| Hotline: 0983.970.780

Hàng ngàn ha mía khô cháy

Thứ Hai 18/08/2014 , 08:25 (GMT+7)

Ninh Tân có 1.654 ha mía, nhưng chỉ khoảng 20% diện tích gần suối được bơm tưới, số còn lại là mía đồi “ăn” nhờ nước trời. 

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay nắng hạn kéo dài, không mưa nên hàng ngàn ha mía héo úa, vàng lá có nguy cơ giảm năng suất.

Ninh Tân có 1.654 ha mía, nhưng chỉ khoảng 20% diện tích gần suối được bơm tưới, số còn lại là mía đồi “ăn” nhờ nước trời. Dẫn chúng tôi đến thăm các vùng mía trọng điểm của xã ở các thôn Trung, Bắc, ông Hoàng chỉ cho xem những đám mía "tốt nhất" chỉ vươn lên được 2 - 3 lóng, trong khi thời điểm này năm ngoái đã 5 - 6 lóng. Hầu hết những ruộng mía ở đây đều bị kiệt sức, lá ngả sang màu vàng, ngọn bị gãy gục.

Ông Hoàng lo lắng: “Mía năm nay bị vàng lá, héo rũ ngoài nguyên nhân nắng hạn gây ra thì cũng bị con sâu đất (sùng đất) xuất hiện nhiều. Chúng cắn phá mầm và rễ cây làm cây chết dần chết mòn. Đáng lưu ý là toàn bộ diện tích mía tơ hơn 100 ha đều bị sâu đất cắn phá mạnh. Hiện mọi phương pháp tiêu diệt sâu đều không hiệu quả”.

Ông Bùi Văn Hợi, thôn Trung cho biết, vụ mía năm nay bà con vừa đối mặt sâu bệnh lại hạn gay gắt nên dự báo thu hoạch tới cầm chắc thua lỗ. Cây mía phát triển không nổi thì làm sao có thu. Như gia đình ông toàn bộ diện tích 10 ha đều bị cháy lá, cây còi cọc kém phát triển, một số diện tích chưa vươn lóng, chắc chắn giảm năng suất và chữ đường.

“Mía là cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi. Trung bình 10 ha mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 600 tấn mía, sau khi trừ tất cả chi phí lãi cả trăm triệu đồng. Năm nay nắng hạn gay gắt nên năng suất cầm chắc giảm khoảng 50%”, ông Hợi buồn rầu.

Theo Phòng Kinh tế TX Ninh Hòa, niên vụ 2014-2015 toàn TX có 11.800 ha mía, đến nay đã có hơn ¼ diện tích bị hạn nặng, không có nước tưới khiến cây còi cọc kém phát triển, dự báo giảm năng suất 20 - 30%.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thơm, thôn Bắc có 2 ha mía cũng đang bị nắng hạn từng ngày thiêu đốt. Gặp chúng tôi, ông Thơm than vãn: “Thời điểm ngày này năm ngoái, mía đã tốt quá đầu người, nhưng hơn 3 tháng nay cây hầu như không sinh trưởng được, thấp lè tè ngang bụng, lá xơ xác khô, những cây đã vươn lóng thì ngọn bị gãy gục. Nếu trong vài tuần tới trời tiếp tục không mưa thì tôi e rằng toàn bộ diện tích mía mất trắng”.

Dọc theo Quốc lộ 26 đi các tỉnh Tây Nguyên, đoạn qua các xã Ninh Sim, Ninh Tây, thay vì màu xanh bạt ngàn của các ruộng mía ven đường, là màu vàng và màu trắng bạc của những ruộng mía héo khô.

Bà Phan Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim cho biết: “Nắng hạn gay gắt trên địa bàn khiến nhiều diện tích cây trồng bị khô héo, nhất là cây mía. Toàn bộ diện tích gần 1.900 ha mía tại địa phương vẫn chưa vươn lóng do không mưa để bón phân, trong khi tầm đầu tháng 1 (DL) là bà con bắt đầu thu hoạch. UBND xã đã triển khai công tác chống hạn điều tiết nước hợp lý để tưới tiêu.

"Khó khăn nhất là hầu hết các vùng trồng mía trên địa bàn lại không chủ động nguồn nước, chỉ hoàn toàn chờ trời mưa. Tuy nhiên nếu trong vòng 1 tháng nữa trời vẫn không mưa thì nguy cơ mía bị mất trắng, giảm năng suất là điều không tránh khỏi”, bà Oanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Hiền, một người trồng mía thôn Nông Trường cho biết: “Gió tây nam liên tục thổi mạnh khiến mía bị khô quắt nhanh. Bằng giờ này năm ngoái, cây mía đã cao gần 2 m, có từ 6 - 7 đốt. Năm nay cây vẫn chưa phát triển lóng, nhiều cây gãy ngọn không thể phát triển được nữa”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.