| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh cơ bản khống chế được dịch lở mồm long móng

Thứ Hai 14/01/2019 , 13:50 (GMT+7)

Sau gần một tháng càn quét tại 19 xã thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh khiến hơn 2.000 con lợn phải tiêu hủy, đến thời điểm này dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc ở Hà Tĩnh đã cơ bản được khống chế. Hiện chỉ còn 4 xã của huyện Cẩm Xuyên và 1 xã của huyện Thạch Hà đang có dịch.

Tuyệt đối không chủ quan

Sau nhiều ngày bám cơ sở chỉ đạo công tác chống dịch LMLM, chiều 13/1, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh khẳng định: “Hiện dịch LMLM đã cơ bản được khống chế. Chỉ còn 5 xã: Thạch Hội (Thạch Hà); Cẩm Yên, Cẩm Phúc, Cẩm Thăng, Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) là đang có dịch. Các địa phương khác không phát sinh thêm ổ dịch mới từ 8 – 17 ngày, riêng huyện Kỳ Anh dịch đã qua 21 ngày”.

16-20-33_3
Công tác dập dịch đang được tỉnh Hà Tĩnh đặt lên hàng đầu

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cảnh báo, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus LMLM phát triển như hiện nay, đặc biệt là thời điểm cận tết, hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật, các sản phẩm động vật giữa các tỉnh gia tăng đột biến thì nguy cơ dịch LMLM tiếp tục phát sinh, bùng phát diện rộng luôn luôn tiềm ẩn. Người chăn nuôi phải đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan; đồng thời, tập trung thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng dịch bằng các biện pháp như: thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vacxin đầy đủ, không tàng trữ, vận chuyển gia súc có biểu hiện mắc bệnh LMLM; khi phát hiện gia súc có triệu chứng bệnh LMLM cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời dập dịch…

“Ngoài yếu tố thời tiết và lưu lượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn gia tăng vào dịp tết, vấn đề khiến chúng tôi lo nhất bây giờ là virus LMLM đợt này có độc lực quá mạnh. Từ năm 1993 đến nay Thú y Hà Tĩnh chưa bao giờ chứng kiến đợt dịch nào mức độ càn quét nhanh, mạnh và giết chết nhiều lợn như lần này. Cùng địa bàn đó, thời tiết đó và cũng gây bệnh trên lợn nhưng từ khi biểu hiện bệnh đến khi lợn chết chỉ trong một buổi”, ông Trần Hùng nói. Đồng thời cho hay, vì độc lực của virus mạnh nên công tác dập dịch của ngành chuyên môn, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn và cũng không loại trừ virus LMLM đợt này đã biến chủng. Tất nhiên vấn đề này ngành chuyên môn cấp cao đang điều tra chuyên sâu và sẽ có kết luật chính thức, cụ thể hơn, tuy nhiên ngành Thú y Hà Tĩnh nêu ra cũng nhằm một mục đích khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch LMLM.
 

Cấp 50.000 liều vacxin LMLM

Trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM, ngày 7/1 UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xuất cấp 50.000 liều vacxin LMLM type O từ nguồn Dự trữ quốc gia để tiêm phòng cho trâu, bò, lợn vùng dịch và khu vực liên quan. Đến ngày 10/1, Bộ NN-PNTN đã phản hồi bằng quyết định số 173/QĐ-BNN-TY, xuất cấp (không thu tiền) 50.000 liều vacxin LMLM hỗ trợ cho Hà Tĩnh để phòng, chống dịch.

Lãnh đạo Chi cục chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho hay, đơn vị đã tiếp nhận vắc xin hỗ trợ từ sáng 12/1, đến chiều cùng ngày số vacxin này nhanh chóng được phân bổ cho các huyện tiếp tục tiêm phòng bao vây chống dịch. Trong đó, huyện Thạch Hà phân bổ 23.000 liều; Cẩm Xuyên 10.000 liều…

Trước đó, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện các giải pháp bao vây, khống chế và dập dịch tại chỗ; chủ động trích ngân sách mua 40.000 liều vắc xin LMLM type O và 6.000 lít hóa chất hỗ trợ các địa phương tiêm phòng bao vây và tiêu độc khử trùng vùng dịch.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất