| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội tìm cách không để ruộng hoang

Thứ Hai 30/11/2020 , 08:17 (GMT+7)

Đô thị như một thỏi nam châm khổng lồ có sức cuốn hút kỳ lạ đối với những lao động ngoại thành bởi một điều đơn giản là có quá nhiều cơ hội kiếm tiền…

Những cái ao nổi ở Quốc Oai

Không chỉ thế, Hà Nội còn có nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp và khoảng 1.350 làng nghề thu hút các lao động trong độ tuổi đến làm việc với thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng trở lên, cao gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp. Bởi thế mà những người trẻ ở nông thôn giờ đây không mấy ai còn mặn mà với nghề nông, ra đồng chỉ toàn thấy người trung tuổi lẫn người già. Ngoài ra, cũng do quá trình đô thị hóa mà nhiều nơi cơ sở hạ tầng cho việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống tưới và tiêu bị chia cắt, sâu bệnh, chuột bọ do biến đổi khí hậu, do canh tác lạm dụng hóa học lại phát sinh, phá hoại quá nhiều nên tình trạng ruộng hoang mới trở nên tràn lan.

Theo thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội hiện trên địa bàn thành phố có khoảng trên dưới 5.000 ha đất đang bị bỏ hoang nằm ở rải rác các huyện thị mà càng gần đô thị càng nhiều. Tại huyện Quốc Oai có những vụ mùa bỏ tới 700-900 ha, để hạn chế ruộng để không, năm 2019 chính quyền đã khuyến khích, hỗ trợ các hộ cá nhân, hợp tác xã tập hợp ruộng lại để canh tác. Huyện sẽ hỗ trợ 50% chi phí hóa chất xử lý môi trường, xã hỗ trợ giải quyết các thủ tục trong việc thuê ruộng, đảm bảo về mặt an ninh.

Theo đó, sau khi thu hoạch lúa Xuân xong, người dân sẽ đắp bờ, tháo nước vào các ruộng để nuôi cá. Vụ Mùa năm 2019, toàn huyện đã chuyển theo mô hình này được 250 ha ruộng hoang và vụ Mùa năm nay ước diện tích chuyển đổi còn tăng hơn gấp đôi. Hai cánh đồng 170 ha của xã Hòa Thạch trước đây vào thường bị bỏ hoang một vụ nhưng gần đây đã chuyển đổi tất sang mô hình một lúa cá do hai ông chủ đứng lên thuê lại ruộng của dân theo mức sản thỏa thuận rồi đắp lại bờ bao để sản xuất. Với năng suất cá đạt từ khoảng 4 tấn/ha, trên cánh đồng hoang năm xưa đã cho lãi chừng 40-50 triệu/ha, gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Một mô hình nuôi cá ở ngoại thành. Ảnh: NNVN.

Một mô hình nuôi cá ở ngoại thành. Ảnh: NNVN.

Cũng tương tự như thế, ở xã Đông Đỗ đã tập hợp được 70 ha ruộng hoang để chuyển sang trồng lúa, nuôi cá kết hợp cho hiệu quả khá. Nuôi cá ở ruộng tức là dạng ao nổi người dân không mất nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo giống như nuôi trong ao chìm truyền thống mà còn còn tận dụng được các thức ăn có sẵn trong ruộng như lúa chét, cỏ dại, côn trùng, sâu bọ…Song song với đó chất thải của cá còn giúp cải tạo đất đai, khiến cho ruộng đồng màu mỡ hơn vào vụ Xuân sang năm.

Tuy nhiên không phải ở đâu cũng ruộng hoang cũng có thể chuyển sang được ao nổi vì điều kiện để làm được phải là ruộng trũng, lấy nước vào dễ dàng. Vụ Mùa năm 2020, Quốc Oai xây dựng kế hoạch gieo trồng 4.500 ha nhưng các xã, thị trấn chỉ gieo trồng được hơn 3.500 ha, trừ phần đã chuyển đổi hơn 650 ha sang các loại cây trồng khác vẫn còn hơn 300 ha để không. Có nhiều cách để có thể tận dụng được diện tích này như ngắn ngày có thể trồng cây dược liệu dưới dạng liên kết sản xuất tiêu thụ tinh dầu, dược liệu với các doanh nghiệp. Cách này đơn giản vì không phải cải tạo đất, không phải xin phép chính quyền địa phương. Thứ nữa là có thể chuyển sang trồng cây dài ngày, có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, nhãn chín muộn…tuy nhiên phải nằm trong vùng quy hoạch, phải tuân thủ các trình tự, thủ tục trong việc xin phép chuyển đổi.

Vực dậy nông nghiệp đô thị của Sơn Tây thế nào?

Trong quá trình phát triển Sơn Tây đã mất dần đất nông nghiệp cho đô thị hóa, công nghiệp, dịch vụ. Hiện thị xã chỉ còn khoảng hơn 1.300 ha đất nông nghiệp nằm chủ yếu ở 6 xã trong đó khoảng hơn 300 ha phải bỏ hoang vì canh tác khó khăn do thủy lợi bị chia cắt, vì công lao động mỗi lúc một cao. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, nông dân không chú trọng đến đất, bỏ bê đất nhiều là vòng tròn luẩn quẩn của Sơn Tây.

Theo thống kê mới nhất, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của thị xã năm 2019 mới chỉ đạt 97 triệu đồng/ha/năm và bước đầu mới hình thành 2 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế như: Mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà Mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây và mô hình liên kết nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác ong mật Kim Sơn. Để khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất, thị xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa từ cuối năm 2016 với tổng diện tích 1.078 ha, đạt tỷ lệ 107,37% so với kế hoạch đề ra, vượt 74 ha, dôi dư được 52 ha. Sau dồn điền đổi thửa đến nay đã cấp xong 100% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho 6.884/6.884 hộ.

Mô hình nuôi bồ câu Pháp. Ảnh: NNVN.

Mô hình nuôi bồ câu Pháp. Ảnh: NNVN.

Trên cơ sở đất đai đã quy gọn, tập trung liền vùng, liền thửa hơn Sơn Tây đã tổ chức xét duyệt 78 dự án xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với 45 ha, nâng tổng diện tích chuyển đổi các mô hình sản xuất sau dồn điền đổi thửa trên địa bàn 6 xã từ năm 2010 đến nay là 94,9 ha. Thị xã phát triển được trên 100 trang trại mang lại hiểu quả kinh tế khá; đã xây dựng được một số mô hình trồng hoa, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại phường Viên Sơn, đề án phát triển chăn nuôi bò sữa tại xã Kim Sơn, chăn nuôi bò thịt tại xã Sơn Đông, chăn nuôi đà điểu, cá trắm đen tại xã Thanh Mỹ…Không anh chỉ vùng ngoại thành phát triển được nông nghiệp mà ngay cả trong phố như anh Nguyễn Hữu Thọ ở tổ dân phố Thiều Xuân với 2,5 ha trồng hoa, cây cảnh kết hợp nuôi cá mỗi năm  cũng thu nhập được trung bình từ 1,8 - 2 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 8-10 triệu đồng…

Tuy nhiên nhiều người dân trong thị xã vẫn còn lúng túng trong chuyển đổi do không đủ quỹ đất, thủ tục chuyển nhượng phức tạp, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu thông tin. Họ chưa khai thác được thế mạnh của cây con bản địa, đặc sản địa phương vùng miền rồi chế biến chuyên sâu để gia tăng giá trị mà đa số mới chỉ bán ra dưới dạng thô sơ. Bởi thế mà sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, chất lượng và số lượng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, chưa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa biết cách làm thương hiệu, quảng bá...

Người nông dân gần như “tự bơi” với thị trường trong khi đó tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thì tiếng rằng có 18 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 100% đã chuyển đổi theo luật hoặc thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 nhưng nhiều cái vẫn chỉ  là “bình mới rượu cũ”. Tính liên kết trong các hợp tác xã dạng này còn lỏng lẻo, chỉ lo đầu vào kiểu vật tư nông nghiệp, làm đất cho các xã viên chứ khó thống nhất một quy trình sản xuất, khó lo nổi đầu ra. Hoạt động nổi bật nhất có Tổ Hợp tác nuôi ong mật Kim Sơn (thuộc HTX NN và dịch vụ Kim Sơn) với sản phẩm mật ong; HTX chăn nuôi và thương mại Đoài Phương, xã Đường Lâm với sản phẩm gà Mía.

Tại buổi lễ công nhận hoàn thành nông thôn mới, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, ông Nguyễn Huy Khánh khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng. Theo đó, năm 2020, sẽ phấn đấu có một xã đạt chuẩn nâng cao tiếp theo giai đoạn 2021-2025 có thêm từ 2 xã trở lên đạt chuẩn này nữa. Để đạt được các mục tiêu trên phải tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, hình thành các vùng, khu chuyên canh tập trung, thực hiện liên kết chuỗi theo hướng chất lượng, hiệu quả cao và bền vững…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.