| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm hộ dân kéo lên UBND xã thắc mắc về tiền hỗ trợ hạn hán không minh bạch!

Thứ Hai 01/08/2016 , 09:32 (GMT+7)

Vừa qua, hàng trăm hộ dân đồng loạt kéo lên UBND xã Ia Din (huyện Đức Cơ, Gia Lai) yêu cầu giải thích rõ vì sao tiền ngân sách hỗ trợ hạn hán lại người có, người không, kẻ ít, người nhiều mà chẳng dựa vào căn cứ gì.

10-55-01_video-1469520380-035
Lãnh đạo huyện Đức Cơ làm việc về những bức xúc của dân vào sáng 25/7

 

Theo ông Đinh Gia Hợp (SN 1975, thôn Thống Nhất), nhà ông có 2,3ha cà phê, đợt hạn hán vừa qua vườn cây bị thiệt hại khoảng 70%. Thấy hàng xóm cũng bị vậy, được nhà nước hỗ trợ tiền nên nông dân này đã lên xã để hỏi thì được biết là mình không có trong danh sách hỗ trợ.

Tương tự, hàng xóm Trần Danh Trọng (SN 1974) của ông Hợp có 2,75ha cà phê bị thiệt hại nhưng cũng không được xã phát tiền hỗ trợ. Ông Trọng nói: “Trong lúc gia đình đang lo chống hạn, cán bộ Hội Nông dân đã đến để điều tra, kê khai thiệt hại, có ghi vào danh sách, yêu cầu tôi ký tá nhưng đến ngày xã phát tiền thì tôi lại không có tên, thế mới kỳ”.

Ông Bùi Văn Trận (SN 1957, thôn Plang) dù là trường hợp được nhận tiền hỗ trợ hạn hán đợt này nhưng cũng vẫn thắc mắc. Ông nói, từ đầu chí cuối ông chẳng kê khai thiệt hại cho 1ha cà phê nhà mình nhưng thứ 6 vừa rồi vẫn được gọi lên nhận 2 triệu đồng tiền hỗ trợ hạn hán.

Theo ông Trận, việc này thật khó hiểu vì có người ở thôn Quyết Thắng được nhận hỗ trợ 3,2 triệu đồng/8 sào cà phê, một người ở thôn Đồng Tâm được nhận 10 triệu đồng/1,8ha cà phê, có hộ được nhận 12 triệu đồng/3ha cà phê…

Người dân ở đây còn tố cáo, có một ông trưởng thôn không có tí đất cà phê nào nhưng vẫn được xã phát 2 triệu đồng tiền hỗ trợ đợt này, trong khi nhiều người bị “nạn” thật thì lại không được gì.

Theo người dân, trong buổi sáng 25/7, có hơn 200 hộ dân bị thiệt hại cây công nghiệp trong đợt hạn hán vừa rồi kéo lên xã để đòi hỏi quyền lợi. “Hạn thì ai cũng bị ảnh hưởng như nhau nhưng chẳng biết cán bộ xã căn cứ vào tiêu chí nào để hỗ trợ cho dân, hay là cứ theo cảm tính, ưng cho ai và cho bao nhiêu là tùy”, người dân thắc mắc.

10-55-01__dsc0711
Người dân bức xúc phản ánh vụ việc với phóng viên

 

Làm việc với chúng tôi, ông Hà Xuân Minh, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Cơ xác nhận có khoảng 200 hộ dân kéo lên UBND xã Ia Din để hỏi tiền hỗ trợ hạn hán, khôi phục sản xuất đợt 2, đây là sai sót trong quá trình kê khai.

Theo ông Minh, xã Ia Din có gần 600ha cây công nghiệp, tuy nhiên theo danh sách của cơ quan chức năng cung cấp thì, toàn xã có hơn 209 hộ với hơn 164ha cây công nghiệp bị ảnh hưởng do đợt hạn hán trong vụ ĐX vừa qua.

Căn cứ vào danh sách và mức độ thiệt hại, tỉnh đã duyệt chi gần 400 triệu đồng hỗ trợ dân khôi phục sản xuất. Mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/ha đối với vườn cà phê bị thiệt hại từ 50 - 70%; từ 30 - 50% là 2 triệu đồng/ha; dưới 20% không được hỗ trợ.

Giải thích về việc dân bị thiệt hại do hạn hán mà không có tên trong danh sách, ông Minh cho rằng, mấy năm trước, huyện cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, cán bộ có đi điều tra, kê khai, dân cũng nhiệt tình hợp tác nhưng sau đó do không được hỗ trợ nên họ cũng nản, chẳng thiết tha gì chuyện này. Do đó, trong việc này, cán bộ xã, thôn, làng khó thoát khỏi trách nhiệm bởi vì không bám sát dân. Cụ thể, 1 ông thôn trưởng nắm dân rất chắc, cán bộ địa chính, Hội Nông dân nắm rất rõ diện tích đất của dân.

Ngay trong ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Trịnh Văn Thành đã ký công văn số 1078/UBND-KT yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện việc cấp phát kinh phí cho các hộ dân bị thiệt hại do hạn hán đúng đối tượng, số lượng. Nếu phát hiện có sai sót thì phải tổ chức kiểm tra, xác minh trước khi cấp phát. Mọi sự chậm trễ, cũng như những sai sót Chủ tịch các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm.

Ông Minh ghi nhận trường hợp trưởng thôn Thống Nhất không có cà phê nhưng vẫn được nhận 2 triệu hỗ trợ. Những người trong diện bị thiệt hại mà không có trong danh sách, huyện sẽ xử lý.

“Ai không có cà phê mà được nhận tiền hỗ trợ thì huyện kiên quyết thu hồi. Trước mắt, phải giải quyết bức xúc của dân và hoàn thành việc cấp tiền hỗ trợ, sau đó sẽ xử lý trách nhiệm cụ thể cán bộ thực hiện”, ông Hà Xuân Minh khẳng định.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất