| Hotline: 0983.970.780

Hạ trần lãi suất cho vay dưới góc nhìn của ngân hàng và DN

Thứ Tư 29/08/2012 , 13:18 (GMT+7)

Không ít người vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng liệu DN mình có vay được mức lãi suất đó không hay vẫn bị lách trần lãi suất. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Atul Malik - Tổng GĐ Maritime Bank và ông Mai Xuân Lượng – Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn gang thép Hàn Việt - 1 khách hàng của Maritime Bank về vấn đề này.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông báo số 198/TB-NHNN ngày 9/7/2012, các tổ chức tín dụng đã đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ để xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm từ ngày 15/7/2012. Dù vậy, không ít người vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng liệu doanh nghiệp mình có vay được mức lãi suất đó không hay vẫn bị lách trần lãi suất.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Atul Malik (ảnh trên)- Tổng Giám đốc Maritime Bank và ông Mai Xuân Lượng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn gang thép Hàn Việt  - 1 khách hàng của Maritime Bank về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm của Maritime Bank về việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay nói chung và điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm (đồng thuận với NHNN, chia sẻ với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng…)?

Ông Atul Malik: Tôi cho rằng, chỉ thị hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 15%/năm là cần thiết và đúng với xu thế thị trường nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn khó khăn. Có thể khẳng định, động thái quyết liệt của Thống đốc NHNN yêu cầu giảm lãi suất xuống dưới 15% đối với những khoản nợ cũ đã giải tỏa được nỗi lo âu của các doanh nghiệp.

Chúng tôi đã và đang tuân thủ theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất xuống 15% hoặc thấp hơn cho những nhóm khách hàng đủ tiêu chuẩn. Trên thực tế, với việc cắt giảm lãi suất này, chúng tôi đã cùng chia sẻ khó khăn và mang lại lợi ích cho khách hàng của Maritime Bank.

Cụ thể, chúng tôi đã giảm lãi suất cho hai nhóm khách hàng sau: Nhóm thứ nhất là những khách hàng hiện đang kinh doanh tốt và có triển vọng phát triển tốt. Nhóm thứ hai là những khách hàng hiện đang gặp khó khăn tạm thời nhưng có mô hình kinh doanh tốt và có triển vọng phát triển tốt

Bằng việc tập trung vào hai nhóm khách hàng trên, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có triển vọng vượt qua giai đoạn khó khăn và những doanh nghiệp tốt tiếp tục mở rộng kinh doanh. Chúng tôi áp dụng chính sách này cho cả các khách hàng hiện tại và khách hàng mới. Nếu trong thời gian tới, NHNN tiếp tục đưa ra chính sách hạ lãi suất cho vay, Maritime Bank vẫn nghiêm chỉnh tuân thủ.

Phóng viên: Vậy Maritime Bank sẽ có những biện pháp gì khi phải đối mặt với việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ (rủi ro lãi suất, giảm lợi nhuận)? Liệu Ngân hàng các ông có khó khăn gì khi thực thi chỉ đạo này không?

Ông Atul Malik: Chúng tôi tin rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần tăng tín dụng ngân hàng. Các khoản tín dụng cần đến được tay người tiêu dùng để kích cầu, đến được các doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất thỏa mãn các nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế, cũng như đến được với các công ty xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu giao dịch quốc tế. Việc này cũng giống như một vòng tuần hoàn vì nhu cầu tăng sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp và đem lại mức tăng trưởng cao hơn.

Một trong những biện pháp kích cầu là giảm lãi suất. Việc giảm lãi suất trong nền kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền và tăng nguồn tín dụng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điểm mấu chốt là các ngân hàng cần phải hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất với người đi vay, đồng thời tăng nguồn tín dụng đối với những khách hàng đủ tiêu chuẩn.

Trong ngắn hạn, lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng từ rủi ro lãi suất và giảm biên lợi nhuận. Tuy nhiên trong trung hạn nếu kinh tế tăng trưởng bền vững thì các ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì điều quan trọng là ngân hàng và doanh nghiệp phải hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.  

Phóng viên: Đó là ý kiến của Tổng Giám đốc Maritime Bank, còn trên quan điểm của một doanh nghiệp, ông nghĩ sao khi theo công bố, đa số các NHTM đã thực hiện chỉ thị của NHNN về việc điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm. Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp than thở, đây chỉ là “chiêu bài”, vì ngân hàng vẫn đang chần chừ, kéo dài thời gian giữ vốn...?

Ông Mai Xuân Lượng: Tôi nghĩ, có thể hiện tại nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp vì nhiều lý do khác nhau, có thể do bản thân doanh nghiệp đó đang có vấn đề hoặc cũng có thể do nhà băng chưa thực sự mở cửa như thông báo. May mắn là doanh nghiệp chúng tôi không gặp phải vấn đề khúc mắc này. Ngân hàng mà chúng tôi đang vay vốn đã gửi thông báo và ngay lập tức điều chỉnh lãi suất của các khoản vay cũ của chúng tôi về mức 15% như quy định. Một số doanh nghiệp, đối tác của chúng tôi sau khi được giới thiệu cũng đã vay vốn tại Maritime Bank và cho biết đã được Ngân hàng này hỗ trợ ngay khi Thông tư của NHNN được ban hành. 

Phóng viên: Việc Maritime Bank ngay lập tức đưa lãi suất của các khoản vay cũ về mức 15% đã hỗ trợ thế nào cho hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp ông đang quản lý?

Ông Mai Xuân Lượng: Trước kia chúng tôi luôn đau đầu với các khoản nợ vì phải chịu lãi suất quá cao, do đó hoạt động kinh doanh cũng bị trì trệ hơn. Tuy nhiên, từ sau khi được Maritime Bank thông báo giảm lãi suất, doanh nghiệp tôi lại “sống khỏe”, các khó khăn trước kia dần dần được khắc phục, hạn chế được chi phí để tập trung sản xuất kinh doanh, từ đó doanh nghiệp chúng tôi có thể tăng cường sức cạnh tranh với thị trường cho sản phẩm về giá cả và chất lượng.

Phóng viên: Xin cảm ơn hai ông về buổi trò chuyện này

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất