| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội sạch bóng ăn xin: Những nỗ lực mệt mỏi!

Thứ Ba 22/06/2010 , 12:18 (GMT+7)

Nếu không có sự đồng bộ trong phối hợp thực thi sẽ lại dẫn đến tình trạng… đâu lại vào đấy.

Nhiều năm nay, Hà Nội vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán "sạch bóng" ăn xin

Sau thời gian ngắn thực hiện Quyết định 90 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thu gom đối tượng ăn xin, lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội, cư dân của thành phố được sống những ngày dễ chịu hơn và những du khách ngoại quốc cũng bớt bị làm phiền.

Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên cho thấy, nếu không có sự đồng bộ trong phối hợp thực thi sẽ lại dẫn đến tình trạng… đâu lại vào đấy.

Thấy thì dễ “tóm” mới khó

Theo quyết định này, hai Đội trật tự xã hội số I, II thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội số I và II sẽ trực tiếp phối hợp với các quận trên địa bàn thành phố thực hiện việc tập trung người xin ăn tại các khu vực trọng điểm.

Địa bàn Hồ Hoàn Kiếm tập trung nhiều di tích lịch sử, gần khu phố cổ và khu “phố Tây” nên nhiều đối tượng ăn xin, lang thang đổ về hành nghề.

Đội an ninh trật tự Ban quản lý hồ lên tới năm mươi người, chia làm ba ca, bốn kíp, chốt ở mười ô xung quanh hồ Gươm. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm, chỉ cần đối tượng xuất hiện trên địa bàn các đội sẽ liên lạc, phối hợp bằng bộ đàm, chỉ sau mười phút là bị “tóm”.

Ông Tuấn cho biết: “Từ khi thực hiện, tính đến nay lực lượng thu gom trên địa bàn đã đưa 220 đối tượng lang thang, ăn xin vào Trung tâm bảo trợ I, trong đó, người ăn xin chiếm hơn 90%.”

Thống kê của phòng Bảo trợ xã hội Hà Nội tới thời điểm này Hà Nội đã tập trung được 460 đối tượng là người lang thang trong thành phố.

Bác Lê Bá Hưng, nhà ở Hàng Gai nhận xét: "Hơn hai tháng nay, hồ bỗng yên ắng hơn, không còn cảnh trẻ tranh giành khách, đu bám khách Tây".

Tại các điểm tập trung người lang thang như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Công viên Lenin, Thủ Lệ… cũng không còn là nơi ngủ trưa của những trẻ lang thang, trẻ đánh giày, bán vé số.

Đội an ninh trên địa bàn cho biết: “phát hiện thì dễ nhưng rất khó để thu gom người lang thang, ăn xin vì đội quân này luôn thoắt ẩn thoát hiện với nhiều “quái chiêu” đối phó.

Nhiều cán bộ trong đội an ninh trật tự khu vực Hồ Gươm cho biết, cứ vài tháng sau lại chạm mặt…người quen, thu gom người cũ.

“Thời gian lưu giữ trẻ ăn xin tại trung tâm bảo trợ ba mươi ngày rồi thả về địa phương là quá ngắn ngủi, dẫn tới tình trạng thu giữ đã quá khó mà thả lại quá… dễ. Việc ‘ngựa quen đường cũ’ trở lại thành phố tiếp tục lang thang, ăn xin là tất yếu,” ông Tuấn nhấn mạnh

Dai dẳng “cỏ dại”

Theo ghi nhận của phóng viên, đại đa số người ăn xin sống tập trung tại hai xóm trọ lao động là Cầu Mới ở đê sông Tô Lịch và Gầm cầu Long Biên.

Các đối tượng lang thang, ăn xin chủ yếu đi xin thuê cho “cai” với mức lương trên dưới một triệu đồng/ tháng.  Sau đó những người này thường thuê 2, 3 cặp người già, trẻ nhỏ ngày ngày dắt díu đi xin.

Sợ bị bắt đưa đi tập trung nên nhiều người trong đội quân “hành khất” này đành dạt về quê, đợi hết đợt cao điểm lại tìm đường lên phố.

