| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Giá thực phẩm tăng vọt từng ngày

Thứ Năm 07/07/2011 , 15:48 (GMT+7)

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân không phải do khan hiếm hàng mà chủ yếu do tiểu thương tự ý đẩy giá lên theo thời tiết.

Mấy ngày nay, rất nhiều loại lương thực, thực phẩm tại thị trường Hà Nội tăng giá từng ngày. Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân không phải do khan hiếm hàng mà chủ yếu do tiểu thương tự ý đẩy giá lên theo thời tiết.

Khảo sát của PV tại một số khu chợ bán lẻ trong nội thành Hà Nội những ngày này cho thấy, do thời tiết nóng lên nên giá một số loại rau xanh, củ quả, thực phẩm tươi sống bán ra tăng cao hơn từ 20 - 30% so với hồi cuối tháng 6.

Cụ thể, tại chợ Mai Dịch (quận Cầu Giấy), giá gạo bán lẻ đã tăng từ 10 - 20%, trong đó gạo Bắc Hương được bán với giá 17.000 đồng/kg, gạo Tám Thái là 20.000 đồng/kg, gạo Tám Điện Biên 19.500 đồng/kg, gạo Xidẻo 14.000 đồng/kg…

Chị Hà - chủ quầy hàng bán buôn bán lẻ gạo ở chợ Mai Dịch cho biết: “Tuần trước gạo Tám Thái là 18.500 đồng/kg thì tuần này đã tăng lên 20.000 đồng/kg rồi và có thể sẽ còn tăng nữa. Giá gạo tăng không phải là do khan hiếm mà là do chi phí dịch vụ vận chuyển tăng nên buộc các chủ buôn phải đổ gạo với giá cao hơn”.

Đối với các loại thực phẩm, theo ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Ngọc Hà (quận Ba Đình), chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa): thịt bò thăn tăng từ 170.000 đồng lên 180.000 đồng/kg, bò bắp tăng từ 140.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg; nạc riềm tăng từ 130.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg;

Thịt lợn ba rọi từ 120.000 đồng/kg tăng lên 13.500 đồng/kg, thịt mông từ 120.000 đồng/kg tăng lên 130.000 đồng/kg; thịt lợn thăn tăng từ 130.000 đồng/kg lên 140.000 đồng/kg; sườn ngon tăng từ 110.000 đồng/kg lên mức 130.000 đồng/kg. Ngoài ra, thịt gà ta ngon là 140.000 đồng/kg, thịt ngan là 130.000 đồng/kg;

Đối với các loại cá nước ngọt, mức tăng này cũng dao động trong khoảng từ 20 - 25%. Trong đó, cá trắm đen chọn khúc tăng từ 100.000 đồng/kg tăng lên 120.000 đồng/kg; cá chép được bán với giá 120.000 đồng/kg; cá rô phi 70.000 đồng/kg; cua làm sạch xay sẵn bán với giá 16.000 đồng/lạng; tôm trứng 180.000 đồng/kg; tép 120.000 đồng/kg;

Hải sản luôn áp giá ở mức cao, nhưng trong dịp này mặt hàng hải sản nhúc nhích tăng nhẹ từ 10 - 15%.

Anh Hòa - một tiểu thương bán cá tại chợ Nghĩa Tân cho hay: “Cá thường vẫn rẻ hơn thịt nhiều, nhưng thời gian này đã qua vụ gạn vét hồ đầm nên lượng cá lấy về khan hẳn, vì thế giá cá tăng là điều không thể tránh khỏi”.

Riêng đối với rau xanh, giá liên tục nhảy vọt. Trước đây, các bà nội trợ chuẩn bị được tâm lý đón nhận đợt tăng giá do lương tăng, xăng dầu tăng hay vào dịp cuối năm, còn bây giờ giá cả tăng bất ngờ, không có qui luật nào cả, giá hôm sau “vọt” so với giá hôm trước có khi chỉ vì một trận mưa hoặc một đợt nắng nóng.

Không khí mua bán những ngày này không mấy nhộn nhịp, hiếm thấy cảnh một người nội trợ tay xách tới cả 2, 3 túi thực phẩm và rau củ khệ nệ như trước đây. Tại các chợ Bưởi, Nhật Tân, Ngọc Hà, Thành Công, Cống Vị…nhịp độ mua “chậm” hơn. Người mua chọn lựa, cân nhắc, mặc cả rồi mới quyết định mua.

Tại chợ Bưởi (quận Tây Hồ), cải bắp trái mùa bán với giá 13.000 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, khoai tây 16.000 đồng/kg, rau muống 5.000 đồng/mớ, mồng tơi 5.000/ mớ, mướp đắng 15.000 đồng/kg, đỗ quả 15.000 đồng/kg, cải chíp 12.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg, hoa thiên lý 7.000 đồng/lạng. Các loại rau phụ gia khác như: Hành lá và các loại rau thơm tăng 30% - 40%; rau mùi được bán với giá 3.500 – 4.000 đồng/mớ...

Giá rau củ tăng mạnh được những người bán hàng giải thích là do mưa nắng thất thường. “Vừa mưa một trận to thế, mà lại nắng bật lên ngay thì cây nào chịu nổi, đến người thời tiết thế này còn phải vào viện chứ nói gì đến rau cỏ. Rau chết hàng loạt nên làm gì có rau đâu mà bán. Nhà tôi, vừa trồng, vừa bán mới rẻ hơn mọi hàng khác, chứ rau bây giờ có sẵn như kỳ trước đâu” – chị Nga, người bán hàng quê Đông Anh cho biết.

Bà Đức (tiểu thương ở chợ Khương Đình) cho hay, do nắng nóng nên rau xanh khá hiếm. Rau muống trước đây bán có 5.000 đồng/mớ, giờ tăng gấp đôi, ấy vậy mà không có hàng ngon để bán.

Tiền lương công chức dự kiến sắp tăng để bù trượt giá đã đành, nhưng những người lao động phổ thông, sinh viên thì làm gì có lương nhà nước để bù cho chi phí, mà lương tăng rồi cũng không bù nổi trượt giá.

“Chị chỉ là người bán hàng cho một siêu thị tư nhân. Nhà nước tăng lương bù trượt giá chứ bọn chị đâu có được tăng đồng nào. Giá cả thì cứ tăng từng ngày. Ra chợ, mua gì, ăn gì bây giờ cũng đau đầu lắm. Như nhà chị 4 người, cả ngày chỉ tập trung cả nhà ăn bữa tối, loàng xoàng cũng phải chi vào đó 60.000 – 70.000 đồng. Rau cỏ đắt, nguyên ăn rau không cũng đã mất 10.000 đồng rồi. Nghĩ mà không biết phải “thắt” thế nào, “buộc” thế nào cho túi tiền của mình khi đi chợ không bị “đánh cắp” - chị Quách Lý, phố Ngọc Khánh than thở.

Bác Xuân (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình) chia sẻ: “Mỗi ngày đi chợ lại thấy thực phẩm tăng thêm giá, hôm qua tôi vừa mua mớ rau mồng tơi 4.000 đồng thì hôm nay đã tăng lên 5.000 đồng, giá thịt cá cũng tăng vù vù, trời mưa gió giá cũng tăng mà nắng chang chang thế này cũng tăng. Hơn tháng nay tôi không thấy có lúc nào giá hạ xuốn mà chỉ thấy tăng lên, rõ ràng tiền đi chợ chi ra mà cứ như bị móc túi”.

Trong các siêu thị, rau xanh và thực phẩm tươi sống đều tăng nhẹ khoảng từ 10 - 15%.

Bà Thanh Huyền, đại diện siêu thị Big C cho biết: “Do nguồn hàng nhập vào đã tăng hơn trước từ 5 - 10% nên chúng tôi đã phải điều chỉnh giá bán, tuy nhiên mức giá chỉ tăng nhẹ như thịt lợn xay giá 106.900 đồng/kg, còn thịt bò chỉ bán với giá 169.900 đồng/kg. Riêng mặt hàng các loại quả và củ được giữ giá”.

Tuy vậy, vì giá trong siêu thị được cho là ổn định hơn so với thị trường tự do lại có máy lạnh mát mẻ nên những ngày gần đây người dân Hà Nội đổ xô vào siêu thị để mua hàng.

(Theo Dân trí)

Xem thêm
Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm