| Hotline: 0983.970.780

Hai câu chuyện ám ảnh người viết

Thứ Sáu 22/06/2018 , 13:15 (GMT+7)

Những ngôi nhà luôn đem lại cho con người hay lang bạt như tôi nhiều cảm xúc...

1. Đó có thể là những ngôi nhà lợp mái bổi dày đến nửa mét ở miền biển, ngôi nhà lợp mái ngói âm dương ở miền biên viễn, ngôi nhà lợp bằng gỗ pơ mu lẩn khuất trong mây nơi miền thượng ngàn. Chúng luôn chật ních tiếng cười và tràn trề nhựa sống. Nhưng có một kiểu nhà đã làm tôi đau đáu bởi vách chúng được dựng bằng hàng trăm chai thuốc trừ cỏ, trừ sâu.

17-24-39_dsc_8775
Một ngôi nhà dựng bằng chai thuốc BVTV

Ở đó người dân dầm mình "tắm" trong thuốc trừ cỏ, dùng tay trần quấy thuốc trừ cỏ, dùng nắp chai thuốc trừ cỏ để thay chén uống rượu. Ở đó những người chồng chết non, những đứa con chết yểu, những phụ nữ mắc đủ thứ bệnh lạ. Một lần chợt dừng chân ghé lại mấy bản làng người Mông tít ở đỉnh núi trên mấy huyện vùng cao Sơn La mà niềm day dứt cứ đuổi theo mãi. Loạt phóng sự 5 kỳ “Trong những ngôi nhà được dựng bằng chai thuốc sâu” đăng tải trên báo NNVN từ ngày 10 - 14/7/2017 phản ánh về tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và những hậu quả khủng khiếp của nó đã có tác động cảnh báo rất lớn.

Diện tích đất nông nghiệp lớn cộng với ý thức kém trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV đã khiến cho gần đây mỗi năm lượng thuốc BVTV của Sơn La vọt lên ở mức 287.247kg (lít), trong đó có một lượng lớn hóa chất trừ cỏ cực độc. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La mỗi năm nhận khoảng 50 ca ngộ độc thuốc trừ sâu và 100 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ trong đó có khoảng 50% ngộ độc thuốc cháy nhanh (Paraquat). Những ca này rất khó chữa trị vì không có thuốc giải nên nằm viện một thời gian người thân thường xin cho về nhà lo hậu sự, 50% sẽ tử vong sau đó một vài ngày.

17-24-39_dsc_8811
Tác giả trên con đường đất trơn trượt đến thực tế những ngôi nhà dựng bằng chai thuốc sâu ở Sơn La

Không chỉ là nỗi tăm tối của đồng bào vùng cao mà còn ảnh hưởng cho chính người ở phía dưới hạ lưu. Nhớ năm xưa hồi xây dựng đập thủy điện Sơn La, cứ tranh luận mãi chuyện đập cao hay thấp có một đại biểu quốc hội nói đại ý rằng nếu xây cao mà vỡ đập thì chỉ trong mấy tiếng một chiếc xe tăng mấy chục tấn có thể trôi về đến Hà Nội nên mọi người đã cẩn thận chọn phương án đập thấp. Cũng tương tự như thế, chỉ sau mấy tiếng trong mùa mưa, nước độc nhiễm thuốc sâu từ thượng nguồn Sơn La có thể thẩm thấu theo sông Đà về Hà Nội, đầu độc một cách từ từ người dân.

Vấn nạn thuốc trừ cỏ không chỉ ở Sơn La mà trên phạm vi toàn quốc. Chỉ tính riêng số lượng ngộ độc Paraquat vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu đã không ngừng tăng theo năm tháng, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca năm 2015 và đến năm 2016 tăng thành 450. Khoảng 70 - 90% trong số đó tử vong.

Sau khi NNVN đăng tải loạt phóng sự dài kỳ “Trong những ngôi nhà được dựng bằng chai thuốc sâu”, tỉnh Sơn La đã có những động thái vào cuộc rất tích cực. Loạt bài không chỉ tác động đến tỉnh Sơn La mà còn thúc đẩy rút ngắn quá trình cấm thuốc trừ cỏ độc hại trên toàn Việt Nam.
 

2. Trong lúc dư luận còn đang hoang mang về những ngôi nhà được làm bằng chai thuốc trừ sâu ở Sơn La thì tình cờ một lần tôi về Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Nội) được anh Trần Đình Tuyến - Bí thư xã cho hay rằng trong 10 năm nay hầu hết nông dân địa phương mình gần như không phải dùng đến thuốc trừ sâu. Thấy chuyện quá lạ, tôi đã tìm hiểu cặn kẽ sự tình.