Số tiếp tục ở lại bám sẽ thay đổi cách hoạt động, biến tướng và kỹ nghệ tinh vi như kịch bản “bà cháu cơ nhỡ” đi lang thang, mắt lòa thổi sáo, hay “đôi bạn cùng tiến”, trẻ mù đẩy xe lăn cho trẻ liệt chân đứng tại các ngã tư, phố lớn để xin người qua lại.

Minh quê Quảng Xương, Thanh Hóa ngồi xin tại ngã tư Sở, quận Đống Đa nói với chúng tôi rằng em đã từng được đưa vào Trung tâm bảo trợ số I hai tháng trước.  Minh lí nhí lý do em tiếp tục đi xin “quê nghèo, cháu đi xin mới nuôi được cả nhà.”

Bà Gái, ngày ngày ngồi xin ở phố nhậu Tăng Bạt Hổ thì vui mừng: “nếu được nhà nước nuôi thì đỡ phải đi xin, bớt đi cái khổ bơ vơ khi tuổi xế chiều…”

Nhiều trẻ lang thang khác thì nhanh nhảu, tránh né: “chỉ đi xin ít ngày để có ít tiền cho năm học mới, nếu bị đưa vào trung tâm thì ngày mai về quê, không đi xin nữa.”

Nhìn bàn tay nhem nhuốc cầm bát nhựa có những đồng bạc lẻ và đôi mắt trong veo của các trẻ ăn xin, ai ai cũng hiểu đó là sự ngụy biện, tránh né yếu ớt.

Những người già, trẻ nhỏ từ quê ra phố để lang thang, đi xin như Minh hay bà Gái ở Hà Nội đều không tự thân định đoạt hay lựa chọn sự về hay ở. Cái nghèo đeo đuổi và sự chăn dắt của những tên "đầu nậu" khiến họ phải chấp nhận mãi cái kiếp ăn mày hoặc cố "luồn lách" để sống chung với nó.

Bác Dũng, phố Hàng Đào lên tiếng: “nạn ăn xin phải dẹp bỏ tận gốc, nếu không làm mạnh, đồng bộ thì khó dẹp được! Lâu nay, đã dẹp nhiều nhưng ăn xin ở thủ đô như cỏ hoang, xén đi lại mọc khỏe và dai hơn…”

Gải pháp tận gốc

Việc thực hiện Quyết định 90 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được đánh giá là “động thái” tích cực chuẩn bị chiếc áo mới cho thủ đô trong Đại lễ nhưng cũng không ít ý kiến quan ngại: Liệu sau dịp Đại lễ,  Hà Nội có sạch bóng ăn xin?

Thạc sỹ Nguyễn Minh Đức, Viện Khoa học Giáo dục cho rằng nếu hành động quyết liệt hơn từ đầu thì Hà Nội cũng đã có những cơ hội để làm như Đà Nẵng gần 10 năm trước.

Ông Đức dẫn chứng: Cách đây 10 năm, Đà Nẵng khi đó vẫn là thành phố chưa phát triển, đã đặt ra mục tiêu cụ thể, dài hạn trong nhiều năm và kiên trì thực hiện. Nay, đến Đà Nẵng một trong những ấn tượng đẹp để lại cho du khách là một thành phố trẻ năng động, sạch về cảnh quan và sạch bóng ăn xin.

Bà Phạm Thị Tằng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Hà Nội cũng thừa nhận tồn tại trong việc thực hiện quyết định này là vẫn chưa liên kết được với các địa phương để giải quyết tận gốc vấn đề là tạo việc làm cho người lang thang ngay tại chính quê hương của họ.

Trong khi chờ thời gian để các địa phương phối hợp với nhau để đem lại kết quả triệt để “diệt cỏ tận gốc," lãnh đạo Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm kiến nghị: “nên kéo dài thời gian lưu giữ tại trung tâm bảo trợ dài hơn 30 ngày hoặc qua đại lễ 1000 năm. Trong thời gian ở lại trung tâm bảo trợ, người lang thang sẽ được đào tạo học nghề, sản xuất gia tăng. Bên cạnh đó là tăng cường giám sát chặt chẽ việc quản lý nhân khẩu tại địa phương. Có như vậy mới đảm bảo cho một Hà Nội sạch bóng ăn xin trong ngày đại lễ.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính đang làm văn bản trình lên Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội  xin cơ chế tài chính cao hơn cho các đội đi tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất