| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ngư dân bị "triệt" đường sống

Thứ Ba 26/10/2010 , 09:59 (GMT+7)

Cuộc sống của cả trăm hộ dân tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đang rơi vào cảnh khốn đốn vì bỗng dưng bị cơ quan chức năng giao cho một “ông chủ” quản lý.

Hàng trăm ngư dân xã Thanh An bức xúc tố bị triệt đường sống tại hồ Cần Nôm

Cuộc sống của cả trăm hộ dân tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đang rơi vào cảnh khốn đốn vì chốn mưu sinh hàng chục năm nay là nghề đánh cá trên hồ Cần Nôm giờ bỗng dưng bị cơ quan chức năng giao cho một “ông chủ” quản lý.

Hồ Cần Nôm là một đập tràn thuộc xã Thanh An có diện tích hơn 200 ha. Tháng 7/2010, Cty TNHH MTV Cấp thoát nước – môi trường Bình Dương giao hồ Cần Nôm cho ông Nguyễn Văn Vương (Q.9, TPHCM) thuê trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 01/07/2010 đến 30/06/2015 với giá cho thuê là 1,2 tỉ đồng.

Sự việc trên đã khiến hàng trăm hộ dân tại xã Thanh An sống nhờ vào con tôm, con cá hàng chục năm nay tại hồ Cần Nôm bỗng dưng mất kế sinh nhai. Đứng giữa mênh mông gió nước, anh Nguyễn Hồng Công (ấp Bàu Cày Cám) lặng đi một lúc rồi than thở: “Từ lúc hồ được cho thuê, gia đình tôi rơi vào tình cảnh khốn khó vô cùng, giờ người ta thuê cái gì thì phải làm cái đó để lấy tiền sống qua ngày, còn tương lai thì chẳng biết sẽ ra sao nữa”.

Tương tự, gia đình anh Trần Văn Sơn (ấp Cà Tông) sống dựa vào hồ Cần Nôm cả chục năm nay thì bây giờ phải gác lưới, gác ghe đi cạo mủ cao su thuê. Anh Sơn chua chát: “Ngày trước đi đánh cá ở hồ cả gia đình sống khỏe, còn bây giờ đi cạo mủ vất vả, ốm đau nhưng cũng chẳng đủ ăn”.

Không được may mắn như những ngư dân khác, từ khi hồ Cần Nôm bị cho thuê, chị Nguyễn Thị Thu (ấp Cà Tông) vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp. Trước kia, cả gia đình chị đều sống dựa vào việc đánh bắt cá ở hồ. Không chỉ có chị mà cả đứa con trai lớn cũng theo nghiệp mẹ để kiếm sống. Chị Thu buồn rầu nói: “Chưa bao giờ gia đình tôi lại rơi vào tình cảnh khó khăn như thế này, con cái thì không học hành đến nơi đến chốn, giờ mà muốn đi xin việc làm cũng khó chứ đâu có dễ”.

Theo người dân, hầu hết những gia đình đánh bắt cá ở hồ Cần Nôm đều có vài ba thành viên trong gia đình tham gia. Tuy nhiên, khi hồ Cần Nôm bỗng dưng rơi vào tay một “ông chủ” đã khiến hàng trăm hộ dân bị triệt đường sống, gây bức xúc lớn trên địa bàn xã Thanh An. Người dân còn hết sức bất bình về việc hồ được cho thuê, bản hợp đồng được kí mà không thông qua ý kiến của người dân, không một cuộc họp nào được tổ chức để thông báo cho dân biết việc trên.

Trao đổi với NNVN, bà Lê Thị Kim Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: “Hồ Cần Nôm được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Công ty Cấp thoát nước – môi trường quản lý. Về việc cho cá nhân thuê hồ thì phía cấp trên kí hợp đồng rồi mới đưa xuống cho lãnh đạo xã thực hiện. Cũng do lúc đầu không thông qua ý kiến của đông đảo người dân mới xảy ra sự bức xúc, căng thẳng như hiện nay. Phía lãnh đạo xã chúng tôi đang cố gắng hết sức kết hợp với UBND huyện để giải quyết dứt điểm vụ việc này. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với Phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng thì dường như các cán bộ tại đây vẫn chưa hay biết gì về sự việc trên” (?!).
Theo tìm hiểu của NNVN, từ năm 2003 đến nay, Trường đại học Nông Lâm TPHCM đã kết hợp với Sở NN - PTNT tỉnh Bình Dương thực hiện chương trình nuôi cá nước ngọt tại hồ. Hàng năm, có tổ chức thả cá giống các loại để giúp hồ tăng tính đa dạng sinh học, đồng thời người dân nơi đây cũng thường xuyên góp cá giống để khôi phục nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, khi ông Vương về đây làm “ông chủ hồ” đã thâu tóm toàn bộ nguồn lợi thủy sản này.

Đổi lại, ông chỉ hỗ trợ các hộ đánh bắt cá chuyên nghiệp (có ghe và có lưới 8 phân trở lên) là 1 triệu đồng/hộ trong thời gian 3 tháng, còn với những hộ đánh bắt không chuyên nghiệp thì được hỗ trợ 700.000 đồng/hộ, cũng trong khoảng thời gian trên. Nếu như chấp nhận với mức hỗ trợ này, người dân có thể kí tiếp hợp đồng làm thuê cho chủ mới của hồ Cần Nôm, với những điều kiện mà “ông chủ” đưa ra.

Ông Nguyễn Nọ (ấp Thanh Tân) đã đánh bắt cá hơn 20 năm ở hồ đặt câu hỏi: “Phải chăng người dân ở đây đang làm thuê trên chính đất của mình?”. Cụ thể nhiều người dân khẳng định, vốn dĩ hồ Cần Nôm được tạo thành là do việc đắp đê từ năm 1979, rồi dần dần diện tích đất nông nghiệp của nhiều hộ dân bị ngập rồi tạo nên. Bây giờ vẫn có hàng chục hộ dân có sổ đỏ chứng minh được quyền sử dụng đất của mình ở dưới hồ. Qua tìm hiểu, PV NNVN ghi nhận việc hàng chục hộ dân có quyền sử dụng đất ở hồ Cần Nôm là hoàn toàn chính xác.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất