| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh ưu tiên chính sách cho NTM

Thứ Năm 02/12/2010 , 10:08 (GMT+7)

Được ví là vùng “chảo lửa, túi mưa”, Hà Tĩnh làm cách nào để xây dựng NTM? Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ với PV.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Lê Huy Ngọ kiểm tra xây dựng NTM ở xã Gia Phố (Hương Khê)

Được ví là vùng “chảo lửa, túi mưa”, Hà Tĩnh làm cách nào để xây dựng NTM? Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ với PV NNVN về vấn đề này.   

Thưa ông, đến nay thì Hà Tĩnh đã triển khai việc xây dựng NTM đến đâu? 

Hà Tĩnh có trên 86% dân cư là nông thôn. Trong chiến lược phát triển, không chỉ theo hướng công nghiệp, dịch vụ mà phải đặt việc phát triển nông nghiệp, nông thôn làm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nội dung được đặt lên hàng đầu là xây dựng NTM toàn diện, mang tính bền vững.

Năm 2002, Hà Tĩnh tỉnh duy nhất của cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã, thôn xóm, sau 8 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 8 xã đạt xã NTM theo bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh và Trung ương đề ra. Riêng xã Gia Phố (Hương Khê) vinh dự được Trung ương chọn một trong những xã của cả nước thí điểm xây dựng NTM.  

Phải chăng từ thành công "đi trước một bước" đó mà Hà Tĩnh đã tự tin khi triển khai chương trình NTM? 

Trên cơ sở xây dựng Gia Phố thành xã NTM toàn diện theo 19 tiêu chí Trung ương đề ra, Hà Tĩnh đã chọn 12 xã điển hình của 12 huyện, thị, thành phố làm điểm về xây dựng NTM cho các đơn vị; ban hành đề án xây dựng NTM toàn tỉnh giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020; đặt mục tiêu cho các đơn vị, từ nay đến 31/12 phải xây dựng xong quy hoạch 12 xã điểm NTM.

Đến cuối năm 2011 hoàn thành quy hoạch trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở đó thành lập BCĐ ba cấp tỉnh - huyện - xã do các đồng chí Chủ tịch các cấp làm trưởng ban; chỉ đạo các xã phân loại các tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí để thực hiện có hiệu quả; riêng năm 2011 Hà Tĩnh sẽ ưu tiên chính sách cho xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2015, Hà Tĩnh có trên 20% số xã đạt xã NTM. 

Là tỉnh thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến quá trình xây dựng NTM như Hà Tĩnh?  

Đúng Hà Tĩnh thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của thiên tai bão lũ. Đặc biệt, hai cơn lũ chồng lũ vừa qua "quét" đi hơn 6.300 tỷ đồng; trong đó nông nghiệp thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng; hầu hết kết cấu hạ tầng nông thôn đều bị phá huỷ dẫn đến tiến trình xây dựng NTM có phần bị chậm trễ so với kế hoạch đề ra; bởi nhiều công trình trong bộ 19 tiêu chí quốc gia được xây dựng từ trước, sau lũ bị hư hỏng phải xây dựng lại.

Đặc biệt, ngân sách dành cho chương trình này chưa đáp ứng kịp thời, đầu tư chưa đồng bộ, làm trước lũ phá sau. Vì thế tính chất bền vững của chương trình xây dựng NTM ở vùng lũ phải được tính toán hợp lý.  

Để xây dựng NTM mang tính bền vững, Hà Tĩnh có giải pháp gì?

Đó là phải gắn kết giữa người dân với chính quyền các cấp, phải dựa vào sức dân để thực hiện, đồng thời làm cho người dân hiểu xây dựng NTM là xây dựng cho cuộc sống của chính mình, cho huyện, cho tỉnh và cho cả đất nước. Vì thế, việc xây dựng NTM ý thức từ cán bộ đảng viên đến quần chúng và mọi tầng lớp trong xã hội đều không thể xa rời đời sống, quyền lợi của người dân.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Để làm được điều đó, chúng tôi đang tập trung cho việc quy hoạch lại toàn diện như: quy hoạch sử dụng đất; xây dựng công trình thiết yếu; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng nông thôn; điều chỉnh lại các khu dân cư từ vùng thấp trũng, ven sông ven biển lên các vùng an toàn; xây dựng các khu dân cư mới gắn với phương án chống lũ; các công trình công cộng, hội quán, trường học… phải nghiên cứu xây dựng công trình nhà ở 2 tầng tránh lũ kiên cố, hợp lý. Hệ thống đường giao thông nông thôn các vùng lũ không rải nhựa mà chỉ làm bằng đường bê tông để có phương án khắc phục khi có sự cố; đồng thời, quan tâm hơn nữa đến vấn đề xây dựng, quản lý bảo vệ rừng là việc làm thiết yếu hiện nay. 

Thực hiện theo 19 tiêu chí, Hà Tĩnh có kiến nghị gì không, thưa ông?

Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng trường kỳ nhưng khẳng định là sẽ thành công nếu chúng ta biết dựa vào sức dân, vận động chính người dân thực hiện, bởi xây dựng NTM là xây dựng gia đình, thôn bản, làng xã, huyện thành NTM với mục đích đưa nông thôn xích gần với thành thị.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, Hà Tĩnh cũng gặp không ít khó khăn. Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM quốc gia, có những tiêu chí đề ra rất cao như tiêu chí kết cấu hạ tầng, thu nhập của người dân, vấn đề môi trường… đòi hỏi địa phương phải huy động hết mọi nguồn lực, có sự đồng thuận cao mới có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, việc đầu tư ngân sách cho xây dựng NTM chưa được Trung ương quan tâm đúng mức; nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, đời sống dân sinh còn khó khăn trong khi đó, nếu hoàn thành được 10 tiêu chí, mỗi xã cần ít nhất từ 50-70 tỷ đồng; nếu phấn đấu đạt cho được từ 15 tiêu chí trở lên thì cần phải có từ 130-150 tỷ đồng.

Vì vậy, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị đến nhận thức về xây dựng NTM của mỗi người dân, Hà Tĩnh rất cần nhận được chính sách đầu tư của Trung ương bằng các dự án giúp Hà Tĩnh vào cuộc quyết liệt thì chắc chắn mục tiêu đề ra đến năm 2015 Hà Tĩnh có trên 20% số xã đạt tiêu chí NTM quốc gia đề ra sẽ thực hiện được.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất