Binh sĩ đứng canh gác ở khu vực biên giới liên Triều thuộc Khu vực phi quân sự DMZ. (Ảnh: Yonhap) |
Đây là một phần trong thỏa thuận 2 bên đạt được trong hội nghị thượng đỉnh lần 3 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ ngày 18-20/9 ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Trong thông báo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng và Seoul đã đồng thuận sẽ bắt đầu gỡ bỏ toàn bộ mìn ở khu vực An ninh chung (JSA) tại làng Bàn Môn Điếm trong vòng 20 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận.
Ngoài ra, 2 miền cũng đồng ý sẽ giảm bớt các điểm canh gác và vũ khí ở khu vực JSA sau khi loại bỏ mìn tại đây. Trong tương lai gần, quân nhân làm nhiệm vụ canh gác JSA sẽ không mang theo vũ khí.
JSA là địa điểm duy nhất trong vùng phi quân sự (DMZ) dài 250km mà quân đội 2 miền Triều Tiên giáp mặt nhau.
Hồi tháng 11/2017, binh sĩ Triều Tiên ở JSA từng nổ súng bắn một quân nhân đào tẩu sang Hàn Quốc. Từ đó tới nay, căng thằng ở khu vực này đã phần nào xuống thang sau khi nó trở thành địa điểm tổ chức 2 kỳ Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 4 và tháng 5 giữa ông Kim và ông Moon.
Trong hội nghị thượng đỉnh lần 1 ngày 27/4, hai nhà lãnh đạo đã ủng hộ kế hoạch biến DMZ, khu vực được coi là biểu tượng của căng thẳng và chia cắt trong gần 70 năm qua, trở thành “khu vực hòa bình”. Hai miền Triều Tiên đã gỡ bỏ hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền, cũng như giảm bớt số lượng binh sĩ đứng gác tại đây.
Theo Reuters, hiện thời có tổng cộng hơn 1 triệu quả mìn nằm ở khu vực DMZ và khu vực kiểm soát dân sự phía Hàn Quốc, biến nơi này trở thành một trong những nơi nguy hiểm bậc nhất thế giới.
DMZ là một vùng đất dài 250 km, rộng 4 km, chạy ngang bán đảo Triều Tiên và phân cách đường biên giới liên Triều. Quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc đều hiện diện ở DMZ với hàng chục nghìn binh sĩ ở cả hai bên. Ngoài ra, DMZ còn được trang bị dày đặc bãi mìn, các hàng rào dây thép gai, hàng rào điện tử, camera trinh sát và các trạm kiểm soát quân sự. Ở phía Nam của DMZ là nơi quân Mỹ đồn trú. Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1953. Năm 1993, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi DMZ là “khu vực đáng sợ nhất trên trái đất”. |