| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương sản xuất rau VietGAP

Thứ Hai 22/04/2013 , 10:10 (GMT+7)

Hiện mối quan tâm và lo lắng nhất của nông dân Hải Dương khi bắt tay vào SX rau quả VietGAP là đầu ra cho sản phẩm.

Sau 2 năm triển khai thành công dự án QSEAP về SX rau quả tươi an toàn (VietGAP) tại tỉnh Hải Dương, năm 2013 dự án tiếp tục thực hiện tại 5 vùng rau chủ đạo của tỉnh gồm các xã: Hiến Thành (huyện Kinh Môn), Tam Kỳ (Kim Thành), Phạm Kha (Thanh Miện), Phạm Trấn (Gia Lộc) và Thanh Xá (Thanh Hà).

Từ việc mở các lớp tập huấn SX rau an toàn (RAT) tại các vùng chuyên canh rau màu của cả tỉnh (141 lớp trong 2 năm 2011, 2012), năm 2013 dự án tập huấn cho đông đảo nông dân ở các vùng SX điểm, trung bình 10 lớp/năm/vùng rau/xã, tương ứng với 400 lượt người tham gia/vùng.

Qua thời gian tập huấn ngắn hạn cho mỗi lớp (5 ngày/lớp), các học viên nông dân đã cơ bản hiểu rõ về thế nào là RAT cũng như quy trình SX VietGAP. Họ hồ hởi đón nhận những thông tin từ các giảng viên, biết được việc mất an toàn của SX rau. Cụ thể, việc lạm dụng đạm urê trong chăm bón dẫn tới hàm lượng nitơrat vượt quá ngưỡng cho phép, là nguy cơ gây bệnh ung thư cho con người.


SX củ đậu VietGAP tại huyện Kim Thành

Sử dụng thuốc BVTV tràn lan và không có thời gian cách ly gây ngộ độc cấp tính cho người ăn. Sử dụng phân bón hữu cơ không an toàn, sử dụng nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý... làm cho rau bị ô nhiễm sinh học (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng) khiến người ăn bị bệnh cấp và mãn tính...

Quan trọng hơn là khi được học, được cán bộ tập huấn, học viên mới biết bản thân họ ăn rau của mình SX từ trước đến nay cũng chưa được an toàn. Rõ ràng, bước đầu, những ích lợi của VietGAP mang lại là đã thay đổi được nhận thức của người nông dân về SX RAT. Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ kinh phí cho địa phương để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng (15 - 17 tỷ đồng/vùng) giúp nông dân có điều kiện để bắt tay vào SX theo quy trình mới.

Khi được hỏi, làm quen với quy trình SX rau VietGAP, anh (chị) thấy thế nào, nhiều học viên cho rằng: SX hoàn toàn không khó, chỉ cần quan tâm và chú trọng đến tính an toàn cho rau trong các khâu chăm bón, tưới nước, phun thuốc BVTV, thu hoạch cũng như sơ chế là có thể hoàn thành và đem lại sản phẩm RAT cho người sử dụng.

Hầu hết các học viên đều mong muốn dự án cũng như chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi bằng cách tổ chức cho họ đi tham quan mô hình trồng rau VietGAP ở các tỉnh bạn để họ học hỏi và làm theo trước khi bước vào SX. Đồng thời cho xây dựng các gian hàng bán rau quả an toàn để họ tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Hiện mối quan tâm và lo lắng nhất của nông dân Hải Dương khi bắt tay vào SX rau quả VietGAP là đầu ra cho sản phẩm, một mối quan tâm mà nhà SX nào cũng phải tính đến. Khi mà hiện tại, hầu hết rau quả SX ra từ các vùng chuyên canh đều do thương lái thu mua và bán cho các chợ thành phố, thị xã và người mua phần lớn là người tiêu dùng.

Lượng rau bán theo hợp đồng với các nhà hàng, khách sạn, siêu thị thì không đáng là bao. Họ lo lắng hơn khi mà đài, báo, thông tin đang có đến 90% người tiêu dùng mù mờ thế nào là RAT...

Một minh chứng cụ thể là tại vùng chuyên canh rau màu của xã Tam Kỳ (Kim Thành) chuyên xuất hàng cho thương lái đi bán tại Hải Phòng. Ông Phạm Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Kỳ cho biết: “Xin đừng đổ lỗi rau không an toàn là chỉ do nông dân chúng tôi SX. Vì khi chúng tôi mang rau cải ra bán tại Hải Phòng thì rau phải xanh mướt và không bị lỗ chỗ (vết thủng của bọ nhảy hại cải) thì người tiêu dùng mới mua. 

Các cơ quan, đoàn thể, công ty, DN cũng cần tham gia, vào cuộc bằng cách xúc tiến thương mại  thông qua hội chợ, kí kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm... cho nông dân.

Vì để có được sản phẩm theo ý muốn của người tiêu dùng thì nông dân phải tiến hành phun định kì thuốc trừ sâu không biết bao nhiêu lần để trừ bọ nhảy trong mỗi lứa rau (vì bọ nhảy rất khó trị bằng thuốc), nhất là khi thời tiết có bọ nhảy phát sinh gây hại... Đúng là rau hình thức đẹp, bắt mắt người tiêu dùng nhưng chưa thực sự an toàn”.

Để sản phẩm RAT đến đông đảo người tiêu dùng, cũng như nông dân thiết tha, mặn mà SX rau VietGAP, các cấp ngành từ trung ương đến địa phương cần chung tay xây dựng, nhất là tổ chức các buổi truyền thông, tập huấn cho người tiêu dùng về cách nhận biết RAT cũng như quy trình SX để có sản phẩm rau quả an toàn.

Có như vậy, mới kích cầu cho người SX và người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm theo đúng nghĩa “an toàn”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.