| Hotline: 0983.970.780

Hai nhà cổ hơn trăm tuổi “thấp thỏm” lo sập

Thứ Tư 07/11/2012 , 08:55 (GMT+7)

Hai ngôi nhà cả trăm năm tuổi thuộc diện bảo tồn bỗng dưng rơi vào cảnh thấp thỏm lo sập vì công trình xây dựng gần đó.

Công trình xây dựng đang ảnh hưởng đến sự an toàn của 2 ngôi nhà trăm tuổi liền kề

Hai ngôi nhà cả trăm năm tuổi thuộc diện bảo tồn bỗng dưng rơi vào cảnh thấp thỏm lo sập vì công trình xây dựng gần đó. Trong khi nguy cơ ngày một hiện hữu, cuộc họp thống nhất giữa các bên liên quan và Ủy ban nhân dân phường Hàng Bạc vẫn chưa cho thấy hướng giải quyết.

Sự việc trên xảy ra nhiều tuần nay tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngồi trong ngôi nhà hơn trăm năm tuổi tại số 119 Hàng Bạc, “khổ chủ” - bà Đỗ Thị Hiền chỉ tay lên hệ thống mái đang có dấu hiệu nứt võng nghiêm trọng, thở dài: “Nhà chúng tôi, tính đến nay đã có đến 5 thế hệ cùng sinh sống. Ngôi nhà cũng được xếp vào diện bảo tồn cấp quốc gia, được Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch theo dõi.”

Do được xây dựng cách đây quá lâu, cộng với việc nằm trong diện bảo tồn nên mọi việc sửa sang tại căn nhà của bà Hiền đều phải… đợi các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bởi vậy, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được dáng vẻ và những nét kiến trúc độc đáo từ hơn một thế kỷ trước. Trên diện tích chừng 200 m2, chiều sâu khoảng 50m, ngôi nhà hình ống được dựng lên còn nguyên vẹn kèo ngang và các trụ hình rồng. Hệ thống mái cổ cũng được bảo quản tương đối tốt.

Mặc dù vậy, ngôi nhà của bà Hiền cũng đã có những biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Lớp tường lâu ngày không được tu sửa bong tróc hết lớp vữa. Gia chủ cũng phải ốp nhựa trần để chống ẩm.

Cũng nằm trong điều kiện tương tự, đại gia đình ông Lê Ngọc Tuấn trú tại số nhà 125 cũng nhiều năm nay "ngay ngáy" lo vì nhà cổ đang xuống cấp.

Không dám tự ý xây sửa, không can thiệp vào kết cấu nhà, vậy mà, từ gần 1 tháng nay, cả hai di sản được xếp vào diện bảo tồn ấy lại thấp thỏm đối mặt với nguy cơ đổ sập.


Trần nhà 119 đã có dấu hiệu bị võng khá rõ

Nhìn sang công trình xây dựng xen ngay cạnh hai khối nhà, bà Hiền ngao ngán: “Khoảng giữa tháng 10, chủ nhà số 121-123 tiến hành tháo dỡ nhà cũ để xây dựng lại. Từ lúc ấy, cả hai căn hộ của chúng tôi đã bắt đầu có những dấu hiệu bị nứt khá nghiêm trọng.”

Do xây dựng cách nay đã quá lâu, nên mỗi khi công nhân khu liền kề làm việc, 2 căn nhà “rung bần bật.” Từng mảng vữa lở ra, để lộ những vết nứt ngày một sâu hơn.

Nhãn tiền nhất, ông Tuấn chỉ vào một vết gãy nham nhở trên trần nhà mình và cho hay, mỗi lần có mưa, nước lại chảy qua khe này khiến cả đại gia đình chịu dột ngay giữa lòng Thủ đô.

Nhà bà Hiền cũng không thoát khỏi cảnh tường nứt, trần võng. Đáng lo nhất là trần nhà đã võng xuống, đẩy bật tung lớp nhựa ốp và khiến cho một trụ đầu rồng hơn 100 tuổi rơi xuống.

Theo đại diện của hai hộ dân chịu ảnh hưởng, nếu “vị hàng xóm” nọ chỉ có ý định cải tạo lại nhà thì cả hai bên sẽ hoàn toàn đồng ý. Sự lo lắng dâng lên cao hơn khi họ được biết theo giấy phép xây dựng được cấp cho công trình xây dựng nhà ở số 121-123 Hàng Bạc, công trình này được phép xây dựng tầng hầm với chiều sâu 2,2m.

“Tính sơ sơ, người ta sẽ phải đào sâu xuống đất trên 3m, chưa kể ép cọc làm móng. Nhà hai bên lại là nhà cổ, móng rất nông, không được vững chắc như các ngôi nhà được xây dựng gần đây. Giờ người ta mới tháo dỡ nhà cũ mà nhà chúng tôi đã như vậy thì không biết đến lúc họ đào móng, đào tầng hầm, nhà chúng tôi sẽ hư hại như thế nào,” ông Tuấn lo lắng.

“Sống trong 2 ngôi nhà hàng trăm năm tuổi này có tới 5 hộ dân với 18 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, nếu có chuyện gì bất ngờ xảy ra, làm sao chúng tôi trở tay kịp,” ông Tuấn bày tỏ.

Điều đáng nói là các chủ hộ 121 và 123 khi thi công chưa có thỏa thuận với 2 hộ liền kề cũng như chưa thực hiện các biện pháp chống đỡ.

Trước đó, một vụ việc tương tự càng khiến mối lo của các hộ dân tại đây nhân lên gấp bội. Vào ngày 19/10/2010 trên phố Hàng Mã, cả một ngôi nhà 5 tầng đột nhiên “bay” hoàn toàn sang phần móng của công trình xây dựng nhà bên cạnh. Nguyên nhân sau đó được xác định ngôi nhà bên cạnh đào móng sâu (khoảng 2m) nhưng lại không áp dụng các biện pháp chống đỡ an toàn khiến khối liền kề bị nghiêng và trôi nền.

Đại diện các hộ cũng đã làm đơn gửi Ủy ban nhân dân phường Hàng Bạc. Đại diện phường cũng đã có mặt tại công trình xây dựng trên để tiến hành xem xét. Một biên bản cũng đã được lập để ghi nhận hiện trạng hư hỏng của 2 ngôi nhà trăm năm được bảo tồn.

Biên bản lập ngày 21/10 mới đây, thanh tra xây dựng phường Hàng Bạc xác nhận, việc xây dựng công trình bên cạnh đã khiến rơi "phù điêu kiên cố nhà 119" do chấn động mạnh từ việc xây dựng. Thanh tra xây dựng cũng yêu cầu, chủ hộ đang tiến hành xây lại phải "che chắn, tránh chấn động mạnh, đảm bảo tính mạng cho con người và tài sản" của hàng xóm.

Mặc dù vậy, trong lần làm việc mới đây nhất, các bên vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết cho tình trạng trên.

Trong khi chờ đợi một giải pháp hợp lý nhất được đưa ra, ngày ngày gần 20 con người vẫn phải đối mặt với nguy cơ nhà trăm năm thuộc diện bảo tồn nứt, võng, thậm chí nghiêng, sập bất cứ lúc nào.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.