| Hotline: 0983.970.780

HTX - Cuộc chuyển đổi tư duy:

Hà Tĩnh: Gió đổi chiều!

Thứ Năm 13/09/2018 , 10:10 (GMT+7)

Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp. HTX là con đường hiệu quả trong giải quyết đầu ra nông sản, góp phần nâng cao thu nhập nông dân, kéo DN đầu tư trở lại lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết cần một cuộc chuyển đổi nhận thức về phát triển HTX. HTX không phải đích đến như cách làm cũ một thời, mà là phương tiện, là cầu nối quan trọng trong chuỗi từ SX đến thị trường.

NNVN xin được giới thiệu một số mô hình phát triển HTX tiêu biểu.

Sau khi triển khai thi hành Luật HTX (năm 2012), đến thời điểm này 100% HTX trên địa bàn Hà Tĩnh đã thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo đúng quy định của Luật. Đáng mừng là số lượng HTX thành lập mới đang tăng lên theo chiều hướng phát triển cả lượng và chất. Trong đó, nhiều HTX từng “sống dở chết dở”, cầm cự chờ giải thể, nay hồi sinh nhờ đổi mới phương pháp điều hành, quản lý; liên kết sản xuất - kinh doanh với các doanh nghiệp.
 

Hơn 59% HTX phục vụ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp

Chừng gần chục năm về trước Hà Tĩnh đã đi tắt đón đầu, khuyến khích các địa phương phát triển mô hình kinh tế HTX. Lúc bấy giờ, HTX hoạt động theo cơ chế “chân trong, chân ngoài”, nửa tự chủ, nửa bao cấp hoặc bao cấp hoàn toàn. Vì bao cấp nên vai trò, trách nhiệm của ban quản lý HTX không được thể hiện rõ dẫn đến số lượng HTX hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay, đại đa số cầm cự chờ… giải thể. Tất nhiên, nguyên nhân cũng vì thu nhập của những người trong HTX không đủ nuôi bản thân và gia đình họ. Nhiều chủ nhiệm HTX phàn nàn họ thường xuyên phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, lương không, thưởng không; cơ sở hạ tầng làm việc tạm bợ nên không có động lực để cố gắng.

09-45-11_3
Khoảng 5 năm gần đây số lượng và chất lượng mô hình HTX trên địa bàn Hà Tĩnh gia tăng khá nhanh, đặc biệt là mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp
Năm 2012 luật HTX ra đời đúng lúc phong trào xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh trở thành “cao trào”. Hàng loạt chính sách được tỉnh này ban hành, trong đó có những chính sách lồng ghép, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tập thể HTX, tổ hợp tác. Mục đích là đẩy mạnh liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, khép kín từ đầu vào đến đầu ra, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phân tích, những năm gần đây Hà Tĩnh căn cứ vào lợi thế của từng địa phương cụ thể để xây dựng đề án phát triển cây, con chủ lực.

Đồng thời, quy hoạch phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn. Khi đã phát triển quy mô lớn thì cần phải có đầu vào, đầu ra ổn định và HTX sẽ là đơn vị đứng ra đảm nhận vai trò này.

“Rất đáng mừng là từ khi thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới, số lượng HTX được thành lập mới cũng như HTX hoạt động hiệu quả tăng lên không ngừng.

Tính đến cuối tháng 6/2018 toàn tỉnh đã thành lập được 1.349 HTX; trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp 803 HTX (chiếm 59,5%); công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 77 HTX; điện 5 HTX; tín dụng nhân dân: 32 quỹ tín dụng; môi trường 171 HTX; thương mại tổng hợp 206 HTX; vận tải 26 HTX; xây dựng 23 HTX và 6 HTX khác.

Doanh thu bình quân của các HTX đạt trên 70 triệu đồng/HTX/tháng; thu nhập của các thành viên HTX đã tăng từ 500 - 700 ngàn đồng/người/tháng (trước năm 2012) lên hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng…”, ông Sơn nói.

Trong số 1.349 HTX thì có đến 59,5% HTX hoạt động lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp.

Nhìn chung, việc ra đời và hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp là một trong những nhân tố cần thiết, mang tính chất phục vụ lợi ích cho một số lượng lớn thành viên.

09-45-11_5
Ảnh: Thanh Nga

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, nhiều HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao đã ra đời nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm như HTX Nga Hải, HTX An Tâm Farm - huyện Nghi Xuân; HTX Gia Phúc - huyện Can Lộc; một số HTX ở huyện Thạch Hà… Các HTX nông nghiệp nói chung, đặc biệt là các HTX dịch vụ hàng hóa thực sự phát huy tốt vai trò của mình trong việc đại diện cho các cá nhân, hộ cá thể nhằm tiếp cận khoa học công nghệ, vay vốn, liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm trong khi bản thân các cá nhân, hộ cá thể không tự tiếp cận được.
 

Gần 150 HTX điển hình, kiểu mẫu

Song song với việc triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh, hàng năm Liên minh HTX Hà Tĩnh dành một nguồn lực nhất định từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để mở rộng quy mô mô hình kinh tế HTX. Hiện vốn điều lệ của quỹ này đang duy trì trên 21,6 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, quỹ đã giải ngân cho vay 8 dự án, với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Trao đổi với NNVN, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Kế hoạch - hỗ trợ (Liên minh HTX Hà Tĩnh) cho biết, theo đánh giá bước đầu, hiện toàn tỉnh đang có khoảng gần 150 HTX điển hình, kiểu mẫu. Những HTX này ngoài kinh doanh hiệu quả còn là “bà đỡ” đắc lực giúp hàng nghìn hộ nông dân nâng cao thu nhập kinh tế trên đơn vị diện tích.

Năm 2008 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên được thành lập với 22 thành viên. Khi đang hoạt động theo mô hình HTX kiểu cũ, ngoài việc huy động nguồn vốn hạn chế, cơ sở hạ tầng tạm bợ thì việc điều hành, quản lý HTX chủ yếu đổ trên đầu vị chủ nhiệm.

09-45-11_1
Ảnh: Thanh Nga

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX thừa nhận, sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng lên đáng kể. Theo đó, vốn điều lệ của HTX nay đạt hơn 7,6 tỷ đồng; bình quân mỗi năm lãi ròng từ 600 - 700 triệu đồng. Quan trọng nhất, HTX đã giải quyết được khâu cung ứng dịch vụ nông nghiệp từ "A đến Z" cho người nông dân.

“Chúng tôi xác định phục vụ nông dân là nhiệm vụ số 1, sau đó mới đến hiệu quả kinh doanh. Hiện tại HTX Cẩm Bình vừa cung ứng giống, phân bón vừa làm dịch vụ thủy lợi, thuốc BVTV và bao tiêu đầu ra. Nổi bật là mô hình liên kết với Tổng Cty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An cung ứng phân bón, giống trả chậm và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm lúa với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm 10%”, ông Hùng phấn khởi nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Hùng, mỗi vụ Cẩm Bình sản xuất 475ha lúa thì có đến 250ha nằm trong mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất một loại giống. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm HTX cung ứng giống, phân bón, nước, thuốc BVTV và bao tiêu cho khoảng 180 - 200 tấn lúa cho nông dân, có năm cao điểm lên đến 375 tấn. Đặc biệt, nhờ triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn nên công tác chỉ đạo sản xuất từ thời vụ gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch được thực hiện đồng bộ, góp phần tăng năng suất lúa từ 55 - 56 tạ/ha (trước năm 2013) lên 60 - 64 tạ/ha.

Một HTX kiểu mới khác cũng đang được đầu tư phát triển bài bản là HTX nông nghiệp Đại Thành, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn. HTX này vừa đầu tư 2,1 tỷ đồng xây dựng nhà làm việc, kho hàng và quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ông Võ Văn Biển, Giám đốc HTX cho biết, khi bắt tay thành lập HTX (năm 2016), 28 thành viên tự góp vốn GPMB, xây dựng chiến lược kinh doanh. Với mục tiêu vừa thu lợi nhuận vừa cung ứng giống cây, con và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, HTX liên kết với Cty lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn cung ứng lợn giống; liên kết Cty Bảo lâm cung ứng giống cây lâm nghiệp và liên kết trang trại bò sữa Vinamilk bao tiêu ngô nguyên liệu cho bà con.

09-45-11_2
HTX Đại Thành là một trong những đơn vị điển hình đang hoạt động hiệu quả theo mô hình HTX kiểu mới

“Từ 2016 đến nay, bình quân mỗi năm chúng tôi cung ứng khoảng 500 con lợn con; hơn 1 vạn cây giống lâm nghiệp và bao tiêu 700 tấn ngô nguyên liệu cho người dân. Doanh thu của HTX đạt từ 1 - 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí HTX tiếp tục lấy lợi nhuận mở rộng quy mô”, ông Biển thông tin thêm.

"Sở dĩ những năm gần đây Hà Tĩnh gia tăng nhanh số lượng và chất lượng HTX là nhờ các chính sách kích cầu của tỉnh. Theo đó, trong vòng 6 năm hàng loạt chính sách, từ trực tiếp đến lồng ghép đã được ban hành. Điển hình là Nghị quyết 65/2017 của HĐND tỉnh, hỗ trợ 100 triệu đồng cho HTX có liên kết sản xuất theo chuỗi; 50 triệu đồng/sản phẩm/HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATVSTP hoặc truy xuất nguồn gốc; khen thưởng 200 triệu đồng cho HTX điển hình. NQ 79/2017 của HĐND tỉnh hỗ trợ 70% (không quá 1 tỷ đồng) giá trị máy ép rác chuyên dụng/HTX"…

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.