| Hotline: 0983.970.780

Hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận tội danh, Vũ “nhôm” bẻ cung

Thứ Hai 28/01/2019 , 17:43 (GMT+7)

Ngày thứ nhất xét xử vụ án 4 cựu lãnh đạo Bộ Công an tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ, tức "Vũ nhôm", lợi dụng danh nghĩa Bộ Công an để thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng và TP HCM, đã có nhiều tình tiết bất ngờ được tiết lộ.

 Bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Vũ “nhôm”: Xin nhiều dự án khác nhưng không thấy trong cáo trạng

Trả lời HĐXX tại phiên tòa, Phan Văn Anh Vũ khai hành trình từ lúc thành lập công ty, được Tổng cục V (Bộ Công an) tuyển làm tình báo viên. Theo Vũ “nhôm”, những công ty này có nhiệm vụ duy nhất là phát triển tiềm lực kinh tế, chính vì vậy, ngoài 7 dự án trong vụ án này, Vũ và những công ty bình phong đã xin rất nhiều dự án khác, nhưng chưa thấy đề cập trong cáo trạng.

Từng dự án một tại vụ án này cũng được cựu đại gia Đà Nẵng trình bày tại tòa. Theo Vũ, dự án 15 Thi Sách (TP.HCM), Vũ lý giải Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 kết hợp tập đoàn Novaland xây dựng cao ốc phức hợp vì đối tác này là doanh nghiệp có tiềm lực. Còn nhà đất công sản 129 Pasteur, Tổng cục Hậu cần - Kĩ thuật (Bộ Công an) có chủ trương bán nhưng không ai mua. Khi Chính phủ chấp thuận cho bán với giá thị trường, Vũ định xây căn hộ để phát triển kinh tế nhưng TP HCM không cho phép vì lý do quy hoạch.

Còn việc cho thuê dự án 319 Lê Duẩn (Đà Nẵng), Vũ "nhôm" khẳng định công ty bình phong đã giúp thành phố chỉnh trang đô thị. Ban đầu, lô đất này được một đơn vị khác thuê nhưng bỏ không. Thấy vị trí có thể sinh lời, Phan Văn Anh Vũ đã đàm phán với bên thuê công sản, sau đó có đơn gửi UBND TP Đà Nẵng và báo cáo Tổng cục Tình báo xin mua lô đất này.

Về việc công ty bình phong xin mua đất để phục vụ hoạt động nghiệp vụ nhưng sau đó được chuyển nhượng sang tên Phan Văn Anh Vũ, cựu thượng tá tình báo lý giải Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 chỉ có chức năng phát triển tiềm lực kinh tế. Vì thế không thể ghi là phát triển kinh tế trong công văn gửi chính quyền địa phương. Khu đất trống này rộng hơn 100 m2, chỉ có thể mở nhà hàng nên Vũ xin mua để giúp TP chỉnh trang đô thị.

Còn việc chuyển nhượng tên trên giấy đăng ký sử dụng đất, Vũ khẳng định việc này hoàn toàn đúng. Do thời điểm xin mua, công ty bình phong gặp khó khăn về tài chính. Thấy UBND TP Đà Năng có yêu cầu nộp tiền trong 60 ngày, Vũ đã cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 vay tiền để không mất quyền mua lô đất. Đó lý do Phan Văn Anh Vũ được đứng tên trên "sổ đỏ".

Suốt ngày đầu phiên xét xử, bị cáo Phan Văn Anh Vũ, dù không kêu oan nhưng mong muốn HĐXX nhìn nhận công tâm đối với bị cáo: “Bị cáo có 8 phần làm đúng,  2 phần làm sai thôi nhưng không ai ghi nhận cái đúng của bị cáo. Bị cáo đã làm được nhiều điều tốt cho ngành, cho bộ Công an cho xã hội nhưng không ai công nhận cho bị cáo”.

Vũ “nhôm” cũng nhắc đến ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhưng để chứng minh “làm việc tốt nhưng không ai ghi nhận”. “Anh Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng biết rõ bị cáo là doanh nghiệp bình phong của Bộ Công an nhưng vẫn  xin hỗ trợ 100 tỉ hỗ trợ lắp camera giám sát, bị cáo đồng ý mà không hề đặt vấn đề lại xin dự án này khác”.

Mặc dù thừa nhận tội danh, Phan Văn Anh Vũ lại xác nhận có đơn xin không giao nộp tài sản đối với các bất động sản mà bị cáo này xin giao nộp khắc phục hậu quả trước đó. Trong 7 bất động sản tại Đà Nẵng, TP.HCM mà các doanh nghiệp Vũ “nhôm” được thuê mua, bị cáo xin chỉ giao nộp 2 tài sản là khu đất dự án Vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến khu du lịch Bến Thành Non Nước, đường Trường Sa, phường Hòa Hải,  quận Ngũ Hành Sơn và nhà 319 quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Các dự án khác, Vũ nói,  “đều đã triển khai nếu thu hồi sẽ liên lụy nhiều người khác, gây tình hình phức tạp”. 

Khai nhận trước tòa, ban đầu Vũ “nhôm” nói việc có đơn xin giao nộp tài sản là do Cơ quan cảnh sát điều tra dụ dỗ nói bị cáo nộp thì không bị khởi tố. Tuy nhiên nhiên sau đó, bị cáo thấy bản thân không làm sai nên có đơn xin nhận lại.  Tuy nhiên, khi thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa hỏi lại chi tiết này thì Vũ “nhôm” cho rằng lời khai trên là không chính xác bởi thời điểm bị bắt tinh thần không ổn định nên mới làm đơn xin giao nộp tài sản.

Bị cáo Bùi Văn Thành
Bị cáo Trần Việt Tân

 Hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an nhận tội

Trả lời HĐXX tại phiên tòa, Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành thừa nhận ký 2 văn bản liên quan đến dự án 129 Pasteur (TP HCM). Trong đó, văn bản đầu tiên là thay mặt lãnh đạo Bộ Công an trình Thủ tướng chấp thuận bán chỉ định lô đất công sản  cho công ty bình phong do Vũ điều hành. Văn bản thứ hai gửi các đơn vị của TP HCM thẩm định giá bán. Thời điểm đó, ông Thành được giao nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Hậu cần (Tổng cục IV), đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý các nhà đất công sản Bộ Công an, tuy không phụ trách Tổng cục V, tức Tổng cục tình báo Bộ Công an nhưng ông Thành vẫn ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán chỉ định cơ sở nhà đất tại số 129 Pasteur, quận 1, TP HCM cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an. Khi Vũ “nhôm” chuyển nhượng nhà, đất này cho tư nhân bên ngoài nhưng Bùi Văn Thành đã không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước số tiền  222 tỉ đồng. 

Về việc này, cựu Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng “ở cương vị Thứ trưởng, bị cáo chỉ đạo cả bộ máy, bị cáo không biết, không có thông tin. Khi vụ án được khởi tố, bị cáo mới biết cầu phát triển nghiệp vụ tại 129 Pasteur không được công ty của Vũ thực hiện”.

Dù đã thừa nhận tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng Viện KSND truy tố nhưng bị cáo Bùi Văn Thành bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét một số yếu tố.

 “Tôi thừa nhận tội danh theo cáo trạng đã tuy tố với tôi. Tôi cũng đề nghị HĐXX xem xét thêm nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, một số chi tiết nêu trong cáo trạng để có đường lối xử lý phù hợp với chính sách nhân đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Trong khi đó, một cựu Thứ trưởng Bộ Công an khác, bị cáo Trần Việt Tân khẳng định tại phiên tòa, cáo trạng cáo buộc chưa chuẩn xác về chức năng nhiệm vụ của ông ta.

Về 6 văn bản đã ký, ông Tân nói nội dung chỉ có mục đích thúc đẩy thủ tục hành chính tại dự án 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng), số 8 Nguyễn Trung Trực và 15 Thi Sách (TP HCM). Số công văn này không nhằm đề nghị chính quyền chuyển nhượng hoặc cho công ty bình phong thuê đất.

Ông Tân khẳng định không biết Vũ “nhôm” chuyển nhượng đất công sản vì đến nay lô đất số 8 vẫn là trụ sở công ty bình phong. Còn số 16 Bạch Đằng được sử dụng để phát triển tiềm lực kinh tế...

Trước sự truy vấn của HĐXX về trách nhiệm cá nhân, ông Trần Việt Tân thừa nhận: "Tôi có trách nhiệm là người đứng đầu phụ trách lĩnh vực này".

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm