho thực hiện thành công NTM, Hà Nội đề nghị Trung ương sớm ban hành quy định về hồ sơ, thủ tục, trình tự xét duyệt công nhận và công bố địa phương đạt tiêu chí NTM.

Nghiên cứu sửa đổi quy định các địa phương phải báo cáo Thủ tướng khi sử dụng đất lúa vào mục đích khác, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vùng SX nông sản hàng hóa tập trung. Nâng mức hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Dành riêng một nguồn vốn tín dụng cho nông dân vay với mức ưu đãi thời gian hợp lý để phát triển SX…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất