| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Nhiều huyện cạn tiền vì hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Ba 25/06/2019 , 20:28 (GMT+7)

Hà Nội tiến hành rất nhanh thủ tục hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy bởi dịch tả lợn Châu Phi nhưng cũng vì thế mà chóng cạn nguồn ngân sách dự phòng.

Chi trả trong 7 ngày sau tiêu hủy

Tính đến ngày 15/6/2019 trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã có 29/29 xã, thị trấn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với 13.896 con, chiếm 12,9% tổng đàn, tổng trọng lượng tiêu hủy lên tới 807,6 tấn.

Theo quy định của thành phố Hà Nội phải thực hiện chi trả hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu huỷ chậm nhất 7 ngày, huyện đã hỗ trợ cho người chăn nuôi đến thời điểm này 20.411 triệu đồng và hỗ trợ vật tư phòng chống dịch 2.518 triệu đồng.

Ngoài ngân sách huyện ra các xã, thị trấn đã chi từ nguồn dự phòng phục vụ cho công tác phòng chống dịch 3.669 triệu đồng với 204.050 kg vôi bột, 15.146 lít hóa chất và 7 chốt kiểm dịch được lập để kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán giết mổ.  

Cân lợn trước khi đem đi tiêu hủy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết địa phương đã sử dụng hết ngân sách dự phòng bên cạnh huy động cả các nguồn lực khác có thể nhưng vẫn không đủ nên mới chi trả được cho 527 hộ có lợn bị tiêu hủy, còn lượng đã tổng hợp mà chưa có nguồn chi hiện còn khoảng 5,8 tỷ đồng.

Nếu chiếu theo quy định của thành phố là phải chi trả hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu huỷ chậm nhất 7 ngày thì quả thực là khó vì không biết kiếm nguồn ở đâu ra. Bởi thế huyện đề nghị cấp trên quan tâm, bố trí sớm, nhất là khi dự tính tổng nhu cầu phòng chống dịch trong năm 2019 lên tới khoảng 143,6 tỷ đồng.

Cũng tương tự như vậy, huyện Mỹ Đức đến nay toàn bộ 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn tiêu hủy 13.974 con, tổng trọng lượng 974.653kg.

Để phòng chống dịch vừa qua Mỹ Đức đã bố trí kinh phí khoảng 25,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại cũng như mua hóa chất và vôi bột để tiêu độc, khử trùng.

Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch lan rộng, thiếu kinh phí là chuyện có thể thấy ngay trước mắt.

Kìm chế những cái “đầu nóng” tái đàn

Song song với chuyện phòng dịch thì vấn đề tái đàn hiện nay vẫn là điều mà nhiều người chăn nuôi hết sức quan tâm.

Vệ sinh tiêu độc, khử trùng trước khi đem tiêu hủy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để ngăn ngừa những cái “đầu nóng” tái đàn đón lõng nhu cầu thị trường thịt cuối năm, bất chấp nguy cơ tái dịch trong công văn số 506 của UBND huyện Ứng Hòa mới đây do Phó chủ tịch Nguyễn Chí Viễn ký gửi cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo rõ: Hướng dẫn các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Các hộ chăn nuôi khi tái đàn phải đảm bảo yêu cầu: Lợn có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc giám sát bệnh định kỳ theo quy định. Lợn vận chuyển từ các tỉnh ngoài phải có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh, phải có xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Khi nhập về phải nhốt riêng đàn lợn mới mua 5-7 ngày để theo dõi.

Trước khi tái đàn phải báo UBND các xã, thị trấn, thú y địa phương và được UBND xã, thị trấn cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm đồng thời khi ốm, tái bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy và không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.