| Hotline: 0983.970.780

Habubank và SHB sẽ sáp nhập trong thời gian tới

Thứ Năm 26/04/2012 , 09:53 (GMT+7)

Habubank vừa công bố đề án sẽ sáp nhập với SHB trong thời gian tới, như vậy thương hiệu Habubank sẽ không tồn tại sau sáp nhập.

Chiều ngày 25/4, Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank - mã chứng khoán là HBB) công bố dự thảo đề án sáp nhập giữa HBB vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Như vậy, thương hiệu Habubank sẽ không tồn tại sau sáp nhập.

Đề án sáp nhập sẽ được Habubank bổ sung vào các nội dung xin ý kiến cổ đông tại Đại hội cổ đông tổ chức vào ngày 28/4.

Dự kiến, sau khi sáp nhập hai ngân hàng này sẽ tạo ra một định chế tài chính với vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng cùng 5.000 nhân viên, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước.

Ngân hàng mới sẽ có các công ty con gồm Công ty chứng khoán và Công ty quản lý tài sản của Ngân hàng, địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia…

Theo dự thảo hợp đồng sáp nhập và hoán đổi cổ phần, giao dịch sáp nhập sẽ được thực hiện thông qua việc hoán đổi các cổ phần của HBB và SHB, theo tỷ lệ 1 cổ phần của HBB sẽ được hoán đổi thành 0,75 cổ phần của SHB.

Về giao dịch sáp nhập, HBB sẽ sáp nhập vào SHB bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang SHB và HBB sẽ chấm dứt sự tồn tại kể từ ngày sáp nhập.

Dự thảo nhấn mạnh, quá trình này được sự kiểm soát và hỗ trợ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước các cấp để đảm bảo quá trình diễn ra thành công, không ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, khách hàng và các bên liên quan. SHB sẽ kế thừa toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp đồng thời chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ tài sản, nghĩa vụ lao động và các nghĩa vụ khác của HBB kể từ ngày sáp nhập.

Thương vụ giữa HBB và SHB được xem là vụ sáp nhập đình đám hồi giữa tháng 3/2012 sau khi có thông tin HBB và SHB sẽ sáp nhập với nhau. Tuy nhiên, tại thời điểm đó cả Habubank, SHB và cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đều lên tiếng chưa xác nhận.

Theo HBB, một trong những lý do dẫn tới sự cần thiết đối với việc xây dựng phương án sáp nhập là các khoản vay từ nhóm khách hàng Vinashin đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng, nhất là với chi phí vốn ngày càng cao, kết quả là tài chính và chất lượng tài sản có từ năm 2011 đến nay bị suy giảm rất nhiều.

Cũng theo Habubank, một trong những vấn đề trọng yếu trong thời gian vừa qua là do HBB thiếu kế hoạch mở rộng hoạt động và phát triển kinh doanh đủ tham vọng nên HBB đã phải gánh những hậu quả đáng tiếc cho Ngân hàng gồm: Không có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ khi thị trường khủng hoảng; không có khả năng thích nghi tốt khi tình hình có những dấu hiệu bất lợi đối với thị trường, sản phẩm truyền thống của Ngân hàng.

Với quy mô và khả năng hiện tại thì HBB sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường và có thể yếu thế trong quá trình cạnh tranh khi các đối thủ cạnh tranh cũng đang đẩy mạnh hoạt động hợp nhất, sáp nhập để vươn tới tầm khu vực. Việc xây dựng phương án sáp nhập phù hợp với xu hướng phát triển sẽ giúp HBB tham gia tiến trình này một cách chủ động, có khả năng vượt qua khó khăn và nâng cao khả năng cạnh tranh khi nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu rộng hơn.

Lãnh đạo HBB cho biết, đây là một quyết định đã được Hội đồng quản trị của HBB cân nhắc một cách cẩn trọng trên cơ sở đảm bảo tối đa quyền lợi cho các cổ đông, cán bộ nhân viên trong điều kiện hiện nay của Ngân hàng.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.