| Hotline: 0983.970.780

Hai cái chết làm náo động vùng quê biển

Chủ Nhật 18/04/2010 , 10:36 (GMT+7)

Chỉ vì sốt nhẹ, sau khi được truyền dịch, cả 2 anh em liền lần lượt lìa bỏ cõi đời...

Nạn nhân là 2 anh em ruột La Văn Nghĩa (15 tuổi) và La văn Vinh (13 tuổi) ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải (Hoài Nhơn, Bình Định). Từ căn bệnh ban đầu là sốt nhẹ, sau khi được nhân viên y tế thôn Lê Thị Phường truyền dịch, cả 2 anh em liền lần lượt lìa bỏ cõi đời.

Hai cái chết bất thường ấy đã làm náo động cả vùng quê biển suốt mấy ngày nay.

Hàng trăm người dân tập trung đưa tang 2 cháu Vinh và Nghĩa.

Chúng tôi có mặt tại nhà 2 cháu Vinh và Nghĩa đúng lúc gia đình đang chuẩn bị đưa tang 2 cháu. Không thể tả xiết nỗi tang thương bao trùm lên ngôi nhà nhỏ của ngư phủ La Văn Thật (41 tuổi) và vợ là Phạm Thị Tâm (42 tuổi). Tiếng khóc vang động cả một góc quê. Không chỉ có người thân của 2 cháu gào khóc nức nở bên 2 chiếc quan tài bé bỏng đặt giữa căn nhà mà hàng trăm người dân đang có mặt tại tang lễ cũng đều sụt sịt rơi nước mắt.

Ông Nguyễn Trung - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hoài Hải - bức xúc cho biết: “Suốt mấy ngày qua, hầu như người dân khắp các địa phương trên huyện Hoài Nhơn đều đổ về đây để tận mắt chứng kiến cái chết oan ức của 2 cháu bé. Không lúc nào con đường bê tông trước nhà anh Thật và trong sân những ngôi nhà trong xóm không chật kín người. Ai nấy đều căm phẫn trước cái chết oan uổng của 2 đứa bé và mong mỏi 2 cái chết bất thường kia nhanh chóng được các ngành chức năng điều tra, làm rõ”.

Khóc ròng rã suốt mấy ngày đêm, giọng nói của anh La Văn Thật, cha của 2 nạn nhân đã khản đặc. Anh thều thào kể lại chuyện đau thương trong giọng nói ngun ngút: “Vào ngày 14/4 vừa qua, thấy cháu La Văn Vinh (13 tuổi) có hiện tượng bị sốt nhẹ, tôi mua cho cháu 4 liều thuốc cảm, nhưng uống xong cháu vẫn không thuyên giảm. Sợ để lâu cháu bị nhiễm bệnh nặng phải bỏ học nên tôi gọi y tá thôn tên Lê Thị Phường đến nhà khám bệnh cho cháu. Sau khi khám, bà Phường chích thuốc rồi truyền cho cháu bình 1 dịch. Thấy cháu bớt hẳn, qua ngày hôm sau (ngày 15/4) tôi gọi bà Phường đến nhà truyền thêm cho cháu 1 bình dịch nữa, lúc ấy là 12 giờ trưa. Mới chuyền được 1/3 bình thì cháu Vinh bỗng co giật, sùi bọt mép. Mẹ cháu hoảng quá rút kim ra rồi đưa cháu đến Trạm Y tế xã sơ cứu, liền sau đó kêu taxi đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Sau khi được bác sỹ khám, chụp CT, đến 17 giờ cháu Vinh lại được BV Bồng Sơn chuyển về BV Đa khoa tỉnh. Xe vừa đến cổng BV là cháu Vinh tắt thở, khi ấy vào khoảng 19 giờ.

“Trước đây, bà Lê Thị Phường có mua bán thuốc Tây nhỏ lẻ tại nhà. Sau đó bà Phường được địa phương cho đi học lớp y tế thôn ngắn hạn (1 - 2 tháng) tại BV Bồng Sơn. Bằng cấp duy nhất của bà Phường là cái bằng chứng nhận lớp học ngắn hạn ấy. Năm 2000, bà Phường đảm nhận công tác y tế tại thôn Kim Giao Nam” - ông Trần Đình Du - Trưởng Trạm Y tế xã Hoài Hải.

Cũng trong ngày hôm đó, (ngày 15/4), anh của cháu Vinh là cháu La Văn Nghĩa cũng bị sốt nhẹ, được bà y tá thôn cho uống thuốc cảm rồi đi học buổi chiều. Đến 17 giờ chiều, lúc cháu Nghĩa đi học về thì em nó là cháu Vinh đã được chuyển đi BVĐK tỉnh. Trong lúc đó vợ chồng tôi đang bên cạnh cháu Vinh nên ở nhà chỉ còn vợ chồng thằng em ruột coi ngó. Thấy cháu Vinh đã chết, trong khi đó cháu Nghĩa cũng đang bị sốt nên quá lo sợ, 2 vợ chồng thằng em tiếp tục đưa cháu Nghĩa lên BV Bồng Sơn để khám. Khi đi, do vội vàng nên quên mang theo thẻ bảo hiểm học sinh và tiền nên quay về nhà lấy. Lúc từ nhà quay lại BV, đang đi trên đường thì gặp bà y tá thôn Lê Thị Phường. Bà Phường chặn lại bảo là cháu Nghĩa chỉ bị cảm xoàng, để về nhà bà chuyền cho bình dịch là khỏi ngay chứ việc gì phải đi BV chi cho tốn tiền. Tin lời bà Phường, 2 vợ chồng thằng em đưa cháu Nghĩa về nhà. Sau khi đo nhiệt độ, thấy cháu Nghĩa chỉ bị sốt có 38o bà Phường chích cho Nghĩa mũi thuốc rồi lấy bình dịch đã truyền cho cháu Vinh còn lại 2/3 bình mang ra truyền tiếp cho Nghĩa. Bà Phường nói rằng chỉ cần thay kim, thay dây là an toàn, không sao đâu mà ngại. Vợ chồng em tôi tin tưởng, cứ để bà Phường làm theo ý. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau cháu Nghĩa bảo với em dâu tôi là cháu bị lạnh quá, 2 chân tê hết. Khi ấy bình dịch vẫn còn, bà y tá thôn liền rút kim ra, ném bình dịch ra ngoài sân. Một chặp sau bà y tá nhờ đứa cháu cạnh nhà mang dùm vỏ bình dịch vô cho bà rồi bà cầm đi về nhà. Liền sau đó cháu Nghĩa lên cơn co giật nhẹ, đến 19 giờ thì bị co giật mạnh, sùi bọt mép như cháu Vinh trước đó. Gia đình tôi lập tức gọi bà y tá đến để đưa cháu Nghĩa đi BV cấp cứu. Bà y tá thôn đến, nhưng sau khi gọi được taxi bà bỏ đi về nhà, không theo cháu Nghĩa lên BV. Khi đến BV Bồng Sơn, các bác sỹ yêu cầu gia đình mang chai dịch đã truyền cho cháu Vinh và cháu Nghĩa đến BV để kiểm tra nhằm có phương án cứu chữa hữu hiệu, kịp thời. Thế nhưng khi người nhà của tôi đến nhà bà Phường để lấy vỏ chai dịch thì bà Phường bảo là đã ném đâu mất, không tìm ra. Các bác sỹ chờ hoài không có vỏ chai dịch, tình trạng của cháu Nghĩa ngày càng nặng nên BV Bồng Sơn chuyển cháu lên BV tỉnh ngay trong đêm đó. Qua 11 giờ trưa ngày hôm sau (ngày 16/04), cháu Nghĩa cũng không qua khỏi và chết trong BV tỉnh. Ai đâu ngờ cùng lúc tôi mất 2 đứa con trai nhỏ dại”.

Bà Đinh Thị Lộc (60 tuổi) ở thôn Mỹ An, xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn), nguyên là cán bộ Công an huyện Hoài Nhơn, là người họ hàng của gia đình anh Thật, người trực tiếp đến nhà bà y tá Phường xin lại vỏ bình dịch để mang lên BV Bồng Sơn cho các bác sỹ kiểm tra.

Bà Lộc kể: “Vào lúc 21 giờ ngày 15/4 tôi tiếp tục đến nhà bà y tá Phường để lấy cái vỏ chai dịch đã truyền cho 2 đứa cháu thì thấy bà ấy đang thu dọn tủ thuốc. Miệng thì bà ấy bảo chai dịch truyền cho 2 cháu Vinh và Nghĩa đã bị mất không tìm ra, tay thì bà thoăn thoắt lấy những chai, lọ thuốc đang bày trong tủ ra, bỏ vào 1 cái thùng giấy mang đi giấu. Không lấy được vỏ bình bịch tôi đành đi về để thông báo cho người nhà trên BV Bồng Sơn biết. Lúc 23 giờ đêm đó, bà Phường đột nhiên đến nhà, mang theo 1 chai nước và bảo ấy là bình dịch đã truyền cho 2 cháu Vinh và Nghĩa. Nhìn chai nước, đứa cháu mà bà Phường nhờ mang dùm chai nước từ ngoài sân vào cho bà lúc chiều đã phát hiện không phải là chai nước được truyền cho cháu Vinh và cháu Nghĩa. Cháu gái ấy còn cho biết chai nước khi chiều có nút màu xanh và còn rất ít nước (vì đã chuyền cho cả 2 cháu Vinh và Nghĩa), còn chai nước này có nút màu trắng và rất nhiều nước. Bà Phường cãi vã to tiếng một chặp rồi bỏ về”.

Ông Trần Đình Du - Trưởng Trạm Y tế xã Hoài Hải khẳng định: “Chức năng nhiệm vụ của y tế thôn chỉ là giám sát dịch bệnh ở địa phương mình quản lý rồi tổng hợp báo cáo cho Trạm Y tế xã, phối hợp với Ban cán sự thôn làm công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành Y tế nghiêm cấm y tế thôn hành nghề tiêm chích thuốc, truyền dịch và điều trị bệnh nhân. Ai làm trái quy định trên sẽ bị xử lý nghiêm minh. Thế nhưng bà Phường đã lén lút làm những điều trái quy định để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đối với 2 cháu Vinh và Nghĩa. Bà Phường vi phạm luật pháp ở mức độ nào thì cá nhân bà sẽ bị luật pháp xử lý thích đáng mức ấy, thế nhưng đây cũng là bài học để đời về sư quản lý của ngành y tế địa phương”.

Cũng theo ông Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoài Hải Trần Đình Du, vào lúc 15 giờ chiều ngày ngày 16/4, Công an và Thanh tra huyện Hoài Nhơn đã về Trạm Y tế xã làm việc, tìm hiểu về tư cách nghề nghiệp của bà Phường và ông Du cũng đã cho ngành chức năng biết tất cả sự thật.

Theo chúng tôi được biết, chiều ngày 16/4, Hội đồng Pháp y tỉnh Bình Định đã tiến hành mổ tử thi 2 cháu Vinh và Nghĩa. Đồng thời, BV Đa khoa tỉnh Bình Định cũng đã gửi mẫu bệnh phẩm của 2 cháu đi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc kết quả cuối cùng về nguyên nhân gây nên cái chết của 2 cháu Vinh và Nghĩa khi có kết luận của ngành chức năng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm