| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội tương lai: Đô thị xanh

Thứ Bảy 30/08/2008 , 08:00 (GMT+7)

Hà Nội sẽ có một đô thị hạt nhân và nhiều đô thị vệ tinh, được kết nối bởi mảng xanh của đồng ruộng, rừng cây, hồ nước…

Hà Nội mở rộng, những cánh đồng, mảng rừng thẳng cánh cò bay tại vùng ngoại thành sẽ được gìn giữ. KTS Ngô Trung Hải- Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cho biết, Hà Nội sẽ có một đô thị hạt nhân và nhiều đô thị vệ tinh, được kết nối bởi mảng xanh của đồng ruộng, rừng cây, hồ nước…

Một đô thị hạt nhân và nhiều đô thị vệ tinh

Một mô hình cấu trúc Hà Nội mở rộng

Kiến trúc sư Ngô Trung Hải cho biết, đây là ý tưởng đang nhận được nhiều sự đồng thuận về quy hoạch Hà Nội trong tương lai. Hiện có hai phương án được đưa ra. Một là đô thị trung tâm, rồi lan dần ra xung quanh. Phương án đô thị “nở hoa” này đã có từ cả trăm năm trước. Ưu điểm của phương án đô thị lan toả là khoảng cách giữa các đô thị gần, đầu tư đỡ tốn kém hơn. Người dân thuận lợi trong việc đi lại từ nhà đến công sở.

Tuy nhiên, phương án này cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề khi thành phố phát triển quá lớn. Tokyo là một ví dụ điển hình. Đây là một thành phố rất ngăn nắp, xây dựng rất hoàn chỉnh. Nhưng nhiều người dân không thể sống nổi trong thành phố bởi không tìm đâu được một khoảng không gian xanh, mặt nước trong thành phố. Ai đã sang Tokyo thì thấy, có được khoảng không gian nào là người dân ra “hít lấy hít để”. Nếu Hà Nội đi theo mô hình đô thị kéo dài, lan toả dính lấy nhau, thì sẽ phá huỷ rất nhiều vành đai xanh xung quanh Thủ đô.

Phương án thứ hai được nhiều người ủng hộ là đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh. Với Hà Nội mở rộng thì có điều kiện rất tốt để phát triển theo hướng này. Cả Hà Nội sẽ là một “hyper city” (siêu đô thị). Trong đó Hà Nội cũ là đô thị hạt nhân được kết nối với nhiều thành phố nhỏ (vệ tinh) tại những khu vực dân cư hiện hữu. Các đô thị này cộng lại với nhau thành một. Mỗi thành phố vệ tinh sẽ trở thành một cực phát triển của Hà Nội.

Kết nối giữa các đô thị gồm đường giao thông cao tốc (tàu hỏa, xe điện, ôtô...); “kết nối mờ” gồm các kết nối trong không gian (hệ thống thông tin liên lạc, kỹ thuật số, vệ tinh...), và đặc biệt là các mảng xanh. Trong thành phố sẽ có mảng rừng, những khu sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. KTS Hải cho rằng, phải bằng mọi cách mở rộng những mảng rừng trong Thủ đô. Ý tưởng đưa ra là phải tiếp tục trồng thêm rừng, kéo thêm không gian cây xanh từ Ba Vì, Hương Sơn, Sóc Sơn về sâu trong nội thành. Nếu làm được điều này thì Hà Nội sẽ thực sự là Hà Nội của màu xanh. Mỗi đô thị vệ tinh là một bản sắc riêng, hài hoà chung trong tổng thể của Thủ đô.

Để tạo những mảng xanh này, phải có quy hoạch, giữ nghiêm ngặt diện tích sản xuất nông nghiệp, rừng, mặt nước trong Thủ đô. Ông Hải cho biết, Hà Nội sẽ có một đại công viên vào loại lớn trên thế giới ngay sông Tích trên địa bàn gần TP Sơn Tây. Người dân vào đây sẽ thấy được những bãi cỏ mênh mông, tán cây rừng lớn. Khu CNC Hòa Lạc hiện vẫn còn những đồi, hồ nước rất đẹp. Nếu tiếp tục phát triển cây rừng tại đây thì bản thân khu CNC Hòa Lạc cũng có thể gọi là thành phố khoa học xen lẫn sinh thái- "thung lũng Silicon" của VN. Khu đại công viên sẽ nằm ngày cạnh khu CNC Hòa Lạc tạo nên một quần thể không gian hết sức lý tưởng.

Những KĐT như thế này sẽ mọc lên ngày càng nhiều ở Hà Nội


Từ năm 1998 đến nay, chỉ trong vòng 10 năm mà quy hoạch Hà Nội cũ đã phải điều chỉnh 9 lần bởi quỹ đất có hạn, cứ phát triển thêm một khu là lại phải điều chỉnh. Hà Nội mở sẽ có một khoảng rộng cho phát triển hàng trăm năm sau. Bây giờ đừng nghĩ là phải làm gì ngay. Do vậy, KTS Hải cho rằng, không thể cho đô thị phát triển nóng vội. Các dự án cứ ào ào ủi đất làm đô thị trong khi nhu cầu chưa có là “chết”. Đây là cảnh báo và thách thức cho Hà Nội. Dự án của các nhà đầu tư hiện đều riêng biệt. Như vậy mỗi ông chiếm mấy trăm héc ta, dẫn đến đô thị không có sự kết nối vì thực tế không có 1 nhà đầu tư nào đủ tiền phát triển cả một đô thị vệ tinh. Nếu một khu đô thị mới không có kết nối hạ tầng, công trình công cộng thì sẽ trở thành một khu đô thị chết. Khi đó, người dân lại kéo vào trung tâm, đã quá tải lại càng quá tải hơn.

Mỗi làng là một thành viên của đô thị

Với các đô thị kết nối với nhau thì ngoại thành Hà Nội sẽ ra sao? KTS Ngô Huy Giao cho rằng, phải làm sao hiện đại hoá các làng. Trong quá trình phát triển của Hà Nội trước đây có những nét rất độc đáo đã đi vào sử sách. Đó là làng trong đô thị. Xóm Hạ Hồi, làng Kim Liên là điển hỉnh nhất. Ngay phố cổ Hà Nội cũng là cơ cấu làng, bởi mỗi một phố có một cái đình, đền thờ ông tổ của nghề. Đây là mô hình của một đất nước nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá. Sẽ thực sự trở thành bản sắc nếu chúng ta giữ lại được những làng này. Sau này Bát Tràng, Vạn Phúc và nhiều làng nghề khác cũng sẽ trở thành những làng rất đẹp nếu chúng ta duy trì những làng truyền thống này. Không có gì độc đáo hơn làng trong đô thị mà chúng ta đang có. Điều quan trọng là khi phát triển thì phải “làm mới” cái làng đó.

Một góc Hồ Tây


KTS Ngô Trung Hải cho rằng, giờ đây mỗi làng ngoại thành đã là một thành viên của đô thị. Trong quy hoạch sắp tới phải đặt nó như là một đối tượng nghiên cứu thật sự. Việc cải tạo các làng truyền thống ra sao, làng bình dân ra sao? Vấn đề đặt ra là ai đứng ra quy hoạch, ai làm làng mới. Đường làng mới không thể tiếp tục bé tý và lát vạch vỉa đứng. Kiến trúc cổng làng, ao làng còn giữ không? Hà Tây trước đây cũng đã phát triển mất mạnh các làng nghề. Nhưng giờ đây, làng tham gia vào với tư thế là 1 thành viên của một Thủ đô, khác với làng nông thôn. Là một thành viên đô thị thì chính cái làng đó cũng phải thay đổi. Không thể là làng Hà Nội mà vẫn giữ những hình ảnh ra đường đi đất, phóng uế bừa bãi...Đô thị có những đặc tính riêng, quy định, đòi hỏi riêng của nó. KTS Hoàng Đạo Cung từng nói: Thành phố không phải là một làng lớn.

KTS Ngô Trung Hải cho biết, khi trao đổi với các nhà quy hoạch quốc tế từ Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, họ cũng rất trân trọng những làng cổ. Tại những quốc gia này, họ cải tạo những con đường làng, lát đá rộng. Tiếp đó, xây dựng những hệ thống cấp thoát nước, cải tạo lại những ao làng, xây những hàng rào bằng tre mỏng, cực kỳ đẹp. Thậm chí tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, do không còn những kiến trúc cổ nên họ phải làm giả những tường, mái cũ. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có điều kiện giữ lại những kiến trúc cổ thật sự. Đây là điều mình có thể hơn hẳn họ trong tương lai. Với những làng cổ, làng truyền thống ngoại thành, Hà Nội hoàn toàn có điều kiện, chất liệu, có cốt sẵn để hình thành nên những khu du lịch hấp dẫn. Tất cả phải dồn sức để tạo ra một bộ mặt Hà Nội văn minh. Phố văn minh, làng cũng phải văn minh, từ lối sống cho đến môi trường sống.

 

 

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất