| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Triển khai gấp gói hỗ trợ 700 tỉ đồng để thúc đẩy nông nghiệp

Thứ Sáu 08/05/2020 , 05:35 (GMT+7)

Dịch Covid-19 cộng với cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô nói chung cũng như nông nghiệp nói riêng.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tặng quà động viên người dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tặng quà động viên người dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tốc độ tăng trưởng trong quý I-2020 của ngành giảm 1,17% so với cùng kỳ năm 2019. Các mục tiêu về phát triển nông thôn, lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ làm ăn thua lỗ hoặc phải thu hẹp quy mô của sản xuất. Một số địa phương đang có tình trạng bỏ ruộng hoang, rất lãng phí.

Trước thực tế đó, ngày 7/5, bà Ngô Thị Thanh Hằng-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy và thực hiện công việc những tháng tới.

Bà đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT phải khẩn trương giải ngân gói hỗ trợ 700 tỷ đồng để thúc đẩy nông nghiệp, cải thiện đời sống cho bà con nông dân: “Đã kích cầu thì cần kích đúng lúc, không đúng lúc thì không có tác dụng. Làm sao để mấy tháng cuối năm tăng trưởng ngành nông nghiệp phải đạt 4,12% để bù đắp mấy tháng đầu năm tốc độ tăng bị chững lại”.

Cụ thể, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng nông nghiệp đi theo công nghệ cao hoặc hữu cơ. Rà soát lại diện tích ruộng đất bỏ hoang, đặc biệt ở các huyện có nhiều như Thạch Thất, Thường Tín, không để dân chỉ giữ đất chờ giải phóng mặt bằng mà không sản xuất nhưng cũng không để mất cán bộ vì những yếu kém trong việc quản lý đất đai.

Phục hồi việc chăn nuôi lợn, phát triển chăn nuôi trâu bò, gia cầm đi kèm với việc phòng chống dịch bệnh, không để dịch trên người chồng lên dịch trên vật nuôi.

Về nông thôn mới, bà chỉ đạo 8 huyện đăng ký về đích cần rà soát lại tất cả các tiêu chí, họp giao ban, chỉ đạo thường xuyên, coi đây là thành tích chào mừng đại hội địa phương để mà phấn đấu.

Trước mắt, 6 huyện, thị xã như Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín… cần phải tập trung hết sức vào 2 tiêu chí khó là môi trường và xây dựng hệ thống chính trị: “Kinh nghiệm của huyện Phúc Thọ cho thấy bao công sức xây dựng nông thôn mới nhưng người đứng đầu bị kỷ luật là phải dừng công nhận”.

Các quận thời gian qua đã hỗ trợ cho các huyện, thị cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí nhiều hơn nữa để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đúng hạn.

Máy cấy xuống đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Máy cấy xuống đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở cấp cơ sở, 20 xã năm nay phải phấn đấu về đích để cố gắng năm 2021 cả thành phố có 100% các xã hoàn thành nông thôn mới.

Muốn vậy, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, Sở Tài Nguyên và Môi trường cần sớm tháo gỡ thủ tục của 4.897 hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, rà soát xem diện tích nào không trồng được lúa thì chuyển sang cây ăn quả hoặc nuôi trồng thủy sản.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công tạo công ăn việc làm cho nông dân, nhất là thu hút số lao động vừa thất nghiệp ở trên phố trở về địa phương để sản xuất.

Thực hiện khẩn trương việc hỗ trợ an sinh để không ai bị bỏ sót nhưng cũng không để tiêu cực xảy ra mà bài học về vụ mua máy xét nghiệm đội giá lên mấy lần của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội vừa rồi còn nguyên giá trị.  

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) yêu cầu cấp ủy, chính quyền phải nâng cao trách nhiệm, hỗ trợ các sản phẩm nông sản, làng nghề không chỉ của xã mà còn của các phường trong nội đô bởi có những phố nghề, làng nghề đã tồn tại ở đây cả ngàn năm.

Sở Nông nghiệp - PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 để đạt mục tiêu có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Tính đến tháng 4/2020, Hà Nội đã có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 353/382 xã được công nhận trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên tới 51,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,69%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,3%...

Xem thêm
Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.