| Hotline: 0983.970.780

Hàng mã nước rút

Thứ Ba 08/01/2013 , 10:08 (GMT+7)

Hơn một tháng nữa là đến Tết âm lịch, người làm hàng mã ở Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Phúc Am, Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) đang chạy đua với thời gian.

Hơn một tháng nữa là đến Tết âm lịch, người làm hàng mã ở Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Phúc Am, Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) đang chạy đua với thời gian. Khắp đầu làng, cuối xóm, đâu cũng là hàng mã, người đến, kẻ đi tấp nập không khác gì chợ Tết.

"Công xưởng" hàng mã lớn nhất miền Bắc

Nhắc tới Đông Hồ, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một làng nghề làm tranh truyền thông với những “Cá chép trông trăng”, “Đánh ghen”, “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”... Giờ đây, hình ảnh nhà nhà mài mực làm tranh đã trở thành dĩ vãng. Hiện tại chỉ có 2 hộ làm tranh, còn cả làng nay đã chuyển sang làm hàng mã.

Theo anh Nguyễn Nhân Vụ, trưởng thôn Đông Hồ, nghề làm hàng mã cũng đã tồn tại được hai thế hệ. Trước đây, người làng Đông Hồ chỉ làm hàng mã vào lúc nông nhàn, còn bây giờ nó đã trở thành nghề chính. Tính sơ sơ, cả làng nay có đến ngót nghét 400 hộ chuyển sang nghề này.

Chị Đào, vợ anh Vụ cho biết, chính nhờ làm hàng mã mà cuộc sống của gia đình đã đi lên trông thấy. “Chuyện làm nhà giấy lấy tiền cất nhà lầu ở Đông Hồ chú có ngồi nghe cả ngày cũng không hết. Chú cứ đi thăm thú quanh làng sẽ rõ”, chị Đào phấn khởi. Không phải nhìn đâu xa, cái sự “đi lên” ấy chính là 2 cái nhà 3 tầng khang trang của vợ chồng anh Vụ.


Làng vàng mã hối hả vào Tết

Bước vào một nhà gần đó, sân bày la liệt đồ hàng mã từ nhà, xe, ti vi, tủ lạnh… Chủ nhà, anh Trần Duy Tiến bảo, thời ông nội cũng là một nghệ nhân làm tranh Đông Hồ nức tiếng gần xa. Nhưng người mua và chơi tranh Đông Hồ cứ ít dần, năm 1990, gia đình anh phải bỏ nghề chuyển sang làm hàng mã. Gia đình anh năm nay chủ yếu làm quần áo, giày, mũ để phục vụ cho người dân dịp ông Công, ông Táo chầu trời ngày 23 tháng Chạp.

“Những mặt hàng như nhà lầu, xe hơi, xe máy vẫn làm nhưng chỉ là theo đơn đặt hàng của khách”, anh Tiến chia sẻ. Chuyện làm hàng mã ở Đông Hồ cũng được “chuyên nghiệp” hóa. Một số nhà làm khung, in màu rồi phân phối ra cả làng để hoàn thiện. Tôi hình dung, Đông Hồ giờ không khác gì một dây chuyền SX hàng mã thu nhỏ. Càng gần Tết, người dân Đông Hồ phải căng mình hoàn thiện những đơn hàng.

Anh Tiến nhẩm tính, dịp này đơn hàng nhiều, một ngày công cũng được trên dưới trăm nghìn. So với làm ruộng phải vất vả, một nắng hai sương, nghề làm hàng mã mang lại thu nhập cao, vừa nhàn nhã chân tay vừa sạch sẽ. Tỏ ra nhanh nhạy với thị trường, nhà anh Nguyễn Thành Nam năm nay cho SX thêm nhiều đồ trang sức đang rất “hót” như iPad, iPhone, Honda Sh150i rồi thì tất tần tật từ chăn ga, gối đệm, điều hòa…

“Đơn hàng về nhiều quá, hai vợ chồng không đủ sức nên tôi phải thuê thêm hai người làm. Mỗi ngày công tôi trả họ khoảng 80.000 đồng. Sắp Tết nên công việc đòi hỏi phải làm nhanh, làm gấp”, anh Nam tâm sự. Một số nhà không làm hàng mã mà mua xe ô tô để chở hàng đi bỏ tại Hà Nội, Hải Phòng. Không chỉ ngoài Bắc, hàng mã của Đông Hồ còn vươn vào tận các tỉnh miền Trung, thậm chí là TP.HCM. “Vài ngày trước 23 tháng Chạp, ô tô tải cứ kéo về đây nườm nượp, không có chỗ mà quay đầu ấy chứ”, một người dân hồ hởi.


Mỗi ngày làm thêm người dân cũng kiếm được 80 nghìn

Chuyên môn hóa

Không có truyền thống lâu đời như Đông Hồ, nghề làm hàng mã ở hai làng Phúc Am và Duyên Trường mới nổi lên từ mấy năm trở lại đây. Tuy vậy, quy mô SX ở đây thì cũng thuộc hàng ngang ngửa Đông Hồ. Những gì ở làng hàng mã Đông Hồ làm được thì ở đây cũng có thể cung ứng, chỉ cần khách đặt hàng là có ngay. Chúng tôi tìm đến nhà ông Quý “hàng mã”, một trong những chủ cơ sở làm hàng mã lớn nhất làng Phúc Am. Hiện cơ sở này đã được ông giao lại cho vợ chồng anh con trai đảm nhiệm.

Ngoài cơ sở nhà chị Thúy, còn cả trăm hộ đang ngày đêm làm “nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh” để trang bị cho “người âm”. Cả làng tấp nập xe cộ, rộn ràng như có hội. Về đây những ngày giáp Tết mới cảm nhận được nhịp sống hối hả như một cuộc… chạy đua nước rút.

Đôi bàn tay thoăn thoắt dán chiếc mũ giấy, chị Thúy, con dâu ông Quý cho biết, năm nay đơn đặt hàng giảm sút hơn năm ngoái nhưng số lượng mặt hàng lại tăng lên. Ngoài những mặt hàng truyền thống như mũ mã quần áo cho ông Công, ông Táo, gia đình chị còn nhận được nhiều đơn hàng làm ti vi, tủ lạnh, máy giặt đến “dế” sang như iPhone, iPad…

Phải len chân qua rất nhiều đồ để ngổn ngang, chúng tôi mới có thể vào tham quan kho hàng của cơ sở Quý “hàng mã”. Đúng là “trần sao âm vậy”, liếc mắt một vòng, đúng là không thiếu một thứ gì. Cũng giống như ở Đông Hồ, các công đoạn làm hàng mã ở đây cũng được chuyên môn hóa một cách tối đa.

“Xưởng gia đình tôi nhận trách nhiệm cắt sẵn theo các mẫu cố định. Sau đó những hộ khác sẽ đến nhập về và lắp ghép, hoàn thiện sản phẩm. Năm ngoái tôi phải thuê thêm mặt bằng để làm nhà xưởng vì đơn đặt hàng quá nhiều. Gần Tết mà không xong để giao cho khách thì mất chữ tín lắm”, chị Thúy cho biết.

Gần Tết, xưởng nhà chị Thúy luôn có cố định gần chục người làm thuê. Tiền lương mỗi ngày công là 70.000 đồng, nếu nhận sản phẩm về làm thêm ở nhà sẽ được cộng thêm theo số lượng thành phẩm.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất