| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng tiêu thụ sản phẩm gắn truy xuất nguồn gốc

Thứ Bảy 20/02/2021 , 13:22 (GMT+7)

Các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc cho hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng tại Hải Phòng.

Kết nối thông tin 4 nhà

Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, nền khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền như: Na bở Liên Khê, Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng, Gạo ruộng rươi, Ổi lê Thị trấn Vĩnh Bảo, Táo muối Bàng La, Cam Đồng Dụ, Bưởi Lâm Động, cá vược, tôm thẻ chân, rươi, cá mòi kho Kiến Thụy, cá thu một nắng Cát Bà...

Mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc tại huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc tại huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Trong những năm gần đây, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã triển khai xây dựng hơn 47 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc cho 70 sản phẩm và đã phát huy tốt lợi thế so với các mô hình sản xuất truyền thống.

Các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, quy trình sản xuất, được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm giúp tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Qua hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất nhóm rau ăn lá tăng 3.000 đồng/kg sản phẩm, nhóm rau ăn quả, ăn củ tăng 5.000 - 9.000 đồng/kg sản phẩm, gạo chất lượng tăng 10.000 đồng/kg. Còn thịt gà tăng 3.000 đồng/kg, sản phẩm trứng tăng 500 đồng/quả, sản phẩm cá vược tăng 5.000 đồng/kg,...

Theo Trung tâm Khuyến nông TP. Hải Phòng, các mô hình sản xuất an toàn liên kết tiêu thụ gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn còn có nhiều ưu điểm kết nối thông tin 4 nhà sản xuất, liên kết tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong đó, đối với nhà quản lý, sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước và kết nối được các thông tin về doanh nghiệp, nhà sản xuất, người tiêu dùng và sản phẩm trong hệ thống. Quản lý được tất cả các thông báo và báo cáo từ người tiêu dùng.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm 1 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm 1 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Đối với doanh nghiệp sẽ cập nhật, quản lý các cơ sở đủ điều kiện an toàn của doanh nghiệp mình quản lý cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác. Đối với người sản xuất sẽ cập nhật thông tin liên quan đến quy trình sản xuất, sản phẩm sản xuất, nguồn gốc sản phẩm.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Việc triển khai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc bước đầu đã cho hiệu quả tích cực và đang được nhiều địa phương xem là hướng đi tất yếu và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới đây.

Tuy nhiên trên thực tế, chính sách về đất đai chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời, dẫn đến quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Thị trường nông sản biến động mạnh, hạn chế về dự báo thông tin thị trường của doanh nghiệp và người nông dân nên việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hành lang pháp lý đảm bảo liên kết bền vững còn yếu, thiếu các cơ chế, chế tài đủ mạnh để triển khai được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hợp đồng một cách bền vững.

Việc này ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp vào liên kết với các hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc sẽ được nhân rộng tại Hải Phòng trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

Mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc sẽ được nhân rộng tại Hải Phòng trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

Do đó, để mở rộng phát triển mô hình, năm 2021, Ngành nông nghiệp Hải Phòng đã đưa ra những giải pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất an toàn trên quy mô lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trong đó, về các chính sách hỗ trợ về công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch sẽ được quan tâm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thị trường, liên kết sản xuất kinh doanh, chuyển giao KH-CN và ưu đãi tín dụng, trợ giá cho người sản xuất trồng trọt...

Đề xuất cơ quan chức năng quan tâm ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến, thương mại xuất khẩu nông sản. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương cấp xã, phường thể hiện vai trò rõ hơn trong việc tổ chức sản xuất và thực thi hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn.

Năm 2021, Hải Phòng sẽ tập trung vào làm chuỗi các gian hàng, văn phòng tư vấn giới thiệu các nông sản để kết nối tiêu thụ. Tập trung vào một số mô hình theo hướng hữu cơ, một số mô hình theo hướng để tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu một số mô hình theo hướng công nghệ cao.

"Mục tiêu để nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, hướng vào chuỗi các nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc trong cả 3 lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản”, ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng cho biết.

Hải Phòng có diện tích đất nông nghiệp là 51.200ha, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 15.335,9 tỷ đồng, tăng bình quân 1,5%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 176,8 triệu đồng/ha, bình quân hàng năm tăng 5,48%. Thu nhập bình quân đầu người trong sản xuất nông nghiệp đạt 56,4 triệu đồng.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất