| Hotline: 0983.970.780

Hang Tỉnh uỷ

Thứ Ba 15/10/2013 , 10:24 (GMT+7)

Đối với hang Hà Lùng, nơi trú ẩn an toàn của các cán bộ của Tỉnh uỷ Quảng Ninh trong suốt những năm 1964-1968, nhân dân xã Sơn Dương đã đổi tên thành hang Tỉnh uỷ.

Mỗi lần có khách lạ đến hỏi thăm về hang Tỉnh uỷ, cảm xúc của những người dân thôn Hà Lùng nói riêng, xã Sơn Dương (Hoành Bồ, Quảng Ninh) nói chung lại dâng lên niềm tự hào, bồi hồi nhớ về những tháng năm chiến tranh ác liệt nhưng chứa chan tình cảm quân - dân.

>> Về Bãi cọc Bạch Đằng nghe kể chuyện đánh giặc

Nhường giường sẻ chiếu

Mặc dù đang vào vụ thu hoạch lúa, nhưng khi thấy tôi hỏi thăm đến tận nhà riêng để tìm hiểu về di tích hang Tỉnh uỷ (còn gọi là hang Hà Lùng), khuôn mặt ông Lục Văn Lường (65 tuổi), Trưởng ban Mặt trận thôn Hà Lùng bỗng rạng rỡ. Đặt bó lúa xuống sân, ông bảo: “Chú chờ vài phút, tôi vào nhà lấy đèn pin dẫn chú đến đó. Vừa đi mình vừa nói chuyện”.

Men theo con đường mòn dẫn từ làng ra cánh đồng lúa chín, bước qua cây cầu tre bắc qua khe suối nhỏ rồi đạp cỏ, gạt tán cây bụi tiến về phía những dãy núi đá vôi chồng lấn lên nhau tầng tầng lớp lớp, hang Tỉnh uỷ hiện ra.

Án ngữ phía bên ngoài là một bức tường dài khoảng 20 m, cao 2 m, dày 2,5 m được xây bằng đá hộc, ở giữa có một lối đi rộng chừng 1 m. Trải qua mấy chục năm dầm dãi nắng mưa, cây cối bám rễ vào các vết tường nứt hút chất dinh dưỡng và đẻ nhánh um tùm, ông Lường cho biết: “Với bức tường kiên cố như vậy, dù giặc Mỹ có bắn rocket cũng không thể phá vỡ”.


Một ngách thoát hiểm của hang Tỉnh uỷ được lát bậc thang đá để dễ dàng đi lại

Sau bức tường là một khoảng trống bằng phẳng, trước đây toàn bộ khu vực này được lát nền bằng gạch 2 lỗ. Nhưng đến nay chỉ còn lại nền đất do vữa xi măng bị bong tróc. Hang có độ sâu chừng 50 m, đủ rộng cho 3 người đi dàn hàng ngang.

Cách cửa hang chính chừng 20 m có một cửa ngách thông với hang chính được xây bậc thang đá để dễ dàng lên xuống và thoát hiểm khi có nguy biến. Cạnh đó, lực lượng của ta đã đào một cái giếng nước để chủ động trong sinh hoạt.

Các cụ cao niên trong xã kể lại, vào năm 1964, đế quốc Mỹ dùng không quân bắn phá điên cuồng vào thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí,… Để đảm bảo an toàn lực lượng, cơ quan Tỉnh uỷ cùng các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Ninh và của huyện Hoành Bồ, Bộ Tư lệnh Hải Quân kiêm Quân khu Đông Bắc, cùng nhiều cơ quan, đơn vị, cửa hàng, kho tàng, bệnh viện, trạm xưởng, cơ quan văn hoá, các đoàn nghệ thuật của tỉnh, về sơ tán trên đất Sơn Dương (thời gian từ 1964 - 1968).

Trong đó, cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Ninh được sơ tán về thôn Hà Lùng. Bởi, nơi đây có địa hình nhiều đồi núi, hang động và có cả đồng bằng nằm xen kẽ, địch khó có thể oanh tạc.

Ông Điệp Văn Sềnh, 77 tuổi, một người dân thôn Hà Lùng nhớ lại: Khi đoàn cán bộ của Tỉnh uỷ do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Tâm dẫn đầu về đây, toàn bộ thôn chỉ có khoảng 20 nóc nhà. Hang Hà Lùng lúc ấy giờ rất hoang lạnh, chỉ để cho dơi ở.

Trong thời gian hơn 2 tháng lực lượng của ta xây dựng các công trình cơ bản phục vụ sinh hoạt và làm việc tại hang, bà con dân bản đã tự nguyện nhường giường sẻ chiếu, tạo điều kiện về mọi mặt để cán bộ hoạt động.

“Ngày ấy, nhà nào cũng chật kín, tối đến mọi người trải chiếu xuống nền nằm ngủ. Mặc dù điều kiện túng thiếu đủ bề nhưng ai cũng cảm thấy vui vì có thể góp một phần sức lực cho cách mạng”, ông Sềnh nói.

Sau khi hang trú ẩn được cải tạo xong, các phòng ban của Tỉnh uỷ được chuyển vào đó. Bên ngoài có lực lượng công an, quân đội canh gác cẩn mật. Cùng ngồi trò chuyện với tôi, ông Điệp Văn Mộc, em trai của Sềnh, kể thêm: Những thời điểm “trời yên biển lặng”, cán bộ của Tỉnh uỷ thường xuyên xuống bản truyền bá cho nhân dân về lý luận cách mạng, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Không ít những đêm văn nghệ ấm tình quân dân đã diễn ra, trở thành món ăn tinh thần vô cùng quý giá trong những thời kỳ chiến tranh ác liệt.

Thời gian này, lượng người ở xã Sơn Dương tăng vọt vì lực lượng sơ tán lên đến hàng ngàn người. Địa phương đã thành lập các đội dân quân tự vệ, được trang bị súng để thay phiên nhau canh gác. Ai ai cũng có ý thức cảnh giác phòng gian, giữ bí mật tuyệt đối để không bị địch phát hiện.

Vì vậy, thời kỳ 1965-1968 máy bay tuần tra của địch thường xuyên qua lại xung quanh khu vực Sơn Dương nhưng không phát hiện được mục tiêu đánh phá. Cơ quan Tỉnh uỷ được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cùng thời gian đó, xã Sơn Dương đã tổ chức nhiều đợt cho thanh niên lên đường đi đánh Mỹ cứu nước. Hợp tác xã nông nghiệp luôn hoàn thành nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước đầy đủ theo khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Sức sống của vùng đất cách mạng

Không chỉ tự hào là điểm sơ tán an toàn của Tỉnh uỷ, các sở, ban ngành của tỉnh… mảnh đất Sơn Dương anh hùng còn là địa điểm rất quan trọng, nơi diễn ra nhiều sự kiện có ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử của tỉnh Quảng Ninh nó chung và huyện Hoành Bồ nói riêng.


Lối đi trong hang Tỉnh uỷ

Ông Vương Thanh Bình, Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Dương, cho biết: Tại Khe Cả, xã Sơn Dương là nơi thành lập Ban cán sự Đảng huyện Hoành Bồ vào ngày 9/10/1946. Xã cũng là nơi thành lập Đại đội Hồ Chí Minh, đơn vị vũ trang đầu tiên của khu mỏ (ngày 30/12/1946) tại thôn Vườn Rậm do đồng chí Nguyễn Kim Cương làm Đại đội trưởng.

Được nhân dân Sơn Dương hết lòng giúp đỡ, ngày 11/7/1947, Đại đội Hồ Chí Minh cùng với du kích và nhân dân xã Sơn Dương đã đánh trả quyết liệt trận càn quét của thực dân Pháp, tiêu diệt gần 40 tên địch, bắn sống 2 tên. Nhưng, trong trận chống càn này, quân ta đã có 34 chiến sỹ anh dũng hi sinh, nay đã lập nhà bia tưởng niệm tại thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương.

Không chỉ có truyền thống diệt giặc ngoại xâm, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Sơn Dương còn giỏi đuổi “giặc” đói nghèo. Bí Thư Bình khoe: “Năm 2012, cả xã có 1.200 hộ với 5.039 nhân khẩu thì chỉ còn 35 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,92%”.

Đó là một thành tích rất đáng tự hào, bởi đây là một xã miền núi, cơ cấu kinh tế dựa chủ yếu vào nông, lâm nghiệp; với nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Sán Dìu, Tày, Hoa, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ, Mường..., trong đó, trên 50% là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều.

Trong những năm gần đây, Sơn Dương tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng hoá. Toàn xã hiện có khoảng 70 ha trồng mía, cho thu nhập 130 triệu/ha/năm; cây dưa hấu khoảng 50 ha, cho thu nhập trung bình 70 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, lâm nghiệp không ngừng phát triển, đóng góp rất lớn trong việc nâng cao đời sống của nhân dân. Nhiều hộ từ trồng rừng và ươm keo giống đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ngày 14/12/2005, để ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Sơn Dương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp bằng di tích công nhận xếp hạng khu căn cứu cách mạng Sơn Dương.

Đối với hang Hà Lùng, nơi trú ẩn an toàn của các cán bộ của Tỉnh uỷ Quảng Ninh trong suốt những năm 1964-1968, nhân dân xã Sơn Dương đã đổi tên thành hang Tỉnh uỷ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất