| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội gắn nhãn nhận diện xuất xứ rau an toàn

Thứ Tư 09/11/2011 , 10:48 (GMT+7)

Việc gắn nhãn nhận diện xuất xứ rau an toàn của Hà Nội lần này được hi vọng là sẽ giải quyết được việc các sản phẩm RAT bị hoài nghi về độ "sạch"…

Rau an toàn là ước mơ của người tiêu dùng

Bị người tiêu dùng hoài nghi về độ “sạch”, bị người nông dân chê trồng vì giá bán ngang với rau thường, việc gắn nhãn nhận diện xuất xứ rau an toàn của Hà Nội lần này được hi vọng là sẽ giải quyết được những vấn đề khó trên…

Hà Nội có 3.255 ha rau an toàn trong tổng diện tích rau 12.041 ha. Hiện thành phố có 21 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung trong đó có vùng trọng điểm là xã Văn Đức (Gia Lâm) với diện tích 250 ha, sản lượng 17.000-18.000 tấn/năm.

Vùng này đã được tiến hành lấy mẫu đất, nước phân tích và kiểm tra các điều kiện cho sản xuất rau an toàn. Chi cục BVTV thành phố thường xuyên cử 8 cán bộ kỹ thuật cắm chốt, phối hợp với cán bộ địa phương chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát nông dân sản xuất rau an toàn trên địa bàn xã. Chi cục cũng mở 5 lớp huấn luyện về rau an toàn cho 150 hộ nông dân, tổ chức lớp đào tạo theo VietGAP.

Ban quản lý HTX Văn Đức lập sơ đồ các khu ruộng rau để phục vụ quản lý, chỉ đạo sản xuất. Đơn vị này cũng tổ chức nông dân thành từng nhóm, mỗi nhóm 20-30 hộ, bầu nhóm trưởng để quản lý theo hướng dẫn của Chi cục BVTV. Nhóm trưởng có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn theo đúng quy trình kỹ thuật của Chi cục BVTV hướng dẫn từ khi trồng đến khi thu hoạch. HTX còn cử cán bộ giám sát quá trình sản xuất của nông dân, phát hiện và tham mưu xử lý các hộ nông dân vi phạm. Trong quá trình thực hiện, Chi cục BVTV thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, tiến hành lấy một số mẫu ngẫu nhiên gửi đi phân tích.

Hiện tại ở Văn Đức có Công ty TNHH Hương Cảnh đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế và đang ký hợp đồng bao tiêu rau VietGAP với sản lượng 0,8-1,3 tấn/ngày, tiêu thụ thông qua kênh các cửa hàng, siêu thị trong nội đô. Sản lượng rau an toàn còn lại chiếm tỷ lệ rất lớn do nông dân, HTX bán buôn qua các tư thương tại đầu bờ.

 Ở thời điểm đầu vụ, giáp vụ rau Văn Đức chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội còn chính vụ được đưa đi Hải Phòng, Nghệ An thậm chí Đà Nẵng, TP.HCM. Hầu hết lượng rau này chỉ đóng bao dứa đơn giản tại đầu bờ, không có nhãn mác, tem niêm phong cũng như nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, rất khó quản lý chất lượng và truy xuất trách nhiệm nếu có sự cố.

Để quản lý rau an toàn, Chi cục BVTV Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản triển khai thí điểm gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Trước mắt, năm 2011 thực hiện gắn nhãn tại xã Văn Đức. Nhãn này có kích cỡ như một tấm các vi dít, in biểu tượng rau an toàn Hà Nội, làm bằng chất liệu khó rách, khó giả mạo. Khác với bao bì của các doanh nghiệp rau an toàn, nhãn xuất xứ được gắn cho những túi rau lớn, trước tiên với mục đích bán buôn.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhận định: “Sở dĩ rau an toàn Hà Nội không phát triển, mở rộng diện tích được vì không thể phân biệt được giữa rau an toàn và không an toàn, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Vì không bán được với giá rau an toàn nên cũng không khuyến khích được người sản xuất. Rau an toàn phải được gắn nhãn xuất xứ nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý khác hẳn rau thông thường đó là ý tưởng, là mong muốn của Hà Nội. Văn Đức được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm điều này. Có nhãn hiệu rồi nhưng theo tôi quan trọng nhất là việc giữ thương hiệu còn nếu không nhãn hiệu chẳng qua chỉ là một mảnh giấy không hơn không kém”.

Ngay sau khi giới thiệu về gắn nhãn rau an toàn là lễ ký thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình thí điểm kiểm soát theo chuỗi từ cơ sở sản xuất rau an toàn đến nơi tiêu thụ giữa Sở NN-PTNT Hà Nội và Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Nội dung chính của chương trình này là lập hồ sơ lý lịch của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rau an toàn. Thiết kế và in ấn các nhãn nhận diện sản phẩm. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Kiểm tra việc tuân thủ theo chuỗi sản xuất, kinh doanh. Nhắc nhở vi phạm và loại khỏi danh sách nếu vi phạm đến lần thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của nó không gì hơn là giúp phân định rau an toàn và rau từ cơ sở thông thường, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ từ nơi tiêu thụ đến các cơ sở sản xuất.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.