| Hotline: 0983.970.780

Hai chữ 'tổn thương' rất lạ tai

Thứ Sáu 17/05/2019 , 09:02 (GMT+7)

Đó là ý kiến chia sẻ của nhà thơ Vương Trọng (Hà Nội) trước việc một giáo viên bị kỷ luật vì bắt học sinh quỳ là làm tổn thương học sinh.

Nhà thơ Vương Trọng (Hà Nội): Bị tước hết quyền, giáo viên không thể dạy tốt

Học trò thì thời nào cũng hiếu động và nghịch ngợm, nhưng hỗn láo thì chưa bao giờ có như bây giờ. Chuyện một số em phá đám trong lớp, nói át lời cô giáo không còn cá biệt, hơn thế nữa có em cãi lại, mắng chửi, thậm chí đánh lại giáo viên đã xảy ra ở nhiều nơi.

16-54-25_vuong_trong
Nhà thơ Vương Trọng

Trong khi đó, ngành giáo dục không cho giáo viên một quyền gì cụ thể để kỷ luật học sinh ngoài việc phê bình, khiển trách, báo cáo với phụ huynh... là những hình thức kỷ luật mà học sinh hư không coi là gì! Một cô giáo phạt quỳ học sinh rồi bị kiểm điểm, phê bình vì đã "làm tổn thương" học sinh! Thế thì có cách nào để giáo viên duy trì kỷ luật giờ học, trước sự phá phách của những học sinh cá biệt?

Đánh đập thì rõ ràng không nên, khuyên giải thì các em đó không nghe, luôn phá đám, gây cười... mà có khi chủ đề lại là quần áo, thái độ của giáo viên đang dạy trong giờ học đó!

Gần đây ngành giáo dục sử dụng hai chữ "tổn thương" rất lạ tai. Không công bố tên các thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp vì sợ tổn thương các em! Một giáo viên bị kỷ luật vì bắt quỳ học sinh là vì đã làm tổn thương học sinh!

Chính những quan niệm tổn thương lạ lùng này đang phá nát ngành giáo dục! Tôi có người bạn là giáo viên dạy giỏi nổi tiếng, nhưng đã xin nghỉ hưu non, dù kinh tế gia đình rất eo hẹp. Hỏi lý do thì được biết người thầy đó hoàn toàn bất lực vì học sinh hư. Với những quyền được phép hiện nay, tôi tin nhiều giáo viên tự trọng sẽ hành động như thế!

Hãy dành cho giáo viên một số hình thức trừng phạt học sinh hư, trong đó có phạt quỳ và đuổi ra khỏi lớp, nếu không, giáo viên sẽ bất lực trong rất nhiều tình huống khi lên lớp.
 

NGND Trần Văn Chút (TP Hồ Chí Minh): Xin thầy mấy roi để con mãi là người tử tế

Thời tôi còn nhỏ học tiểu học, mỗi lần đi qua, đi lại trước mặt bề trên đều phải khom lưng, cúi đầu thật lễ phép. Thất lễ đều bị nhắc nhở. Phạm lỗi nặng hơn như vô lễ (khác thất lễ) ở nhà hay ở trường đều bị phạt quỳ, đòn roi. Quỳ cũng tùy lỗi nặng nhẹ: nhẹ thì quỳ nhẹ, nặng thì quỳ trên tớt mít đầy gai nhọn và quay mặt vào tường, không được nhìn ai mà gậm nhấm cái lỗi của mình!

16-54-25_trn_vn_chut
NGND Trần Chút

Ở nhà trường, phạm tội nghịch ngợm, quấy phá, lười biếng, vô lễ (lễ thì nhiều mà vô lễ cũng nhiều lắm) tùy lỗi nặng nhẹ mà ăn đòn: roi thì quất vào lưng, vào đít, thước kẻ thì vào tay mà cũng theo quy phạm: ngửa bàn tay mà chịu đòn là tội nhẹ, sấp bàn tay để trên mặt bàn mà rụt tay lại khi chịu phạt thì bị phạt gấp đôi, cứ phép mà hành xử! 

Còn hình phạt phi vật thể nghĩa là không đong đo đếm được về hao tổn vật chất, ấy là nhẹ thì phạt công-xi: ngày nghỉ học phải đến lớp chép bài 10 lần, 20, 30 lần… một bài học thuộc lòng mà anh không nằm lòng hoăc viết mấy trang giấy về lỗi chính tả hoặc ngữ pháp mà anh mắc phải, viết sao cho đúng và đừng bao giờ quên. 

Lỗi nặng thì phải đuổi học 1 tuần, 1 tháng, 1 học kỳ hay 1 năm hoặc xếp hẳn bút nghiên trong trường hợp anh không thể cải tạo thành người tử tế! Nhưng lạ một điều là học ngày ấy hầu hết đều thành Người, chữ Người viết hoa vì họ chịu ơn hình phạt, thâm ân cha mẹ, thầy cô! Chỉ dẫn một tâm nguyện của PGS Văn Như Cương, lúc sinh thời không thể quên được thầy giáo tiểu học mà rằng: “Thưa thầy, thằng Cương đây xin thầy mấy roi để con mãi là người tử tế”.

Thế đấy, vậy mà một cô giáo phạt quỳ một học sinh ngỗ ngược mà bị cha mẹ học sinh kiện lên cấp trên vì cô dám xúc phạm đến con vàng, con ngọc nhà tôi. Rồi cả hệ thống giáo dục từ cấp trên xuống cấp dưới họp bàn và xuống trát đình chỉ việc giảng dạy của cô giáo vì vi phạm đạo đức của nghề cao quý nhất: dùng bạo lực đối với học sinh.

Tôi xin hỏi: việc thi hành kỷ luật của bề trên đối với cô giáo có là hình thức dùng bạo lực mà là bạo lực tinh thần khiến cô giáo từ đây không dám làm người chứ chưa nói làm nghề cao quý nhất! Ngậm ngùi thay.
 

Tiến sĩ Ngô Thanh Hải (Bắc Giang): Giáo dục là nghề nguy hiểm

Giáo dục có nhất thiết phải dùng hình phạt? Tôi luôn ủng hộ tinh thần giáo dục không trừng phạt song thực tế làm nghề 13 năm cho thấy, ở ta vẫn cần có hình thức phạt với một số học sinh nhất định. Nhưng vấn đề hình phạt thế nào mới quan trọng.

16-54-25_ngo_thnh_hi
Tiến sĩ Ngô Thanh Hải

Cô giáo trong trường hợp này, tôi nghĩ có ý tốt, muốn rèn học sinh, thậm chí tâm huyết theo quan niệm xưa về giáo dục kiểu thương cho roi cho vọt. Song điều này nảy sinh một vấn đề cực lớn hiện nay mà ngay ngôi trường tôi dạy cũng thấy rất nhiều: khoảng cách thế hệ cô - trò cùng những quan niệm, cách nhìn, nghĩ khác nhau dẫn đến mâu thuẫn.

Có khi ý cô rất tốt song cách làm, hoặc cái chuẩn tốt của cô là từ thời cô sống, không hợp với trẻ con bây giờ. Ví dụ phạt quỳ cô muốn để thức tỉnh nhưng trẻ con lại cho là xúc phạm. Tôi được chứng kiến các vụ việc kiểu tương tự ngay trường mình dạy: cô tận tâm, ý tốt; trò không phải dạng hư hay láo nhưng xung đột gay gắt. Điều đó cho thấy sự đối thoại dân chủ để hiểu, lắng nghe nhau rất ít được quan tâm, thực hiện trong giáo dục.

Giáo dục giờ là nghề nguy hiểm vì phụ huynh có quyền to quá, khi xảy ra bất cứ vấn đề gì thì mặc nhiên cô sai. Sự đối thoại lắng nghe thầy - trò đã hiếm thì sự đối thoại, lắng nghe giữa thầy - phụ huynh càng khó hơn. Sự can thiệp vô lý của không ít phụ huynh với việc giáo dục của nhà trường khiến mọi thứ tệ hơn. Tôi cũng không phủ nhận rằng có một số giáo viên lạm quyền, bắt học sinh phải thế này thế nọ, đôi khi rất khủng khiếp.

Những tiền lệ xấu của những vụ việc thế này không được giải quyết dứt điểm sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài: Giáo viên vô cảm, bạc nhược; một số học sinh phá phách, hư hỏng sẽ được thế tung hoành ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh khác và môi trường giáo dục.

Thực tế giáo viên có đầy đủ công cụ để xử lý học sinh vi phạm: từ nội quy nhà trường đến luật pháp. Song vấn đề là xưa nay giáo dục cứ phải tự cho mình cao quý, tình thương này nọ nên ứng xử cảm tính, hoặc do bệnh thành tích mà không dám xử theo đúng các quy định. Hơn bao giờ hết giáo viên không tự quỳ trước các tiêu cực và cũng cần thay đổi suy nghĩ là tình thương bao la, vô bờ.

Dĩ nhiên đi dạy trẻ con rất cần bao dung nhưng không phải với tất cả. Có những học sinh hỏng từ trứng nước gia đình thì cứ đúng các quy định mà xử. Điều quan trọng là xử phạt công tâm, đúng hình thức với chứng cứ cụ thể, biên bản đầy đủ. Đó cũng là cách tự bảo vệ mình trước học sinh hay phụ huynh kiểu “quỷ quái yêu ma”.

Giáo dục một con người không chỉ ở nhà trường và không chỉ do trường học. Nền tảng giáo dục gia đình là điều rất quan trọng, nhất là giáo dục ý thức cá nhân, biết tôn trọng bản thân, người khác và thiên nhiên. Đã đến lúc cần thay đổi cách nhìn về giáo dục để các bên liên quan tìm ra mục đích, tiếng nói chung, hướng tới giáo dục tích cực.

Nếu không mọi sự việc kiểu thế này sẽ tiếp diễn và trầm trọng hơn. Và nền giáo dục chạy theo điểm số giả mà tri thức, đạo đức, khả năng tư duy nền tảng văn hoá, năng lực làm việc lại thấp kém, rỗng tuếch.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm