| Hotline: 0983.970.780

Hai điểm nhấn của Vĩnh Sơn

Thứ Bảy 23/06/2018 , 08:30 (GMT+7)

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững và xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã đi đầu chuyển đổi đất lúa nhiễm mặn, kém hiệu quả sang nuôi tôm cho thu nhập lớn và trồng lúa chất lượng cao.

Người nông dân Vĩnh Sơn nhờ thế mà ngày càng giàu có.

11-05-40_vinh_son_1
Nông dân Vĩnh Sơn thu hoạch tôm

Vĩnh Sơn là xã đi đầu của tỉnh Quảng Trị về sự sáng tạo trong phát triển nông nghiệp. Xã có 8 thôn, gần 1.900 hộ với hơn 6.900 nhân khẩu. Câu chuyện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, bị nhiễm mặn sang nuôi tôm ở xã này bắt đầu cách đây gần 20 năm. Khi ấy các thôn Phan Hiền, Huỳnh Hạ, Huỳnh Xá nằm ngay cửa sông Bến Hải nên ruộng lúa luôn bị chua phèn, nhiễm mặn, năng suất chỉ đạt 2 tấn/ha. Trong lúc đó các thôn có chân ruộng cao hơn thì có năng suất lúa đến 5 đến 6 tấn/ha.

Không chịu để bà con mãi chịu cảnh nghèo khó, lãnh đạo xã Vĩnh Sơn học hỏi cách làm ăn khắp nơi, họ phát hiện ra điều kiện 3 thôn phía Đông rất phù hợp để nuôi tôm. Thế là xã Vĩnh Sơn làm thí điểm lấy 3 ha ruộng lúa ở thôn Huỳnh Xá bị nhiễm mặn đào hồ để nuôi tôm sú. Gần 4 tháng sau vụ tôm đầu tiên cho thu hoạch kết quả đến bất ngờ, tổng sản lượng khai thác tôm thu về được 800 kg. Qua vụ thứ hai xã thí điểm làm thêm 5 ha nữa và thắng lợi ngoài mong đợi của bà con nông dân.

Thấy hiệu quả quá lớn từ việc chuyển đất trồng lúa nhiễm mặn sang nuôi tôm nên bà con xã Vĩnh Sơn ào ạt cải tạo ruộng lúa thành ao tôm. Người dân đua nhau chuyển đổi đất đào ao, làm kênh dẫn nước nuôi tôm.

Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết, trước thực tiễn cuộc sống đặt ra, mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế để làm giàu hay chấp nhận suốt cuộc đời nghèo khổ, xã Vĩnh Sơn quyết định triệu tập phiên họp bàn về vấn đề giảm đất lúa để nuôi tôm rồi thống nhất đưa vào Nghị quyết của HĐND xã. Cụ thể điều chỉnh lại quy hoạch vùng phát triển thủy sản, thống nhất chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả vì bị nhiễm mặn, phèn vùng sát cửa sông Bến Hải sang nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng với diện tích 100 ha. Thế nhưng vì sức hút của việc nuôi tôm mau giàu hơn làm lúa nên bà con chuyển đổi vượt diện tích cho phép, đưa diện tích nuôi tôm lên 160 ha. Nhờ táo bạo làm kinh tế nên hôm nay Vĩnh Sơn trở thành xã vùng cửa sông có phong trào nuôi tôm tốt nhất tỉnh Quảng Trị.

Dốc sức với người dân nuôi tôm, UBND xã Vĩnh Sơn đã chỉ đạo các HTX kiện toàn các ban điều hành cộng đồng nuôi tôm và ban hành các quy chế cộng đồng về nuôi tôm một cách cụ thể. Có 15 tổ nuôi tôm cộng đồng được hình thành. Mỗi tổ chịu trách nhiệm quản lý từng khu vực nhỏ, đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về cải tạo ao hồ, chọn giống, khung lịch thời vụ, mật độ thả tôm giống, sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước…

11-05-40_vinh_son_2
Ruộng lúa chất lượng cao xã Vĩnh Sơn hàng năm cho năng suất vượt trội

Ông Trần Đức Hữu ở HTX Huỳnh Thượng cho biết, HTX này có 45 ha nuôi tôm với gần 160 hộ dân tham gia. Toàn bộ diện tích nuôi tôm của HTX đều khép kín, rào lưới B40. Tất cả các xã viên đều tuân thủ quy ước nuôi tôm cộng đồng của HTX là chỉ bơm nước một lần ở sông Bến Hải vào cải tạo ao hồ đầu vụ nuôi nên nhiều vụ nuôi tôm thắng lợi.

Ông Thân Trọng Dũng thống kê cho thấy trước đây Vĩnh Sơn có 745 ha ruộng lúa, trong đó có 160 ha là đất lúa kém hiệu quả đã chuyển sang nuôi tôm. Bây giờ Vĩnh Sơn chỉ giữ lại 585 ha ruộng tốt. Ngần ấy diện tích trồng lúa hàng năm sản xuất ra lương thực dư thừa phục vụ cuộc sống nên xã phải chuyển sang sản xuất lúa sang hàng hóa với các giống chất lượng cao được thị trường ưa chuộng. Từ trồng lúa mỗi năm Vĩnh Sơn thu về được 3.000 tấn lúa cho doanh thu gần 20 tỷ đồng.

Cùng với đó mỗi ha nuôi tôm cho năng suất trung bình 4 tấn/vụ, nhân với giá trung bình 150 ngàn đồng/kg sẽ bằng 600 triệu đồng. Với 160 ha nuôi tôm Vĩnh Sơn thu về 100 tỷ đồng/vụ. Mỗi năm nông dân ở Vĩnh Sơn nuôi tôm đến 3 vụ sẽ cho doanh thu trên 160 ha tôm gần 290 tỷ đồng. Nuôi tôm trên ruộng lúa nhiễm mặn cho thu nhập gấp mấy chục lần làm lúa.

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh nhận xét con tôm và cây lúa đã tạo nên thương hiệu bền vững cho xã Vĩnh Sơn được như hôm nay. Thu nhập bình quân trên đầu người dân của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm. Hiện Vĩnh Sơn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Dự kiến dịp Quốc khánh 2/9/2018, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện sẽ trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Sơn.

 

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.