| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương: Loay hoay sắp xếp cán bộ cơ sở

Thứ Tư 01/04/2020 , 10:52 (GMT+7)

Sau khi sáp nhập ba xã làm một, xã Chí Minh có tới 6 Phó Bí thư Đảng ủy, thừa 20 cán bộ công chức.

Trụ sở UBND xã Chí Minh sau khi sáp nhập. Ảnh: Kế Toại. 

Trụ sở UBND xã Chí Minh sau khi sáp nhập. Ảnh: Kế Toại. 

Lãnh đạo xã thừa nhận, việc này đang gây ra sự chồng chéo, phân công công việc suốt mấy tháng qua.

Dư thừa cán bộ

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Phòng Nội vụ huyện Tứ Kỳ cho biết, theo đề án sáp nhập của tỉnh Hải Dương, trên địa bàn có 5 xã đã tiến hành. Trong đó, từ 1/12/2019, sẽ gộp ba xã là Đông Kỳ, Tây Kỳ và Tứ Xuyên, đặt tên là Chí Minh.

Sau khi sáp nhập, Chí Minh có tổng diện tích là 14,64 km2, tổng dân số 10.698 người. Đối chiếu theo quy định, Chí Minh là xã loại 2 – nông thôn.

Về câu chuyện dư thừa cán bộ, bà Yến cho biết, thực tế trước khi sáp nhập, có xã còn thiếu cán bộ, nên việc dư thừa sau khi gộp cũng là khách quan.

Theo bà Yến, từ thời điểm này, tổng số cán bộ 3 xã gộp lại đã giảm 7 nhân sự, từ 50 xuống 43 người. Tuy nhiên, theo quy định, đối với xã loại 2, số lượng cán bộ công chức tối đa là 23 người. Như vậy, xã Chí Minh sẽ phải cắt giảm biên chế 20 người.

Bà Yến cho biết, theo hướng dẫn của tỉnh Hải Dương, sau khi sáp nhập, số cán bộ dư thừa này sẽ vẫn thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn của mình. Việc phân công công việc là quyền của lãnh đạo xã.

Việc hoàn thiện bộ máy, bố trí cán bộ đúng theo quy định, bà Yến cho rằng, không phải một sớm, một chiều. Hướng dẫn của UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ rõ, các địa phương có lộ trình 5 năm để thực hiện việc này.

Đại diện Phòng Nội vụ huyện Tứ Kỳ cũng cho biết, đơn vị đã chủ động nắm bắt, rà soát thực trạng này để lên phương án luân chuyển cán bộ. Hiện nay, theo rà soát, 10/12 xã của huyện Tứ Kỳ vẫn đang thiếu cán bộ. Bà Yến khẳng định, vì vậy, 20 cán bộ dư thừa tại Chí Minh rất có thể sẽ được luân chuyển về 10 xã này.

“Nói là luân chuyển nhưng chúng tôi sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Luân chuyển là một chuyện, nhưng còn năng lực, bằng cấp chuyên môn, họ có phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của các xã đang thiếu hay không. Việc luân chuyển này là tất yếu, người dân sẽ không ảnh hưởng nhiều, nhưng các cán bộ sẽ phải vất vả vì đi làm, đi cơ sở xa hơn”, bà Yến chia sẻ.

Đông nhưng kém hiệu quả

Theo kế hoạch, tháng 6 tới đây, xã Chí Minh sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ. Tuy nhiên, do vướng việc dư thừa cán bộ, đặc biệt lãnh đạo chủ chốt, nên mọi thứ vẫn còn loay hoay.

Bà Nguyễn Thị Xiêm cho biết, địa phương đang rất bối rối trong việc tổ chức nhân sự. Ảnh: Kế Toại. 

Bà Nguyễn Thị Xiêm cho biết, địa phương đang rất bối rối trong việc tổ chức nhân sự. Ảnh: Kế Toại. 

Bà Nguyễn Thị Xiêm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Chí Minh cho biết, hiện xã có 7 ủy viên thường vụ và 25 Đảng ủy viên, trong khi theo quy định chỉ là 5. Đây đều là những cán bộ chủ chốt, do huyện quản lý về mặt Đảng nên điều chuyển đi đâu cấp xã không thể quyết định được.

Hiện tại, cũng hiếm có xã nào như Chí Minh, cùng lúc có tới 6 Phó Bí thư Đảng ủy xã cùng đương chức. Trong đó, có 2 người là Chủ tịch UBND và HĐND xã.

Bà Xiêm chia sẻ, nếu như giữ nguyên bộ máy là trong khoảng 5 năm nữa thì cũng ổn, vì sẽ có người nghỉ hưu. Tuy nhiên, đây là thời điểm chuẩn bị tổ chức đại hội nên bắt buộc phải thực hiện việc bố trí, sắp xếp cán bộ. Vì theo quy định, cấp xã chỉ tối đa có 1 Bí thư và 3 Phó Bí thư. Chiếu theo quy định, xã Chí Minh vẫn thừa ra 3 chức danh Phó Bí thư. Vì vậy, luân chuyển cán bộ là việc sớm muộn cũng phải làm.

Cũng theo bà Xiêm, vừa qua đã có 1 người tự nguyện viết đơn xin luân chuyển sang xã khác. Tới đây, cấp huyện sẽ xem xét việc này.

“Trong số 6 người, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1964, còn lại đa phần là cán bộ trẻ. Về năng lực, bằng cấp cũng như kinh nghiệm làm việc, họ hoàn toàn đáp ứng được công việc. Nhưng cũng chính vì vậy, việc bố trí, sắp xếp càng khó. Kế hoạch chuẩn bị đại hội làm từ rất lâu rồi, soạn thảo xong nhưng không dám ban hành vì chưa ổn định nhân sự…”, bà Xiêm bộc bạch.

Trở lại câu chuyện dư thừa 20 cán bộ, đồng quan điểm với Phòng Nội vụ Tứ Kỳ, bà Xiêm khẳng định, tới đây sẽ thực hiện luân chuyển. Thẳng thắn chia sẻ, bà Xiêm thừa nhận, từ khi sáp nhập tới nay, các cán bộ vẫn được phân công công việc, không có chuyện người không hết việc, người chơi dài.

Tuy nhiên, thực tế là, người có đông nhưng hiệu quả công việc không cao. Bởi lẽ, dù phân công nhưng không tránh khỏi sự chồng chéo, người nọ tưởng người kia làm rồi, đôi khi không ai làm.

Cũng theo bà Xiêm, do mới sáp nhập, đi vào hoạt động nên cũng phát sinh nhiều việc và chi phí không tên. Điển hình như nhiều chi bộ đã tiến hành đại hội, nay sáp nhập, bắt buộc phải tiến hành lại.

Việc đạt chuẩn NTM không đồng đều giữa các xã trước khi sáp nhập tạo ra nhiều khó khăn. Ảnh: Kế Toại. 

Việc đạt chuẩn NTM không đồng đều giữa các xã trước khi sáp nhập tạo ra nhiều khó khăn. Ảnh: Kế Toại. 

Thêm một vướng mắc, đó là trước khi sáp nhập, 2 xã Tây Kỳ và Tứ Xuyên đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong khi xã Đông Kỳ, vì tiêu chí an ninh trật tự không đạt nên chưa thể công nhận.

Sau khi sáp nhập, xã Chí Minh phát sinh thêm nhiều tuyến đường giao thông chưa đạt chuẩn, cần giải phóng mặt bằng, tiến hành mở rộng. Xã đã lên phương án xây dựng, sắp tới sẽ triển khai.

Ngoài ra, hiện trạng trường THCS xã Đông Kỳ (cũ) đã xuống cấp, lại có một phần đất thuộc thị trấn Tứ Kỳ nên đang gặp nhiều vướng mắc. “Tại xã Tây Kỳ cũ đã xây dựng được hệ thống trường học liên cấp tiểu học và THCS khang trang, tiện nghi. Nếu như xây dựng lại trường ở Đồng Kỳ thì tốn kém, lại dư thừa. Nhưng nếu gom hết các cháu về học tại Tây Kỳ thì cũng khó vì địa bàn rộng, nhiều cháu nhỏ sẽ phải đi 6 km để đi học”, bà Xiêm chia sẻ.

Trước những thực trạng khó khăn, vướng mắc kể trên, chính quyền xã Chí Minh cho biết, rất mong huyện Tứ Kỳ cũng như tỉnh Hải Dương sớm vào cuộc, giúp địa phương “gỡ rối”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất