| Hotline: 0983.970.780

Hai bức ảnh về cuộc sống người miền núi

Thứ Tư 18/09/2013 , 10:14 (GMT+7)

Cuộc sống ở nhiều vùng miền núi hiện nay so với một hai chục năm về trước không có thay đổi gì nhiều trừ một số cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Dễ nhận thấy nhất là so sánh bức ảnh đen trắng chụp thủa trước với bức ảnh màu chụp bây giờ...

Cuộc sống ở nhiều vùng miền núi hiện nay so với một hai chục năm về trước không có thay đổi gì nhiều trừ một số cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm.

>> Thăm nhà giàu và nghèo nhất làng
>> Nông dân đang có gì?

Dễ nhận thấy nhất là so sánh bức ảnh đen trắng chụp thủa trước với bức ảnh màu chụp bây giờ ngoài người lớn già đi, trẻ con lớn lên có những thứ vẫn như thế, vẫn nhà đất, nhà sàn, vẫn những vật dụng đáng được để trong viện bảo tàng.

Ở miền núi, tiếng là đất đai rộng rãi nhưng phân tán, tỷ lệ được cấp sổ đỏ lại chưa cao, tốc độ tích tụ, tập trung ruộng nương chậm. Thêm vào đó, trình độ chế biến, bảo quản nông sản thấp, nông nghiệp mới chỉ manh nha thương mại hóa nên hiệu quả sản xuất nói chung kém xa so với nông dân đồng bằng.

Kiên Mộc (Đình Lập, Lạng Sơn) cũng như nhiều xã khác trong vùng có một lượng lớn sổ đỏ của dân đang nằm trong các ngân hàng vì thế chấp. Tôi chọn bản Phục cho chuyến khảo sát của mình và nhà đầu tiên vào là vợ chồng anh Nông Văn Bộ - Vương Thị Linh người Tày hộ trung bình điển hình về thu nhập (ở bản Phục không có hộ giàu - PV). Ngoài ba mươi tuổi, 2 đứa con, 2 ha rừng thông, 2 sào 2 ruộng, 1 xe máy nát trị giá chừng 300.000đ, 1 chiếc ti vi cũ độ 500.000đ, 1 cái máy cày sắp hỏng cỡ 1 triệu đồng, 1 cái tủ lạnh 3 triệu đồng đó là lý lịch tài sản trích ngang của anh chị.


Góc tài sản của nhà chị Linh - một hộ trung bình

Anh Bộ làm ở ủy ban xã, hằng tháng nhận trên 2 triệu đồng lương còn vợ đi phát rừng thuê, thỉnh thoảng bán từ con gà đến quả trứng tổng cộng thu nhập của cả nhà được chừng 3 triệu/tháng. Số tiền ấy được chị Linh kê chi tiết như sau: “Nuôi hai đứa con đi học bán trú ở huyện mỗi tháng mất 1,5 triệu đồng, mua xăng dầu cho máy cày mỗi mùa 2 can, mỗi can mất 500.000đ, tiền thịt mỗi tuần hai lần, mỗi lần 50.000đ, tiền ma chay, cưới xin, ốm đau… Chưa bao giờ trong nhà có trên 2 triệu tiền mặt, nếu có cũng chỉ được một hai ngày là lại chi tiêu vào đủ thứ công việc. Hiện nay, chúng tôi đang vay 100 triệu đồng vì mua 2 ha rừng thông. Cây vẫn còn non, phải chục năm nữa mới cho thu hoạch nhựa được nên chưa biết lấy nguồn nào để trả nợ đây”.

Khá dễ dàng cho tôi khi chụp được tất cả các tài sản đáng giá nhất của gia đình họ. Nào có nhiều nhặn gì, gọn lỏn một góc nhà gồm cái tủ lạnh, cái ti vi, xe máy và chiếc máy tẽ ngô. Tổng giá trị của chúng hiện tại được chừng ba triệu đồng.

Nhà anh Nông Văn Bắc có sáu người trong đó có hai lao động, hai ông bà già cộng thêm hai đứa trẻ. Anh bị bệnh khớp, ốm lên ốm xuống hết đi viện lại đi cúng ma mãi mà không khỏi. Hai đứa con nhỏ bìu díu vợ anh cũng chẳng đi làm thuê ở đâu xa được đành quẩn quanh trong làng, ngoài xóm, ai thuê gì làm nấy. Tổng tài sản trong nhà họ có chừng 10 triệu gồm chiếc xe máy cũ, cái thùng công nông (không có đầu máy) cộng với chiếc ti vi cũ nhưng lại đang nợ đến 10 triệu đồng. “Chúng tôi không có trâu bò cũng không có máy cày gì cả thế mà chưa phải nằm trong diện hộ nghèo đâu nhé”, chị cười, nét môi có cái gì như chua xót.


Gia cảnh của một hộ ở bản Phục

Anh Vi Văn Say, Trưởng bản Phục cùng chị Chu Thị Quyền, Chi hội phụ nữ bản, thống kê cho tôi, ở bản có 58 hộ thì 34 hộ vay vốn từ ngân hàng chính sách với tổng nợ trên 800 triệu (chưa kể nguồn vay từ các ngân hàng khác cũng như vay ngoài - PV). Trung bình tổng tài sản của một hộ nghèo ở đây khoảng 10 triệu đồng (chưa kể nợ nần, bán hết chưa chắc đã trả xong - PV), một hộ trung bình có 15 triệu đồng còn hộ khá giả thực sự gần như không có kể cả nhà trưởng thôn hiện cũng đang phải vay nợ 190 triệu: “Người nghèo thường chỉ có tiền vào dịp Tết, đó là lúc cả năm họ đi làm thuê, làm mướn được trả tiền nhưng có nhà đến Tết cũng không có xu nào, phải vay thịt rồi sang năm nuôi lợn hoặc làm thuê để trả. Chuyện đói giáp hạt hầu như năm nào bản cũng có, cũng phải cứu trợ”.

Nhà anh Vi Văn Huân là một trong 25 hộ nghèo của bản Phục. Anh năm nay 46 tuổi, có 5 đứa con, 3 đã lập gia đình. Ngoài cái máy cày loại nhỏ tài sản của nhà anh là một số không to tướng. Không trâu, không xe máy, không ti vi đến không cả gà mới lạ. Anh giải thích: “Thóc đủ ăn cho người là tốt rồi lấy đâu mà thóc nuôi gà? Vả lại tiền đâu mà mua gà giống?”. 

Anh ở nhà làm 7 sào ruộng, vợ đi làm thuê tận Trung Quốc. Từ nhà đến biên giới ngót dăm chục cây số nhưng chẳng bao giờ chị dám đi xe vì sợ tốn mà cứ trèo đồi, lội suối từ tờ mờ sáng đến nhọ mặt người, đi cả ngày không ăn không uống. Vượt biên lén lút, chị Huân làm đủ thứ từ trồng mía, bón phân, bóc vỏ đến thu hoạch một ngày công tính ra tiền Việt được 200.000đ. Sau hai năm chắt bóp, chị cũng sắm được cái máy cày loại nhỏ. Tôi hỏi chị sao không cho đứa con gái đi làm thuê cùng mẹ, chị rùng mình lắc đầu: “Mình tôi chịu đã đủ rồi, con gái con lứa trẻ đi làm thuê ở đó dễ gặp nguy hiểm lắm!”.


Chị Huân chỉ còn có 30.000đ

Tháng trước, chị bị sâu róm độc cắm lông vào gân tay, thuốc thang, làm then rồi lại truyền nước mất hai triệu đồng vẫn chưa khỏi. Cái tay cứ nhức buốt ban ngày co lại không thể làm được bất cứ việc gì, buổi tối nó còn làm cho hai con mắt chị tròng trọc thức đến sáng. Chỉ bó thuốc to tướng, xanh ngắt những thứ lá cây trên rừng vẫn còn đầm đẫm nước mưa, chị bảo vừa đi bộ bốn tiếng đồng hồ lấy từ một thầy lang ở Bính Xá.

Bữa cơm trưa được dọn ra ngay trong xó bếp tồi tàn, nhìn mãi mà chỉ có cơm trắng, bát ớt dầm muối và mấy hạt lạc. Cạnh xó bếp, một rá gạo nếp được ngâm sẵn để làm những cái bánh cốc mò nhân lạc đãi lũ cháu ngoại đến chơi. Ở miền núi những nông dân nghèo như nhà anh Huân hầu như chẳng có thức ăn gì ngoài rau dưa nên họ cần rất nhiều muối để dẫn cơm. Mỗi tháng một gia đình như thế dùng hết chừng 3 kg muối trắng. Bột canh chỉ là thứ họa hoằn mới có vào những dịp mùa sim hoang, ổi dại để có cái chấm còn không cứ trường kỳ muối hột.

“Mấy tháng nay không có đồng tiền nào chịu vào nhà, tôi toàn phải vay mượn. Vay anh trai 2 triệu, vay bà thông gia 2 triệu, vay đứa cháu 1 triệu để chữa bệnh mà cái tay đau vẫn chưa khỏi để đi kiếm tiền”, chị nói mà như rên.

Tôi hỏi, nhà còn tiền không? Tìm mãi cái túi cất dưới đầu giường, lục lọi một hồi chị bảo: “Còn 38.000đ cả thảy. 30.000đ của tôi định dành trả tiền điện vì nợ đã 4 tháng nay nhưng chưa đủ còn 8.000 đ là vốn của đứa con gái”. Trong ngôi nhà đất nát mà anh chị trình từ hồi đẻ đứa con gái đầu lòng được 30 ngày đến nay đã có tới 5 đứa cháu, tài sản chẳng có thêm được thứ gì ngoài một thứ duy nhất thay đổi đó là cái nhà mỗi ngày một dột nát hơn.

Việt Nam nằm trong top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức News Economics Foundation (NEF) có trụ sở ở Anh năm 2009. Tuy nhiên, nghiên cứu này không tính đến khía cạnh giàu có làm tiêu chuẩn hạnh phúc mà tập trung vào các nhân tố khác như tuổi thọ, mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân. Công bố này khiến cho ngay cả cộng đồng dân những nước được bình chọn cũng lấy làm nghi ngờ vì độ xác tín của nó.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất