| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng ép doanh nghiệp và ngư dân đến đường cùng

Thứ Tư 19/12/2018 , 09:15 (GMT+7)

Chính quyền TP Hải Phòng nhiều lần có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị đóng cảng cá Cát Bà nhằm đạt mục đích dành đất vàng - nơi mưu sinh của nhiều ngư dân và DN để cho tập đoàn khác nhảy vào đầu tư, bất chấp mọi quy định và oán trách của nhân dân.

Chưa đủ cơ sở để đóng cảng cá Cát Bà

Phúc đáp công văn của UBND TP Hải Phòng, ngày 26/1/2018, Bộ NN-PTNT khẳng định, chưa đủ cơ sở để đóng cảng cá Cát Bà ở thời điểm hiện nay vì liên quan đến thẩm quyền giao quản lý sử dụng cảng, nguồn vốn đầu tư, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan cũng như lợi ích của cộng đồng ngư dân và DN.

Cát Bà là 1 trong 10 cảng cá được xây dựng theo chủ trương đầu tư dự án “khôi phục và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá Việt Nam” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1995 với tổng vốn 71,4 triệu USD. Trong đó vốn vay từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) 57 triệu USD với một cam kết phục vụ cộng đồng ngư dân không vì mục đích lợi nhuận.

Dường như chính quyền Hải Phòng phớt lờ chỉ đạo này. Căn cứ Điều 9, Nghị định 80/2012 của Chính phủ thì thẩm quyền đóng cảng cá Cát Bà do Bộ NN-PTNT thực hiện.

Trong một báo cáo của Sở NN-PTNT Hải Phòng đề ngày 25/10/2017 nhận định, tại cảng cá Cát Bà, lượng tàu thuyền hàng ngày ra vào neo đậu và thực hiện dịch vụ hậu cần thủy sản rất lớn (trên 100 lượt tàu/ngày). Trong khi đó cảng cá Trân Châu đang trong quá trình xây dựng chưa đủ điều kiện tiếp nhận các tàu cá vào neo đậu và hoạt động dịch vụ hậu cần.


Nhiều cơ sở chế biến, sản xuất thủy sản cảng cá Cát Bà phải đóng cửa vì nhà chức trách cắt điện, cắt nước

Sở cũng cho hay, qua khảo sát các cảng cá tại các khu vực lân cận thì nhận thấy cảng cá Ngọc Hải ở quận Đồ Sơn là vị trí phù hợp để di chuyển tàu thuyền đang hoạt động tại Cát Bà. Tuy nhiên, hiện cảng cá Ngọc Hải đang bị sa bồi nghiêm trọng, việc tiếp nhận tàu từ Cát Bà sẽ gây quá tải, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của ngư dân.

Đến thời điểm hiện tại (12/2018), cảng cá Cát Bà chưa có lệnh đóng và cảng cá Trân Châu chưa hoàn thiện việc xây dựng nhưng chính quyền Hải Phòng đã tiến hành nhiều biện pháp rắn để dừng toàn bộ mọi hoạt động của ngư dân và DN trên địa bàn cảng cá.

Chính việc làm vô thường pháp luật này của Hải Phòng đã đẩy các DN và ngư dân vào bước đường cùng. Toàn bộ mọi hoạt động trên cảng cá Cát Bà bị tê liệt suốt 1 năm nay. Cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Nhiều DN, hộ kinh doanh và ngư dân điêu đứng trước những việc làm trái khoáy của Hải Phòng, trong đó có các thủ đoạn như cắt điện, cắt nước khiến cho nhiều dây chuyền nhà máy sản xuất bị hư hỏng, thiệt hại là không hề nhỏ.
 

Làm trái chỉ đạo của Chính phủ?

Mới đây nhất, hôm 10/12, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo gia hạn thời gian thi công các hạng mục nạo vét, đê chắn sóng tạo âu và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án xây dựng cảng cá Trân Châu đến năm 2019.

Không chỉ có loa truyền thanh phát đi các thông báo về việc yêu cầu các hộ dân, DN dừng hoạt động SXKD, chấm dứt hợp đồng, bàn giao mặt bằng mà chính quyền thành phố liên tục phát văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ di chuyển cảng cá Cát Bà để bàn giao mặt bằng cho một Tập đoàn kinh tế khác.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu nhà đầu tư “sau khi TP quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị doanh nghiệp ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện việc chi trả giải phỏng mặt bằng”.

Tàu thuyền không cập cảng nên ngư dân trên bờ không có việc làm
Lý giải việc đóng cảng cá Cát Bà, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng, TP đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 thị trấn Cát Bà phát triển thành đô thị vệ tinh, đầu mối giao thông, du lịch, kết nối các điểm du lịch phụ cận với trung tâm. Thị trấn Cát Bà là một trong những trung tâm du lịch lớn. Việc để hoạt động cảng cá Cát Bà sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan khu du lịch, gây ô nhiễm môi trường biển.
Người dân cho rằng, lý do đó là ngụy biện cho việc lấy đất công để phục vụ các Tập đoàn kinh tế lớn, trong khi đó nước thải từ hàng trăm nhà hàng, nhà nghỉ, hàng ngàn hộ dân của đảo chảy thẳng ra vịnh chỉ có trạm xử lý rộng khoảng 9 m2.

Trong khi quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ban hành hôm 17/6/2017 yêu cầu Hải Phòng phải thực hiện theo nguyên tắc: không gây ách tắc, lãng phí, ổn định công ăn việc làm người lao động và bảo đảm điều kiện SXKD thực hiện theo quy hoạch mới tốt hơn quy hoạch cũ.

Nhưng những gì chúng tôi chứng kiến, ghi lại được cho thấy chính quyền Hải Phòng cùng các sở, ngành liên quan đang làm trái với chỉ đạo trên của Chính phủ. Việc rõ nhất là chưa có quyết định đóng cảng, Hải Phòng đã thực hiện việc không cho tàu cá vào cảng để xếp dỡ hàng hóa, tiếp nhận dịch vụ hậu cần; giải tán BQL cảng cá; chấm dứt hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng; ra thông báo thu hồi đất... trong khi tàu biên phòng, kiểm ngư thì ra vào đều đặn ở khu vực này!?

Việc không cho các tàu cá vào cảng bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Bà đã dẫn đến các tàu của ngư dân không có điểm bốc xếp hàng hóa. Tàu cá của các tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Nghệ An phải di chuyển sang các cảng cá khác hoặc bán cho các tàu thu mua, dịch vụ hậu cần trên biển. Điều này gây ra nhiều khó khăn, cản trở hoạt động của ngư dân trên biển. Liệu việc làm này có đi ngược với Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam mà Trung ương Đảng mới ban hành?

Theo ông Nguyễn Tự Trọng, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Phòng thì hiện nay, phần lớn các cá nhân đã đầu tư xây dựng nhà dịch vụ tại cảng cá Cát Bà đều dựa vào nguồn thu chính là kinh doanh để đảm bảo sinh kế. Việc thanh lý và chấm dứt hiệu lực sử dụng cơ sở hạ tầng ở đó lúc này sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc đảm bảo đời sống cho người dân.

Quả đúng như vậy. Trong cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa chúng tôi với ngư dân và đại diện các DN ở cảng cá Cát Bà, họ đều bày tỏ bức xúc trước việc làm thiếu trách nhiệm và có phần nóng vội của TP Hải Phòng. Ông Phạm Quốc Huynh, chủ cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản Cát Bà cho biết, ông có mặt ở Cát Bà từ khi chưa có cảng cá.

Ông Huynh và ông Quốc chua xót nhìn cảnh điêu tàn của cảng cá một thời sôi động

Khi cảng thành lập, được Trung tâm dịch vụ nghề cá cho thuê mặt bằng thì các hộ dân ở đây đã ký hợp đồng; có những hợp đồng thuê đến 30 năm. Từ làm ăn nhỏ đến làm ăn lớn, chúng tôi đã đầu tư khá nhiều vốn liếng và công sức vào đây. Cảng cá ngày càng sôi động và việc kinh doanh của chúng tôi khá thuận lợi.

Cũng theo ông Huynh, chính hoạt động nghề cá ở đây sôi động và là địa điểm du lịch lý tưởng nên nhiều sản phẩm của Cát Bà đã trở thành những món hàng ý nghĩa cho khách thập phương.

Chủ nhiệm HTX khai thác dịch vụ thủy sản số 1 Lập Lễ, ông Đinh Khắc Tiếp không giấu nỗi bức xúc. Ông nói, cảng cá chưa đóng nhưng hai cái cẩu của tôi đặt ở đây để cẩu hàng dưới tàu thuyền lên đã phải tháo bỏ. Tôi lai dắt cẩu sang cảng Trân Châu và đặt cọc tiền để được thuê mặt bằng đã 2 năm nay rồi nhưng có được phân vị trí đâu.

“HTX nuôi sống 70 con người hàng chục năm qua đã bị tê liệt 1 năm nay không làm ăn gì được. Nhà máy chế biến thủy sản của chúng tôi đầu tư hơn 20 tỷ đồng với nhiều thiết bị hiện đại nhất, nay không có hàng để hoạt động. Người không việc, máy đắp chiếu. Đau xót lắm”, ông Tiếp uất nghẹn và bày tỏ, nay sang Trân Châu tìm đất để thuê nhưng không đến lượt mình. Ở đó nhiều vị trí đất được cấp cho những người chẳng liên quan gì đến SXKD thủy sản, người dân cần thì phải thuê lại giá cắt cổ!?

Ông Bùi Văn Khiêm (ngoài cùng bên phải) ở số 5 tổ 16 thị trấn Cát Bà nói rằng với cách làm hiện nay của TP thì ngư dân điêu đứng

Chúng tôi đưa văn bản đề ngày 10/7/2018 của UBND TP Hải Phòng ghi kết luận của Chủ tịch UBND TP rằng, nếu hộ dân có nhu cầu di chuyển, tiếp tục SXKD về cảng cá Trân Châu thì được xem xét thuê đất không thông qua đấu giá; giá thuê đất theo quy định hiện hành.

Đọc xong, người dân bất ngờ và dường như họ không tin điều đấy sẽ thành hiện thực. Xin chuyển những băn khoăn trên của ngư dân và DN cảng cá Cát Bà đến chính quyền TP Hải Phòng xem xét.

Còn ông Bùi Văn Khiêm ở số 5 tổ 16 thị trấn Cát Bà có 3 con tàu, trong đó có 1 tàu đóng theo Nghị định 67 với công suất 829CV đang khóc dở mếu dở. Ông nói, cảng Trân Châu đến nay chưa thể sử dụng được mà về lâu dài không biết có dùng được không vì nhìn nông lắm, tàu lớn này sao có thể cập cảng được. Còn ở cảng Cát Bà chưa có lệnh đóng nhưng cách làm ăn này thì ngư dân điêu đứng.

 

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).