| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh "đói" giống

Thứ Tư 11/01/2012 , 09:56 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài kèm mưa dầm giá buốt hơn một tháng qua, vụ ĐX 2011-2012 ở Hà Tĩnh đang gặp khó khăn rất lớn về giống...

Nhiều diện tích mạ ở huyện Can Lộc bị chết
Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài kèm mưa dầm giá buốt hơn một tháng qua, vụ ĐX 2011-2012 ở Hà Tĩnh đang gặp khó khăn bởi hơn 68% diện tích mạ và lúa gieo thẳng đã chết.

Theo thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, tính đến ngày 10/1, toàn tỉnh Hà Tĩnh bắc mạ được 1.526 ha (trong đó trà xuân sớm 411 ha, trà xuân trung 1.109ha); diện tích lúa gieo thẳng 15.726 ha (trong đó trà xuân sớm 6.430 ha, xuân trung 9.296 ha).

Do rét đậm, rét hại nên 410 ha mạ (chiếm 26,8%) và 6.613 ha lúa gieo thẳng (chiếm 42,05%) bị chết; diện tích cần bổ sung nguồn giống lúa ngắn ngày để bắc mạ, gieo cấy lại khoảng 15.000-17.000 ha, tương đương 1.200 tấn giống. Hiện các Cty cung ứng giống trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng gần 700 tấn, còn thiếu hơn 500 tấn.

Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết, toàn huyện gieo được trên 5.100 ha, chủ yếu là các giống lúa IR1820 (trà xuân sớm), Xi23, IR 35366, X30 (trà xuân trung). Nhưng hiện tại có đến 500 ha lúa bị chết rét hoàn toàn.

“Sau đợt rét đậm kéo dài này, dù đã cân đối giống trong các hộ dân nhưng huyện Cẩm Xuyên đang cần 100 tấn giống lúa các loại để gieo cấy lại diện tích lúa đã chết và bắc mạ trà xuân muộn. Điều chúng tôi lo lắng là hiện nay các Cty giống trên địa bàn không đủ giống để cung ứng bởi lượng mạ và lúa chết rét ở các huyện khác cũng rất lớn”, ông Hà nói.

Việc các đơn vị cung ứng giống trong tỉnh không có đủ lượng giống cho bà con SX, buộc các địa phương phải đi mua giống ngoài tỉnh,  ảnh hưởng nhiều tới giá cả, chất lượng giống... gây thiệt thòi cho nông dân.

Chị Hoàng Thị Thuần, xóm 11, xã Sơn Lộc nói: “Vụ ĐX năm nay thực hiện chủ trương của cấp trên không SX giống lúa IR1820 nên gia đình tôi gieo hơn 1 mẫu ruộng với các giống lúa Khang dân, nếp 352. Tuy nhiên, đợt rét đậm kéo dài vừa rồi đã khiến hơn 7 sào bị chết từ 70-80%. Giờ tôi đang cần 50kg lúa giống để khi trời ấm lên cày bừa, gieo cấy lại; đăng ký với xã lâu rồi mà đến giờ vẫn chưa có giống”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ gia đình chị Thuần, hàng vạn hộ nông dân ở Hà Tĩnh đang lo lắng không biết lấy giống ở đâu để gieo cấy lại diện tích đã bị chết rét. Nhiều nông dân còn cho biết, nếu không cung ứng kịp thời các bộ giống mới họ sẽ không biết xoay xở thế nào, nguy cơ bỏ hoang diện tích là rất cao.

Trước những khó khăn trong việc chống rét cho mạ, lúa ĐX, sáng 10/1 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị bổ cứu vụ ĐX 2011-2012. Tại hội nghị này, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Nếu thời tiết tiếp tục rét đậm thì diện tích mạ và lúa gieo thẳng sẽ chết nhiều hơn, lượng mạ thiếu ít nhất cũng phải đến 15.000-17.000 ha; trong khi đó thời vụ chậm nhất đến ngày 25/1 phải kết thúc.

Vì vậy, tỉnh yêu cầu các địa phương cần khẩn trương hợp đồng với các Cty cung ứng giống trong và ngoài tỉnh mua giống lúa ngắn ngày cho bà con nhưng phải đảm bảo yêu cầu chất lượng, giá cả. Đồng thời, chỉ đạo bà con SX theo phương châm “4 đúng, đủ và 5 không” (đúng giống; đúng thời vụ; đúng quy trình kỹ thuật; đủ lượng và đủ nilon; không chủ quan; không gieo thẳng; không bỏ hoang diện tích; không thiếu cán bộ đi cơ sở; không được để người dân quá tuỳ tiện trong SX).

UBND tỉnh cũng đề nghị Sở NN-PTNT liên hệ với các đơn vị cung ứng giống, phấn đấu đến ngày 22/1 có đủ giống cho dân; các huyện, xã khuyến cáo bà con phải bắc mạ bằng che phủ nilon với trà xuân muộn, khi nhiệt độ thấp không cấy. Về chính sách, ông Sơn cho biết, tỉnh, huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ 50% giá giống, hỗ trợ 100% nilon che phủ mạ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất