| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh vẫn đói... nước

Thứ Ba 30/11/2010 , 10:06 (GMT+7)

Sau hai cơn lũ lịch sử, mặc dù nguồn nước ở Hà Tĩnh cơ bản đã được xử lý nhưng để thực sự có nước sạch cho người dân thì vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.

Sau hai cơn lũ lịch sử, mặc dù nguồn nước ở Hà Tĩnh cơ bản đã được xử lý nhưng để thực sự có nước sạch cho người dân sử dụng thì Hà Tĩnh vẫn đang còn rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.

Đợt lũ chồng lũ từ cuối tháng 9 giữa tháng 10/2010 đã nhấn chìm 182/262 xã, phường, thị trấn của tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có một số huyện bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Đức Thọ...

Nước lũ đã làm cho toàn bộ hệ thống ao, hồ, giếng nước và công trình chứa nước bị ngập chìm trong lũ, người dân trong vùng lũ đã phải sử dụng nước lũ để sinh hoạt trong nhiều ngày, toàn bộ các công trình nước sạch và hệ thống cấp nước đều bị thiệt hại nặng nề.

Trong đó 8 công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng nặng, 5 công trình cấp nước thuộc hệ tự chảy bị lũ cuốn trôi; hơn 83 nghìn giếng nước của dân bị ngập, trong đó có 2 nghìn giếng bị hư hỏng nặng không có khả năng khắc phục; hàng nghìn công trình vệ sinh, nhiều nhà làm việc, hệ thống ống dẫn nước cùng với trang thiết bị phục vụ cho việc cấp nước bị ngập và hư hỏng. Ước tính thiệt hại trên 14,5 tỷ đồng.

Ngay sau khi lũ rút, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành từ Trung ương đến tỉnh, Trung tâm NT- VSMTNT Hà Tĩnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, QK4 và các đơn vị khác kịp thời cấp 11.570 kg bột và trên 245 nghìn viên Cloramin B, 2.100 kg Pur, trên 100 nghìn viên Aquatab, 3 nghìn tờ rơi hướng dẫn xử lý nước và 1 nghìn túi xà phòng, khăn tay cùng nhiều cơ số thuốc khác cho các địa phương phân bổ về thôn xóm nhằm hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước; các công trình vệ sinh...

Dù đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc xử lý nguồn nước cho bà con sử dụng nhưng vì hệ thống cấp nước bị hư hỏng quá nhiều, đồng thời, thiệt hại xảy ra trên diện rộng, kinh phí khắc phục chưa được hỗ trợ nên đến nay gần như nguồn nước sạch phục vụ cho người dân vẫn chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Viết Nhất, Giám đốc Trung tâm NS- VSMTNT Hà Tĩnh, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến việc nước sạch chưa đến được với người dân là do vướng mắc trong việc xây dựng các công trình cấp nước tập trung, cộng với nguồn kinh phí hạn hẹp nên đành phải để người dân sử dụng nước xử lý qua hoá chất thêm một thời gian nữa". 

Điều băn khoăn nhất hiện nay của TT là sự thiếu an toàn của các công trình vệ sinh ở các hộ gia đình, bởi đợt lũ vừa qua hầu hết các công trình vệ sinh người dân đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia đều đã bị lũ cuốn trôi, phá hỏng; người dân đang phải sinh hoạt bừa bãi trong cảnh mất vệ sinh và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, xảy ra dịch bệnh là rất cao.

Cũng theo ông Nhất, các công trình cấp nước tập trung theo nguồn vốn ADB, đến nay chỉ mới hoàn thành đưa vào sử dụng được nhà máy cấp nước sạch cho trên 500 hộ dân xã Vĩnh Lộc (Can Lộc), nơi nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề do các kho thuốc trừ sâu thời chiến tranh để lại. Còn công trình nước Thạch Long thì chỉ mới hoàn thành gói thầu lắp đặt đầu mối, đường ống, các gói còn lại tiến độ thi công chậm.

Để có được nước sạch cho bà con sử dụng sau lũ, thiết nghĩ Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho Hà Tĩnh nhằm giúp tỉnh này khôi phục, sửa chữa lại các hệ thống cấp nước, các công trình vệ sinh đã bị hư hỏng. Riêng phía Hà Tĩnh, cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước đang xây dựng, đầu tư xây dựng thêm các dự án cấp nước khác trên địa bàn đảm bảo nguồn nước an toàn cho bà con kể cả những khi mùa lũ xảy ra.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.