| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội xem xét cấm phương tiện cá nhân vào nội thành

Thứ Tư 24/10/2007 , 14:24 (GMT+7)

"Muốn giảm ùn tắc, giải pháp cơ bản và lâu dài là phải quy hoạch lại giao thông cả nước và ở các thành phố lớn. Trước mắt, Hà Nội sẽ áp dụng phương án cấm phương tiện cá nhân vào nội thành, lệch giờ làm, lắp đồng hồ đếm ngược tại các ngã tư và xem xét trang bị camera". Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Đức Nhanh trao đổi bên hành lang kỳ họp QH.

Hà Nội sẽ có 18 cầu bộ hành 

Giao thông đang gây bức xúc lớn trong xã hội, tai nạn nhiều, ùn tắc gia tăng ở các thành phố lớn. Với cương vị của mình, ông có đề xuất gì?

Ở những TP lớn cũng phải có quy hoạch tổng thể chứ không thể chắp vá như hiện nay. Ở HN, gần như giao thông tĩnh là không có. Lẽ ra những tòa nhà là phải có tầng hầm, trước khi cấp phép xây dựng thì phải xem anh để xe ở đâu. Mua xe và xây nhà, anh phải để xe trong nhà anh, chứ không thể vứt xe để ngoài đường. Quy hoạch không đến nơi đến chốn khiến một lượng lớn xe vứt ở ngoài đường, chiếm hết mặt đường giao thông. 

Rồi ngay cả quy hoạch chung về đô thị cũng không hợp lý. Hè thì để xe máy, để bán hàng. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường, đương nhiên là ùn tắc và tai nạn. Hoặc là nước ngoài ở những nút giao thông quan trọng đều quy hoạch đường đi bộ ngầm dưới đất hoặc cầu vượt bên trên. Ta thì làm rất chậm, Hà Nội mới có 2-3 chiếc, bây giờ mới quy hoạch có 18 chiếc. Tóm lại quy hoạch và kết cấu hạ tầng giao thông đều chậm.

Tôi nghĩ với những đô thị lớn, hiện có mấy vấn đề rất quan trọng. Thứ nhất, Chính phủ phải có quy hoạch giao thông toàn quốc với các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường không, đường thủy, đường bộ, đường xe lửa. 

Sẽ cấm các phương tiện cá nhân một số giờ trong ngày

Trong lộ trình giảm phương tiện cá nhân, ông ủng hộ giải pháp nào? Tăng thuế, cấm đăng ký hay giải pháp nào khác?

Trong nghị quyết 32 của Chính phủ có nói một số tuyến, nút và giờ,cấm các phương tiện giao thông cá nhân. Tới đây thành phố sẽ phải áp dụng, đưa tất cả các tuyến thường xuyên ùn tắc, tai nạn để áp dụng. Tất nhiên biện pháp này phải rất khoa học, tính toán kỹ nên cấm đường nào, tuyến nào, giờ nào.

Còn những giải pháp như tăng thuế trước bạ hay phải đóng thuế môi trường thì tôi cho đó những tìm tòi, sáng tạo, tôi không bình luận. Nhưng phải nhớ một điều là bất kể giải pháp nào cũng đều có mặt trái. Tôi thì rất thiết tha với giải pháp lệch giờ, mà tôi biết sẽ nảy sinh nhiều phức tạp. Nhưng cái nào có lợi hơn thì phải làm. Một quyết định chỉ có thể có lợi cho đa số chứ có lợi cho từng cá nhân thì khó lắm. 

Theo hướng lệch giờ, tôi đề nghị là cơ quan Trung ương giữ nguyên giờ làm việc hiện nay là 7h30-16h30, Hà Nội 8h30-17h30, trường học từ cấp 3 trở xuống theo giờ HN, đại học theo giờ Trung ương. Tôi cho đó là giải pháp chưa phải là cơ bản nhưng trước mắt sẽ làm mật độ giao thông quá tải ở các nút đỡ đi. 

8 tháng đầu năm 2007, 15.000 xe ô tô và 116.000 xe máy đăng ký mới tại Hà Nội.

Tổng số phương tiện đang lưu thông: 2 triệu xe máy, 200.000 ô tô, chưa kể lượng xe của các cơ quan trung ương, quân đội và xe ngoại tỉnh lưu hành trên địa bàn.

Đầu tư camera: Quy trình, thủ tục mất nhiều năm 

Ông từng đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội đầu tư lắp camera. Việc này đã tiến triển như thế nào?

Có đại biểu QH nói vì sao không xử lý vi phạm qua camera, nhưng thành phố có đầu tư đâu. Đầu tư cũng rất tốn kém, không phải cứ mua camera lắp lên cột là được mà còn phải kéo cả đường cáp, mỗi camera giá 2,5 tỷ đồng. Hà Nội cần vài trăm cái. Số tiền đó với một thủ đô thì không phải là lớn, nhưng nó thể hiện sự quan tâm. Bộ GTVT, ngành Công an có thể quan tâm, nhưng các ngành khác đâu quan tâm đến chuyện đó, mà tiền bạc lại ở người ta. 

