Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo tiền đề để người chăn nuôi yên tâm tái đàn khi đảm bảo yêu cầu an toàn dịch bệnh.
Số lượng lợn “dính” DTLCP phải tiêu hủy ở Hà Tĩnh từ đầu tháng 1/12 đến nay giảm chỉ dao động trên dưới 20 con/ngày. |
Ngày 17/5/2019 DTLCP “điểm mặt chỉ tên” người chăn nuôi Hà Tĩnh. Chỉ sau một thời gian ngắn cả 13/13 huyện, thành phố, thị xã “dính” dịch, buộc tiêu hủy hơn 32 nghìn con lợn (chiếm 8% tổng đàn lợn toàn tỉnh).
Nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh ngoài tính chất nguy hiểm của DTLCP về độc lực, khả năng lây nhiễm thì lưu lượng phương tiện vận chuyển lợn trên tuyến QL1A và đường Hồ Chí Minh qua địa bàn lớn; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, mưa lụt kéo dài, nhiều vùng bị ngập lụt nặng; bên cạnh đó, tổng đàn lợn khá lớn (khoảng 409 nghìn con); chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, số hộ chăn nuôi nhiều (trên 38 ngàn hộ)... cũng là những nguyên nhân trực tiếp khiến việc kiểm soát dịch gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho hay, tổng đàn lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy tập trung nhiều ở các xã có tổng đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao như huyện: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà… Tuy nhiên, nếu so sánh với cả nước thì số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy của Hà Tĩnh khá thấp (8% tổng đàn), trong khi bình quân chung cả nước (27% tổng đàn). Hà Tĩnh cũng được xếp vào nhóm 12 tỉnh có số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy ít; bảo vệ tốt cho các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn và các cơ sở lợn giống trên địa bàn.
“Đến thời điểm này đã có 107/171 xã dịch qua 30 ngày; 18 xã dịch qua 20 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới. Đặc biệt, từ 1/12 đến nay chỉ còn 24 xã thuộc 6 huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Sơn còn lợn ốm chết, phải tiêu hủy. Số lợn phải tiêu hủy chỉ giao động hơn 20 con/ngày, thấp hơn giai đoạn cao điểm, phải tiêu hủy trên 300 con/ngày”, ông Hùng nói.
Mặc dù diễn biến dịch đang chững lại do thời gian qua phải chống dịch kéo dài nên hiện nay việc huy động lực lượng chống dịch ở các cấp khó khăn. Tổng đàn lợn khá lớn, chăn nuôi quy mô nhỏ trong khu vực dân cư nên khó để thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Ở một số địa phương người dân chưa ý thức cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; việc giám sát, quản lý tổng đàn tại các địa phương triển khai chưa hiệu quả. Đặc biệt, giá lợn đang tăng cao nên đã có tình trạng bán lợn giống không rõ nguồn gốc bằng phương tiện xe máy, người dân mua lợn giống để tái đàn.
Ngoài ra, số lượng cán bộ chuyên môn chăn nuôi thú y tại các huyện thiếu, nhiều xã bố trí cán bộ kiêm nhiệm không có chuyên môn nên rất khó khăn trong việc phát hiện, giám sát dịch, tham mưu và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch…
Để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, ngăn chặn dịch tái phát ở những xã đã qua 30 ngày, ngành chuyên môn tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, định kỳ hàng tháng rà soát tổng đàn, số hộ chăn nuôi lợn để theo dõi, quản lý.
Tập trung bảo vệ đàn lợn nái và chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn sau khi dịch bệnh được khống chế; đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không nhập lợn từ các tỉnh đang có dịch về để nuôi, giết mổ; không tăng đàn, tái đàn tại các vùng dịch, vùng có nguy cơ cao khi chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh.
Công tác chống dịch đang được ngành chuyên môn ở Hà Tĩnh siết chặt. |
Duy trì hoạt động của các Đoàn kiểm tra liên ngành, các chốt kiểm soát tại các điểm trọng yếu đầu mối giao thông trên địa bàn nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; vệ sinh, tiêu độc phương tiện ra, vào, đi qua vùng dịch và các khu vực chăn nuôi tập trung. Xử lý kịp thời, nghiêm túc các trường hợp vi phạm.