| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Nơi dịch bệnh "đến hẹn lại lên"

Thứ Tư 03/03/2010 , 10:19 (GMT+7)

Mặc dầu sản lượng tăng, chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhưng dịch bệnh trên gia súc gia cầm vẫn luôn rình rập ở tỉnh này.

Tính đến thời điểm đầu năm 2010, Hà Tĩnh có tổng đàn trâu 99.594 con; 210.000 con bò; 420.000 con lợn; 5,5 triệu con gia cầm; tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân đạt 31%/năm; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Mặc dầu sản lượng tăng, chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhưng dịch bệnh trên gia súc gia cầm vẫn luôn rình rập ở tỉnh này.

Những ổ dịch kinh hoàng

Hà Tĩnh là tỉnh khúc ruột miền Trung, có quốc lộ 1A, đường 12 và đường sắt Bắc-Nam đi qua với cửa khẩu quốc tế từ nước bạn Lào đổ về. Bên cạnh đó, khách và hàng hoá từ cửa khẩu quốc tế Cha-lo (Quảng Bình) đổ về Hà Tĩnh cũng rất đông thông qua cảng Vũng Áng. Vì thế, việc vận chuyển gia súc gia cầm từ Bắc vào Nam và ngược lại từ nước bạn Lào đổ về với số lượng khá lớn và thường xuyên. Việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến đường này chưa thực sự triệt để nên trong mấy năm gần đây nhiều ổ dịch bệnh gia súc gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Điển hình như năm 1989, ổ dịch LMLM gia súc xảy ra tại địa bàn huyện Kỳ Anh, nơi giáp ranh tỉnh Quảng Bình, làm rất nhiều  gia súc mắc bệnh. Thời đó, do công tác phòng chống dịch còn yếu kém nên dịch xảy ra không được xử lý dứt điểm, dẫn đến mầm bệnh âm ỉ lâu dài, làm cho Kỳ Anh nhiều năm sau đó lại tiếp tục bị dịch bệnh LMLM. Ngoài ra, ở nhiều địa phương khác như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Vũ Quang… cũng rải rác có dịch LMLM. Tệ hơn, năm 2008, bò của chương trình hỗ trợ hộ nghèo đưa về huyện Vũ Quang, không những bản thân nhiều con bò của chương trình này “dính” bệnh mà còn “rước” bệnh về làm hàng chục con gia súc của huyện này bị vạ lây. Nguyên nhân của đợt dịch này là do mua bò từ vùng có dịch LMLM của tỉnh ngoài vào, kiểm tra dịch bệnh thiếu chặt chẽ, không tuân theo quy định cách ly một thời gian trước khi nhập đàn… Mới đây nhất, cuối 2009, dịch tụ huyết trùng và LMLM xảy ra tại huyện Thạch Hà cũng làm trên 100 con trâu bò mắc bệnh.

Tháng 3/2007, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 3 xã của huyện Lộc Hà, làm cho 22.599 con gia cầm bị mắc bệnh. Nguyên nhân của ổ dịch này là do chủ hộ mua trứng ngoại tỉnh về ấp và đưa luôn cả dịch bệnh về… Không những ở Lộc Hà mà TP Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà và một số địa phương khác cũng đã nhiều lần bị dịch cúm gia cầm. Dịch cúm gia cầm xảy ra nhiều năm ở Hà Tĩnh đã làm hàng chục ngàn con gia cầm mắc bệnh, phải tiêu huỷ, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng đối với bà con nông dân.

Ngoài dịch tụ huyết trùng, LMLM trâu bò và dịch cúm gia cầm, nguy hiểm hơn, ở Hà Tĩnh, tháng 3 năm 2008 dịch bệnh tai xanh ở lợn xảy ra tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên làm hàng chục nghìn con lợn của xã này bị nhiễm bệnh, phải tiêu huỷ. Tại tâm điểm dịch này, mặc dù dịch lan rộng từng ngày từng giờ nhưng công tác phòng, chống, dập dịch yếu cộng với giới kinh doanh lợn vẫn lén lút đêm đêm chở lợn từ vùng dịch đi tiêu thụ nên chỉ sau một thời gian ngắn, dịch đã lan sang hàng chục xã của huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và nhiều huyện khác, nâng tổng số xã có dịch tai xanh là 77 xã tại 5 huyện, thị, thành phố. Tổng số lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu huỷ lên tới 31.880 con, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Dịch lợn tai xanh đựơc chặn đứng thì năm 2009 dịch tả lợn lại xảy ra tại xã Đức Thọ, Cẩm Xuyên làm trên 500 con lợn bị nhiễm bệnh; cuối năm 2009 dịch cúm gia cầm lại tiếp tục xảy ra tại huyện Thạch Hà… Các ổ dịch ở gia súc gia cầm nói trên đã làm thiệt hại nặng nề cho hàng trăm hộ gia đình ở Hà Tĩnh. Nhiều hộ điêu đứng, phá sản vì dịch bệnh.

Nguyên nhân

Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho rằng: “Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều tuyến giao thông Bắc-Nam chạy qua và từ nước bạn Lào về cũng là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch LMLM xảy ra ở đàn gia súc chủ yếu xuất hiện ở các vùng miền núi nơi khí hậu khắc nghiệt cộng với việc thả rông trâu bò; thậm chí nhiều hộ gia đình không kiểm soát nổi đàn gia súc của mình; ý thức chấp hành của người dân cũng còn kém, vì vậy, công tác tiêm phòng những vùng này đạt tỷ lệ rất thấp, dẫn đến hay bị dịch và khi dịch bệnh xảy ra, lây lan ra là điều tất yếu”.

Một nguyên nhân khác là việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn thường xuyên diễn ra nhưng việc kiểm soát dịch bệnh của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ nên dẫn đến mầm bệnh lây lan. Ngoài ra, hệ thống thú y cơ sở còn thiếu và yếu; hình thức chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá đầu tư thiếu đồng bộ (xem nhẹ vấn đề vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh); thời tiết mùa đông ẩm ướt kéo dài, mưa nhiều; công tác tiêm phòng chưa triệt để… cũng là những nguyên nhân gây dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Hà Tĩnh trong những năm qua.

Lời kết

Mấy năm gần đây, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã rất quan tâm đến chăn nuôi và có các nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhờ vậy, phong trrào chăn nuôi của Hà Tĩnh những năm gần đây cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Việc dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn gia súc gia cầm, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân như thời gian qua là điều mà tỉnh Hà Tĩnh và ngành chức năng tỉnh này cần phải nghiêm túc rút ra bài học để tìm ra giải pháp chống dịch hiệu quả nhất.

Điều kiện tự nhiên của Hà Tĩnh khá thuận lợi cho phát triển chăn nuôi cộng với sự quan tâm của tỉnh thì tin rằng phong trào chăn nuôi ở tỉnh này sẽ còn phát triển mạnh. Tuy nhiên, chừng nào dịch bệnh còn xảy ra thì chừng đó, chăn nuôi ở tỉnh này sẽ còn phải đối mặt muôn vàn khó khăn.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.