Bài I. Lấy làng nghề làm hạt nhân xây dựng hệ sinh thái nông thôn mới Hà Nội
Hà Nội được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề với các sản phẩm làng nghề vô cùng độc đáo. Đó là thế mạnh rất lớn của thủ đô, đem lại giá khổng lồ, tạo việc làm ổn định cho người dân và xây dựng các hệ sinh thái kinh tế nông thôn.
Sau hai năm thực hiện nghị định số 52, thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, các làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị. Năm 2020, tổng doanh thu từ các làng nghề đã đạt 22.000 tỷ/năm, trong đó có khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đông đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề đồ Mộc – may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng.
Trong tổng số 309 làng nghề (trong tổng số 1.287 làng nghề trên địa bàn thành phố) đã được công nhận, có 36 làng nghề đã đăng ký xây dựng thương hiệu. Có thể nói, Hà Nội là mảnh đất có mật độ làng nghề dày đặc, nhiều sản phẩm làng nghề độc đáo, được ví như quốc hồn, quốc túy của dân tộc.
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm độc đáo của làng nghề truyền thống đang được lưu giữ trong các di tích lịch sử văn hóa, ở trong dân gian và ở nhà nghệ nhân. Đây là những di sản rất quý, có tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.
Kể từ khi thực hiện Nghị định số 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11 để quy định bộ thủ tục hành chính công nhận danh hiệu làng nghề và hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
Trong vòng 2 năm, chúng tôi đã đạt kết quả rất ấn tượng khi đào tạo gần 10.000 người để phát triển nghề; đồng thời xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề. Để làm được điều đó, Sở NN-PTNT và các sở, ngành liên quan đã tổ chức đưa đại diện của hàng trăm làng nghề tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế. Rất nhiều sản phẩm đạt giải nhất, giải nhì của các hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Việc đầu tư hệ thống công trình xử lý môi trường làng nghề cũng được thành phố rất quan tâm.
Tuy nhiên, để phát triển làng nghề nhanh và bền vững trong giai đoạn sắp tới, rất nhiều vấn đề cần đặt ra cho Hà Nội. Thứ nhất, các sản phẩm của làng nghề hiện nay chủ yếu gắn mác các thương hiệu quốc tế của nhà phân phối để xuất khẩu, chứ không phải thương hiệu trong nước. Điều này là rất tốt! Nó chứng tỏ sản phẩm của Việt Nam đã đạt đẳng cấp quốc tế.
Rất nhiều nghệ nhân và doanh nghiệp đã bị đào thải trong quá trình hội nhập này, và những doanh nghiệp tồn tại chính là hạt nhân, là tinh túy, là cánh chim đầu đàn dẫn dắt cả chuỗi giá trị sản phẩm của các làng nghề truyền thống.
Ví dụ như doanh nghiệp Mây tre đan Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang tổ chức hoạt động rất bài bản. Họ xuất khẩu rất nhiều sản phẩm tinh xảo. Từ một công ty đã phát triển ra 17 làng nghề, tạo công ăn việc làm cho đông đảo lao động vùng nông thôn. Tôi cho rằng đây là tín hiệu rất tốt đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Thứ hai, qua nghiên cứu các thị trường nhập khẩu, nhất là Châu Âu, chúng tôi thấy rằng sản phẩm làng nghề nông thôn sử dụng nguyên liệu tự nhiên, thân thiện môi trường đang được các nước rất ưa chuộng. Họ yêu thích sử dụng tất cả sản phẩm thân thiện môi trường của Việt Nam, nhưng đáng tiếc là người tiêu dùng trong nước lại chưa biết đến nhiều.
Tôi nói ví dụ, người Việt Nam rất thích sử dụng khăn. Ở Việt Nam đã tạo ra những giá khăn từ nguyên liệu thiên nhiên để treo trong tủ, đựng được rất nhiều và gọn. Người Châu Âu rất ưa chuộng nhưng nhiều người trong nước chưa biết tới. Trong khi đó, nhiều người Việt đi du lịch nước ngoài lại mua giá khăn do chính cơ sở trong nước sản xuất để mang về sử dụng.