Ở đó tôi đã được gặp rất nhiều nông dân biết sám hối vì một thủa đầu độc môi trường bằng các loại thuốc BVTV độc hại. Như anh Nguyễn Đình Thắm ở Động Giã kể về nỗi ám ảnh khi dùng hóa chất diệt ốc bươu vàng: “Thuốc vừa rời khỏi tay người là mặt nước bắt đầu nổi sóng. Các sinh vật bên dưới quằn quại và giãy giụa. Đầu tiên là tôm nổi lên, búng được vài cái rồi chết chìm. Kế đến là cá, chúng như bị thần kinh, lao đầu tứ tung, đâm cả vào bờ rồi chết rục. Lươn, chạch nằm sâu ở dưới bùn cũng phải bơi lên, giật đùng đùng rồi chết lập lờ ngang mặt nước. Cuối cùng là con ốc, gặp thuốc thì chúng chìm sau đó cả buổi mới chết nổi. Dã man quá! Diệt một con ốc bươu vàng thôi mà bao con phải chết theo...”.

17-24-39_dsc_9264
Cánh đồng không thuốc trừ sâu ở Đỗ Động

Trong một buổi rắc thuốc như thế, anh Thắm bị chất độc ngấm vào người say lử lả. Miệng muốn nôn mà không thể nôn được, đầu váng vất như phải cảm còn khớp tay, khớp chân đau nhức như như có giòi bò ở bên trong, mãi chục ngày sau mới lại người. Hãi thuốc sâu từ dạo đấy nên hiện nay gia đình anh dù cấy đến 1,1 mẫu ruộng nhưng không hề dám phun một giọt hóa chất nào mà năng suất lúa vẫn đạt khá cao 1,5 - 1,7 tạ/sào.

Ở đó, tôi chứng kiến cảnh vợ chồng ông bà Nguyễn Viết Đoạt - Vũ Thị Tị tươi cười khoe về những hạt thóc sạch mình vừa gặt. Đã tròm trèm tuổi thất thập nhưng ông bà vẫn còn cấy tới 1,2 mẫu vì làm ruộng bây giờ nhàn quá, áp dụng nhiều loại máy móc và đặc biệt chẳng cần phải dùng đến thuốc trừ sâu nữa. Không chỉ mình ông bà mà cả làng hầu như không nhà nào còn giữ bình phun trong nhà.

Tôi ra đồng, mắt đắm chìm trong màu vàng ươm của lúa chín, mũi hít hà vị thơm tho của gió nội. Đồng sạch, dưới nước tôm, cá, cua, chạch đua nhau sinh sôi, nảy nở trên bờ là vô số những lùm hoa dại nở tưng bừng. Anh Nguyễn Đăng Miền - cán bộ HTX Nông nghiệp Đỗ Động bảo ở đâu phun thuốc thì vụ nào, năm nào cũng phải dùng vì cánh đồng đã mất đi thiên địch, mất đi sự cân bằng sinh thái. Thuốc độc diệt sinh vật có hại đồng thời diệt luôn cả sinh vật có lợi. Trước đây, thời người dân còn dùng thuốc BVTV cũng thế. Gieo mạ xong thì phun phòng sâu đục thân, cấy bén rễ xong thì phun phòng sâu cuốn lá, bọ xít, lúa đứng cái thì phun phòng khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, rầy, lúa vào hạt thì phun kích thích cho mã hạt đẹp, màu không bị rám. Tính ra mỗi vụ trung bình 4 - 5 lần đầu độc đất đai, đầu độc nước, đầu độc không khí mà thảm khốc nhất phải kể đến những buổi thuốc ốc, thuốc cỏ.

Sau khi NNVN đăng tải bài “Nơi nông dân nói không với thuốc trừ sâu” ngày 12/9/2017 một cuộc chia sẻ nhanh chóng và rộng khắp trên khắp các trang mạng, diễn đàn bắt đầu. Báo ra hôm trước thì hôm sau Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã gọi ngay cho tôi để bố trí một cuộc trở lại xã Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Nội) cùng với Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung. Được sự khuyến khích của Bộ, của dư luận, NNVN đã đăng tải thêm một loạt bài về cách làm của người dân Đỗ Động cũng như cơ sở khoa học của nó. Bộ NN-PTNT sau đó còn mở các cuộc họp thảo luận về mô hình xã 10 năm không sử dụng thuốc trừ sâu, mời các cơ quan truyền thông cùng nhập cuộc tuyên truyền, dấy lên một phong trào học tập.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.