Ví dụ Công an muốn làm camera thì phải đề xuất lên thành phố rồi nhưng kinh phí thì thủ tục rất phức tạp, nào phải thẩm định qua Sở KHĐT, Sở Tài chính. Rồi cuối cùng thành phố còn tổ chức đấu thầu, vân vân. Phải mất hàng năm trời ấy chứ. 

Lấy ví dụ đồng hồ đếm lùi, trước hội nghị Thượng đỉnh APEC, công an làm rất tích cực tuy không phải trách nhiệm của mình, được 37 nút. Chúng tôi đi vay tiền và bây giờ mới được thanh toán. Bây giờ thành phố mới duyệt tiếp, sẽ phủ kín toàn thành phố, chỗ nào có đèn giao thông cũng có đồng hồ đếm lùi. 

Tóm lại quy hoạch giao thông, hạ tầng rất quan trọng. Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra cần sự phối hợp của chính quyền các cấp, các bộ ngành chứ một mình ngành GTVT thì không làm được. Trách nhiệm của công an trong lĩnh vực TTATGT thực ra chỉ có 3 nhiệm vụ chính thôi: Tuần tra kiểm soát vi phạm, nếu vượt đèn đỏ, chở hàng cồng kềnh thì xử lý, lấn vạch sơn, chạy quá tốc độ., thứ 2: đăng ký phương tiện, tức cấp biển số, thứ 3, điều tra xử lý các vụ tai nạn. 

Theo ông, nếu một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch UB ATGT quốc gia như đề xuất của UB Quốc phòng An ninh của QH thì sẽ giúp gì cho công tác ATGT?

Tôi thấy điều này rất tốt, nếu Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, chính quyền các địa phương, rồi những người đứng đầu các ngành mà ra tay thì sẽ rất thuận lợi. Cái gì được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì hiệu quả hơn. 

Không xây nhà cao tầng trong nội thành

Phải đào tạo cấp bằng lái lại toàn bộ, bởi tôi biết rõ có nhiều người không học lái vẫn có bằng.

Về cơ chế phạt, khi đăng ký ô tô, xe máy, phải đặt cọc một khoản ở ngân hàng. Đồng thời, ngân sách cần bổ sung cho hệ thống camera, người vi phạm sẽ nộp phạt theo băng hình và trừ luôn vào tài khoản, tránh được tiêu cực.

            ĐBQH Phạm Thị Loan

Ví dụ ở Hà Nội, để rút ngắn quy trình thủ tục như ông vừa nói thì người đứng đầu cũng phải chỉ đạo quyết liệt?

Đó là chủ tịch thành phố, ông ấy là người có quyền, ra quyết định tức thời thì mới giải quyết nhanh chóng được.  

Cá nhân tôi quan tâm nhiều nhất đến những giải pháp cơ bản và lâu dài. Ví dụ, Thủ đô Hà Nội có nên đầu tư làm tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao không. Tôi cho rằng nếu đầu tư được thì tốt nhưng cực kỳ tốn kém. Mỗi tuyến tàu điện ngầm phải chi phí hơn 100 triệu đô/km. Ngoài chuyện kinh phí, khả năng kỹ thuật của ta cũng chưa cao. 

Tôi cũng nghĩ, nếu có tàu điện trên cao thì Hà Nội chỉ hiện đại thôi, chưa chắc đã đẹp như bây giờ. Nếu chằng chịt mạng tàu điện trên cao thì làm sao còn phố cổ.

Vì thế, cá nhân tôi nghiêng về việc nên giữ Thủ đô cũ, vẫn là Hà Nội nhưng 9 quận nội thành phải giảm bớt mật độ dân số cũng như giảm bớt chung cư, không cho xây dựng chung cư cao tầng nữa. Các văn phòng đại diện nước ngoài chỉ được xây dựng ở độ cao vừa phải. 

Nhưng hiện thành phố có chủ trương cải tạo các khu chung cư cũ thành nhà cao tầng...

Cải tạo chung cư là nghị quyết của Hội đồng nhân dân rồi, bắt buộc phải làm vì nhà đã quá xuống cấp và nguy hiểm. Nhưng nếu không xây cao tầng thì các doanh nghiệp sẽ không đầu tư, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Câu hỏi này rất khó. Cái nọ chồng lấn cái kia, nhưng tất cả các chính sách đưa ra thì nên lưu ý một điều là không nên làm quá tải thêm nữa. 

Nội thành xây quá nhiều tòa nhà như Vincom thì sẽ như thế nào. May mới có một Vincom, nếu có khoảng 100 cái như thế thì mật độ giao thông sẽ cao khủng khiếp. Vì cái chung thì những tòa nhà như Vincom phải đưa ra tận Mỹ Đình, Cầu Giấy, Đông Anh, Long Biên, mật độ tự nhiên sẽ giãn ra mà HN sẽ giữ nguyên vẻ đẹp.

Theo VNN

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm