| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục tài khoản chứng khoán bỗng dưng biến mất

Thứ Tư 05/05/2010 , 13:08 (GMT+7)

Dù đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ ký quỹ nhưng hàng chục tài khoản chứng khoán tại WSS lại không thể thực hiện giao dịch.

Không còn thiếu nợ gì với Công ty chứng khoán Phố Wall, nhưng anh Lê Văn Nam vẫn không thể giao dịch vì theo nhân viên nơi đây tài khoản của anh không tồn tại trên hệ thống.

Tài khoản số 073C086368 của anh Lê Văn Nam chỉ là một trong hàng chục tài khoản của nhà đầu tư không thể thực hiện giao dịch dù đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ ký quỹ với công ty chứng khoán.

Mở tài khoản tại Công ty chứng khoán Phố Wall (WSS) trong năm 2009, anh Nam và một số nhà đầu tư khác có sử dụng dịch vụ mua bán chứng khoán theo hình thức ký quỹ do WSS cung cấp. Do thị trường diễn biến xấu, các nhà đầu tư này đều thua lỗ nên công ty đã thực hiện phong tỏa tài khoản để đảm bảo thu hồi nợ. Nhà đầu tư cũng cam kết sẽ nộp đủ số tiền còn thiếu trước khi được phép giao dịch bình thường.

Dù không thiếu nợ, nhiều nhà đầu tư vẫn không thể giao dịch trên tài khoản của mình (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục nộp tiền, ngày 5/3, anh Nam và một số nhà đầu tư khác trực tiếp đến Công ty chứng khoán Phố Wall để thực hiện giao dịch thì được nhân viên nhập lệnh cho biết không nhìn thấy tài khoản trên phần mềm giao dịch. Thắc mắc với Trưởng phòng Giao dịch, khách hàng được biết chỉ có lãnh đạo công ty mới giải quyết được vấn đề nêu trên.

Tuy vậy, lãnh đạo của WSS, vì nhiều lý do, vẫn từ chối gặp khách hàng cho đến ngày 19/3, khi một số nhà đầu tư tỏ ra quá bức xúc, gây lộn xộn tại sàn. Sau sự kiện này, ban Tổng giám đốc của WSS mới đồng ý ngồi lại “đối chiếu số liệu” với nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Không giải thích việc tài khoản của nhà đầu tư "biến mất" trên hệ thống nhưng theo ông Phạm Đức Long, Phó tổng giám đốc WSS, phản ánh về việc công ty đang phong tỏa một số tài khoản của khách hàng là đúng sự thật.

“Đúng là có một số tài khoản đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với công ty nhưng do liên quan đến một số tài khoản hiện vẫn thiếu nợ nên theo yêu cầu của tổ chức tài chính, WSS sẽ tiếp tục phong tỏa những tài khoản này đến khi tất cả các khách hàng trong diện phong tỏa nộp đủ tiền", ông Long nói.

Theo vị Phó tổng giám đốc này, các tài khoản đang bị phong tỏa nói trên (41 trường hợp, bao gồm cả tài khoản đã nộp đủ tiền cũng như chưa thanh toán) đều liên quan đến cựu Giám đốc kinh doanh của WSS. Theo ông Long, vị giám đốc này đã nghỉ việc vì có sai phạm trong việc cho phép khách hàng vay ký quỹ vượt quá tỷ lệ cho phép.

Căn cứ được ông Long đưa ra để lý giải cho quyết định phong tỏa tài khoản của khách hàng là đề nghị được mua lại nợ của vị cựu Giám đốc Kinh doanh. Số nợ này có giá trị khoảng 5 tỷ đồng và thuộc về 41 tài khoản mà bà này liên đới trách nhiệm (được ủy quyền giao dịch, mở tại đại lý riêng hoặc được bà trực tiếp duyệt thấu chi trong thời gian làm việc tại WSS).

Ông Long cho biết việc mua nợ này hiện chưa hoàn thành nên chưa thể dỡ lệnh phong tỏa cho các tài khoản. Sau khi biên bản này được lập vào cuối tháng 3, WSS cũng không nhận được thêm bất kỳ khiếu nại nào từ phía khách hàng.

Hầu hết chủ tài khoản bị phong tỏa tại WSS đều không đồng tình với giải thích của lãnh đạo công ty. Ông Vũ Tuấn Việt, chủ tài khoản 073C004899 cho biết đã liên tục khiếu nại với công ty trong những ngày qua nhưng không được giải quyết: “Các tài khoản là riêng biệt với nhau nên không thể đánh đồng như vậy. Tài khoản của tôi hiện đã dương hàng tỷ đồng mà vẫn phải chờ đợi những người âm vài chục triệu”.

Nhà đầu tư Lê Văn Thành, chủ tài khoản 073C086558 cho rằng WSS không có lý do để phong tỏa tài khoản của mình. “Che tài khoản như vậy, chúng tôi chẳng biết trong tài khoản của mình còn chứng khoán hay không. Chỉ cần công ty cho bán, chúng tôi sẵn sàng nộp số tiền mặt còn thiếu ngay lập tức. Không thể bán chứng khoán nhưng khách hàng vẫn phải trả tiền lãi hằng ngày, khoảng 0,06%. Với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng như vậy, thiệt hại của nhà đầu tư sẽ là bao nhiêu?”, ông Thành đặt câu hỏi.

Trao đổi với VnExpress.net, cựu Giám đốc Kinh doanh của WSS (đề nghị được giấu tên) cho rằng thủ tục mua nợ chưa thể hoàn thành là do công ty không có thiện chí trong việc giải quyết với khách hàng. “Ban đầu tôi quyết định mua toàn bộ số nợ để giải phóng 3 tài khoản của cá nhân và một số của khách hàng thân thiết. Tuy nhiên, sau đó, tôi phát hiện ra trong số 41 tài khoản nói trên có không ít của nhân viên WSS. Các tài khoản này, dù âm nhưng vẫn được giao dịch, thậm chí rút tiền mặt hàng tỷ đồng. Tôi yêu cầu công ty làm rõ nhưng công ty không chịu, khiến việc mua nợ bị trì hoãn”, bà nói.

Trong khi đó, các nhà đầu tư có tài khoản bị WSS phong tỏa cũng đã gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong 2 ngày 5/3 và 17/4. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi ý kiến trả lời của Ủy ban và công ty chứng khoán, họ vẫn phải ngậm ngùi trả khoản lãi lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm