| Hotline: 0983.970.780

Hạn 'quần thảo' đảo Lý Sơn

Thứ Sáu 05/06/2015 , 09:37 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài vắt kiệt mạch nước ngầm, các giếng nước phục vụ SXNN đã nhiễm mặn, vụ hè thu 2015, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang đối mặt với hạn đỉnh điểm.

Về Lý Sơn thời điểm này, đi đâu chúng tôi cũng thấy những ruộng hành khô khốc chờ nước, thậm chí nhiều vùng, nước không đến được vì giếng đã cạn, cây trồng chết khô.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, nhiệt độ trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn trong vụ HT 2015 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn vụ HT 2014. Nắng nóng tập trung từ tháng 5 - 9, nhiệt độ cao nhất có thể đạt mức 38 - 40 độ C.

Lý Sơn là huyện đảo nên không có nguồn nước mặt tự nhiên. Nước phục vụ sinh hoạt và cung ứng cho SXNN chủ yếu được khai thác từ giếng khoan, giếng đào. Hiện cả giếng đào và giếng khoan có 1.327 cái. Năm nay do nắng nóng kéo dài, hầu hết các giếng đều đã nhiễm mặn, nhiều cái cạn khô.

Công trình thủy lợi duy nhất trên địa bàn huyện đảo là hồ chứa nước được xây dựng trên đỉnh núi Thới Lới, có dung tích chứa 270.000 m3. Theo thiết kế, lượng nước của hồ chứa nước Thới Lới phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho 1.000 người dân cùng 300 tàu thuyền và cấp nước tưới cho 60 ha cây trồng/vụ.

Tuy nhiên, nguồn nước về hồ Thới Lới chỉ là nước mưa. Năm nay vắng mưa nên lượng nước chứa được ít, tưới xong cho cây tỏi vụ ĐX 2014-2015 thì hồ không còn nhiều nước. Trong khi đó, theo kế hoạch, trong vụ HT 2015 này Lý Sơn sẽ thực hiện gieo trồng khoảng 733 ha. Trong đó có 358 ha hành, 90 ha dưa hấu, 73 ha đậu phộng, 47 ha đậu xanh và 165 ha ngô.

Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn nhận định: “Diện tích cây trồng có khả năng bị hạn trong vu HT 2015 trên địa bàn là 265 ha. Trong đó có 70 ha hành, 95 ha ngô, 40 ha dưa hấu, 45 ha đậu phộng và 15 ha rau các loại.

Các cánh đồng có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn gồm đồng Gốc Sáu, đồng Trảng, đồng Hòn Nghệ, đồng Bù Lăng ở xã An Hải; đồng Rừng, đồng Đá, đồng Bật, đồng Ruộng ở xã An Vĩnh. Đặc biệt, toàn bộ người và gia súc sẽ phải dùng nước nhiễm mặn”.

08-48-18_2
Hồ chứa nước Thới Lới, công trình thủy lợi duy nhất tại Lý Sơn đã kiệt nước

Ông Nguyễn Văn Lê kiến nghị: “Hồ Thới Lới đã phát huy hiệu quả, nhờ có nó mà 60 ha trồng tỏi trong các vụ ĐX được bảo đảm nước tưới. Ngoài ra hiện nay lượng nước còn đủ tưới cho một ít diện tích cây trồng vụ HT. Nếu Lý Sơn được ngành chức năng quan tâm cho xây dựng thêm hồ chưa nước Giếng Tiền tại xã An Vĩnh thì trong thời gian tới nông dân sẽ giảm được áp lực về nước tưới trong những mùa khô hạn”.

Cũng theo ông Lê, vụ ĐX 2014-2015, nông dân Lý Sơn đã phải luân phiên thuê bơm nước từ vùng thấp lên tưới cho cây tỏi trồng trên các vùng đất trên cao nên chi phí đầu vào SX tăng, nông dân không có lãi.

“Chúng tôi đang chỉ đạo nạo vét tất cả các giếng phục vụ nước tưới cho SXNN nhằm tăng cường lượng nước phục vụ việc chống hạn trong vụ HT này. Hai giếng nước đã bị hư nghiêm trọng của bà Phạm Thị Bảy và ông Ngô Đình Hồng ở cánh đồng Ruộng thuộc xã An Vĩnh được sửa chữa cấp bách và đang tiến hành nạo vét 54 giếng khác ở xã An Hải.

Đồng thời vận động nông dân giảm diện tích gieo trồng, tiết kiệm nước tưới. Đặc biệt khuyến khích mô hình tưới nước phun mưa tự động để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn gây ra”, ông Lê nói.

Trong bối cảnh này, nhiệm vụ nặng nề được đặt trên vai những người có trách nhiệm ở xã An Hải trong vận hành hồ chứa nước Thới Lới. Bởi, nếu không có phương án, không có kế hoạch cụ thể, cứ tưới phung phí thì diện tích cây trồng bị hạn trong vụ hè thu này tại xã An Hải sẽ còn cao hơn.

Trong bối cảnh thời tiết diễn ra ngày càng đỏng đảnh, mưa lũ cũng dữ mà hạn hán cũng gắt, để bổ sung nguồn nước dự trữ cung ứng cho SXNN, Lý Sơn đã tính đến phương án xây hồ chứa hứng nước mưa dọc theo tuyến mương chính với lượng nước chứa khoảng 1.200 m3 với kinh phí 500 triệu đồng. Tuy nhiên, về lâu dài cần có thêm 1 hồ chứa nước tự nhiên khác sau hồ Thới Lới.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.