| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh, ào ào dự án nay nằm chỏng chơ!

Thứ Tư 28/07/2010 , 10:16 (GMT+7)

Hà Tĩnh là một tỉnh thuần nông. Những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Tĩnh liên tục kéo về hàng loạt dự án cây trồng, vật nuôi. Bây giờ nhìn lại, không một dự án nào được như mong muốn...

Những thứ còn sót lại của Nhà máy đường Linh Cảm (Hà Tĩnh). Nhà máy này khởi công năm 1996 với tổng vốn đầu tư 129 tỷ đồng do Tổng Công ty Mía đường I (Bộ NN&PTNN) làm chủ đầu tư. Sau 3 năm thua lỗ đã phải di dời vào Trà Vinh (Ảnh Vũ Toàn)

Hà Tĩnh là một tỉnh thuần nông. Những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Tĩnh liên tục kéo về hàng loạt dự án cây trồng, vật nuôi. Bây giờ nhìn lại, không một dự án nào được như mong muốn... 

Vào những năm 90, Hà Tĩnh có đến trên 90% dân số sản xuất nông nghiệp. Lúc bấy giờ, các loại giống cây trồng, các tiến bộ KHKT còn hạn chế nên kinh tế nông nghiệp Hà Tĩnh nói chung rất èo uột. Chính vì vậy, khi có các chương trình, dự án về, Hà Tĩnh đã hồ hởi đón nhận và kỳ vọng nhiều vào tương lai tươi sáng của các dự án đó. Nay ngoái cổ nhìn lại, hàng loạt dự án sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh khi đó, đều bị thất bại một cách thảm hại.

Có lẽ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mà đặc biệt là lãnh đạo ngành NN-PTNT vẫn còn cay đắng khi nhớ về hàng loạt dự án với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng mất sạch sành sanh như: dự án dâu - tằm - tơ, dự án trồng dứa, sản xuất lúa lai, nuôi tôm trên cát, dự án mía đường, v.v…

Năm 1994, Hà Tĩnh triển khai dự án dâu - tằm - tơ, đây được xem là dự án đầu tiên về với nông dân Hà Tĩnh. Tiếp nhận dự án, cán bộ ra sức tuyên truyền, cổ vũ và vận động nông dân thay thế các loại cây trồng truyền thống sang trồng dâu nuôi tằm. Dự án đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng một nhà máy đồ sộ ngay giữa lòng thành phố để dệt tơ. Thế nhưng, cây dâu, con tằm không phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Hà Tĩnh nên kế hoạch phá sản hoàn toàn; nhà máy đóng cửa, thiệt hại tiền tỷ!

Sau thất bại về dự án dâu - tằm - tơ (người dân Hà Tĩnh gọi đùa là dự án dâu tầm tổ), Hà Tĩnh lại hồ hởi đón nhận dự án trồng dứa trên đất Kỳ Anh. Khi dự án về, một số người tin tưởng đất cằn đá sỏi ở Kỳ Anh, đưa cây dứa vào trồng sẽ phát triển được và có đủ nguyên liệu cho một nhà máy dứa công suất lớn, nhằm đổi đời cho huyện nghèo này. Thế nhưng bởi tính toán thiếu khoa học nên khi đi vào triển khai thực tế, nguyên liệu không đủ cho nhà máy hoạt động. Bên cạnh đó, dây chuyền công nghệ sản xuất của nhà máy lại hết sức tréo ngoe khi kích thước lỗ để chế biến dứa chỉ một cỡ còn dứa thì quả to, quả nhỏ, nhà máy chỉ tiếp nhận được 1/3 lượng dứa vừa lỗ, còn lại 2/3 dứa quả chẳng có cách gì xử lý, dồn đống hàng chục tấn để thối rữa phải mang đi chôn. Chưa được 2 năm trời dự án trồng dứa cũng thất bại, thua lỗ hàng chục tỷ đồng, tiền Nhà nước mất, nông dân trắng tay.

Năm 2000, Hà Tĩnh lại tưng bừng đón nhận dự án Nuôi tôm trên cát của Cty Việt Mỹ. Bập vào Hà Tĩnh, công ty Việt Mỹ được tỉnh cấp ngay cho 2.000 ha đất cát ven biển để nuôi tôm. Do thiếu vốn và cách tổ chức sản xuất kém cỏi cộng với công tác an ninh không đảm bảo nên dãy dụa mãi, công ty này cũng chỉ cải tạo được một số diện tích rất nhỏ trên tổng số diện tích rất lớn được giao đem vào nuôi tôm nhưng thất bại chồng lên thất bại. Sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh có ý thu hồi lại toàn bộ diện tích thì phía công ty lại xin điều chỉnh dự án với nhiều hạng mục, trong đó có cả việc nuôi bèo và chăn nuôi bò... trên cát. Sau những dự án trên, nông nghiệp Hà Tĩnh còn tiếp tục thất bại về dự án lúa lai, dự án trồng cây dó trầm. Lúa lai thời ấy được tuyên truyền, tung hô và giao chỉ tiêu đến từng chi bộ bắt buộc phải thực hiện. Do không hiệu quả nên đến nay chương trình lúa lai này chỉ còn là kỷ niệm buồn.

Cũng tựa như lúa lai, cây dó trầm từng được không ít người Hà Tĩnh tâng bốc lên tận mây xanh để rồi xã xã trồng dó trầm, nhà nhà trồng dó trầm, gây nên một phong trào trồng dó trầm vô cùng lớn, lên đến 1.500 ha trên toàn Hà Tĩnh. Trồng rồi chẳng biết bán cho ai nên gần như dân đành để vậy. Khổ nổi, loại cây này muốn làm củi cũng không ổn vì khó cháy và rất nhiều khói!

Để lại tàn dư khó quên nhất trên đất Hà Tĩnh có lẽ là dự án mía đường. Dự án này vào Hà Tĩnh năm 1996 với tổng vốn đầu tư lên đến trên 160 tỷ đồng. Khi dự án vào, nhờ đưa vào Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nơi nào có chủ trương trồng mía ở đó không thực hiện được thì Bí thư, thôn trưởng ở đó phải chịu kỷ luật. Bằng biện pháp cứng rắn đó nên nông dân ở một số vùng cũng trồng được một ít diện tích mía phục vụ cho dự án. Khổ nổi, đường sá đi lại khó khăn, đường nông thôn toàn đường hẹp, yếu, xe lớn không vào được mà chỉ có thể chở mía bằng công nông hoặc xe bò đến các điểm tập kết rồi mới có thể bốc lên xe tải chở về nhà máy. Với cách làm này, chi phí quá lớn nên buộc phải hạ giá mua vào.

Ông Lê Đình Sơn – Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh: “Những thất bại trên là bài học sâu sắc để chúng tôi rút kinh nghiệm, có chiến lược phát triển các loại, cây con một cách vững chắc hơn. Câu chuyện phát triển thế nào bền vững đến nay chúng tôi vô cùng thấm thía... 

Hiện Hà Tĩnh có gần 10 nghìn ha cao su, phát triển tốt; có nhiều bộ giống cây con mới, cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là các bộ giống lúa mới đưa vào, nâng sản lượng lương thực từ 27 vạn tấn những năm 1990 lên 51 vạn tấn hôm nay cũng nhờ một phần rút ra từ thất bại".

Dân tập tành trồng mía, năng suất thấp (chỉ khoảng 30 tấn mía cây/ha); thu hoạch vất vả, giá thấp, hạch toán thấy lỗ nhiều so với cây trồng truyền thống khác nên người dân chán nản. Về phía nhà máy, do không có kinh phí nên có năm để cho mía của dân trổ hoa mà vẫn không có tiền mua. Tỉnh nghèo Hà Tĩnh đã phải thắt lưng buộc bụng trích ngân sách ra “giải quyết” tồn đọng này. Chuyện chưa hết, nhà máy đường được đặt bên triền sông La, ngay trong khu dân cư (gần khu lăng mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú hiện tại), nên vấn đề nước thải là vô cùng nan giải, nếu không nói là không thể giải quyết. Vì vậy, dự án mía đường rồi cũng phá sản sau vài ba năm tập tễnh đi vào hoạt động.

Bây giờ, tàn dư để lại là một hệ thống cột bê tông nằm chỏng chơ ngay cạnh đường lên khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú. Trước khi rút đưa dây chuyền nhà máy vào Trà Vinh, dự án này còn nợ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Hà Tĩnh trên 100 tỷ đồng. Nay nhờ vào đó làm ăn khá giả và chia sẻ khó khăn với Ngân hàng NN Hà Tĩnh, nên nhà máy đường Trà Vinh vẫn trả nợ gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng. Lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT Hà Tĩnh rất ghi nhận và biết ơn Nhà máy đường Trà Vinh xung quanh vấn đề giải quyết nợ cũ. Tuy nhiên, hiện tại, số nợ gốc vẫn còn trên 70 tỷ đồng.

Ngoài những dự án đã thất bại, Hà Tĩnh đang đối mặt với một dự án đang đứng trước nguy cơ thất bại đó là dự án nhà máy bột ngọt VEDAN ở Kỳ Anh. Do không giải quyết được vấn đề nước thải nên dự án đã được triển khai hoàn thành 3 năm nay, nông dân trồng sắn đang ế đầy nương không biết nhổ vất đi đâu mà lấy đất, chỉ có cách duy nhất là nhổ cho trâu bò ăn. Loài sắn đắng này khốn ở chỗ, chỉ có trâu bò ăn được, còn lợn, gà và người thì không thể ăn được, nông dân Kỳ Anh đang hết khổ vì dự án sản xuất bột ngọt.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.