| Hotline: 0983.970.780

Hàng Việt về xứ lúa - cá

Thứ Tư 10/03/2010 , 09:59 (GMT+7)

Tầm nắng xế từ ba giờ chiều, dân quanh thị trấn và từ các xã ở trong kênh xa rủ nhau tới phiên chợ hàng Việt về nông thôn đông như đi chơi Tết...

Nắng tháng giêng hừng hực, chói chang một góc trời biên giới Tây Nam. Chừng hơn chín mười giờ sáng, quanh thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng - Đồng Tháp chỉ thấy lác đác người ta tới chợ huyện mua hàng. Chợ Tân Hồng nằm ngay thị trấn. Từ đây đi lên vùng giáp biên Campuchia là cửa khẩu Dinh Bà thêm 12km, nơi có siêu thị miễn thuế, trong đó có đủ cả hàng nội và hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, dù có đi lên tới siêu thị vẫn lác đác thưa người. Trong khi trái lại chỉ vào tầm nắng xế từ ba giờ chiều, dân quanh thị trấn và từ các xã ở trong kênh xa rủ nhau tới phiên chợ hàng Việt về nông thôn đông như đi chơi Tết.

Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), báo Sài Gòn tiếp thị đã phối hợp chọn điểm tổ chức phiên chợ tại hai huyện Tân Hồng và Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp làm nơi quảng bá hàng Việt về nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện cuộc vận động “Ưu tiên hàng Việt” do Bộ Chính trị phát động. Trong 3 ngày liên tiếp 5-6 và 7/3/2010, mỗi nơi phiên chợ chỉ dừng lại 2 ngày, nhưng sức hút của hàng Việt vượt hơn mong đợi của 43 doanh nghiệp (DN) không quản nhọc nhằn vận chuyển hàng về tận nơi, giới thiệu sản phẩm mới trình làng phục vụ bà con.

Chị Chín Hồng, tiểu thương bán hàng tạp hóa ở chợ huyện Tân Hồng nói: “Thật lạ, mấy ngày qua khi giá lúa giảm, chợ huyện chỉ bán hàng mạnh được vào buổi sáng nhưng thưa khách về chiều. Chợ có đầy đủ hàng hóa thế mà hàng ở chợ phiên tôi xem từ chiều tới tối vẫn bán đắt thấy ham. Tôi thấy người nào tới đây ra về cũng tay xách nách mang. Hàng bán trong phiên chợ có nhiều mẫu mới chào hàng lại thêm có quà tặng tương đương 10-20% giá trị nên bà con ưa chuộng”.

Ngay trong hôm đầu tiên, gia đình anh Tèo, nông dân xã Bình Phú, huyện Tân Hồng đã sớm tới chợ phiên. Vợ anh tách ra đi lựa chọn mấy thứ cần xài trong nhà. Còn anh tới mua liền hai thùng thuốc BVTV chuyên trị rầy nâu và ngừa ốc bươu vàng của Cty thuốc sát trùng Cần Thơ. Anh kể: “Hồi trước ở vùng giáp biên này, người dân ở đây ai cũng xài hàng nội ngoại lẫn lộn vì nằm ngay cửa ngõ hàng hóa qua lại giữa hai nước Việt - Cam. Hàng Việt hồi trước ít hơn thì tất nhiên hàng Thái Lan tràn qua bán nhan nhản. Tới nỗi hàng nhựa giỏ xách, rổ nhựa, đồ gia dụng và cả thuốc trừ sâu của Thái cũng bán sang nhiều. Nhưng nay thì hàng Thái mấy thứ ấy chẳng bán sang được nhiều, hàng Việt đồ tiêu dùng hàng ngày cần thứ nào cũng có. Đặc biệt thuốc BVTV của Thái không thể “đấu” lại về chất lượng hiệu nghiệm phòng trị bệnh lúa so với hàng Việt Nam nên chẳng tìm thấy bóng dáng”.

Anh Lê Huy Minh, nhân viên phòng kinh doanh Cty Phân bón hóa chất Cần Thơ (CFC) cho biết, nông dân miền Tây hầu như ai cũng biết tới sản phẩm phân bón NPK của CFC. Song khi đưa ra hai sản phẩm bột giặt Pano chanh và Pano siêu sáng tiếp cận với thị trường nông thôn mới cảm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bà con. Có hai đặc điểm dễ nhận ra khi bán hàng về miền quê là hàng phải tốt và giá phải hết sức cạnh tranh. Hiện thời bột giặt Pano bán chạy nhất ở An Giang, Cà Mau và thị trường nước bạn Campuchia. Riêng tại phiên chợ, CFC bán chào hàng bột giặt Pano siêu sáng một bọc 2,7kg và tặng phẩm thêm 3 bọc, giá 50.000đ/bọc; bột giặt Pano chanh loại 2,2kg/bọc, bán 1 tặng thêm 2 giá chỉ 40.000đ/bọc. Hơn nữa đi theo những nơi chợ phiên đi qua CFC còn có kế hoạch tìm đặt đại lý phân phối hàng lâu dài”.

Tham gia xuyên suốt 23 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, Cty TNHH nhựa Duy Tân (TP HCM) 14 năm liền là hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết phải luôn tự làm mới tại mỗi phiên chợ bằng sản phẩm mới, sản phẩm theo mùa để thu hút khách. Anh Lê Quốc Việt, nhân viên bán hàng của Duy Tân giới thiệu có tất cả hơn 40 mẫu sản phẩm mới trong hơn 300 sản phẩm bán tại chợ phiên này. Anh nói: Nơi đây là vùng nông thôn, hơn nữa đang vào mùa nóng, Duy Tân bán thùng đựng nước lọc bằng nhựa có van vòi tiện ích và đủ cả dung tích 10 lít, 20 lít…giá vài chục ngàn đồng rất phù hợp túi tiền bà con nên bán rất chạy. Duy Tân sơ kết, sau năm 2009 xuyên suốt bền bỉ cùng đoàn Hàng Việt theo chợ phiên, doanh số bán hàng sau đó tại các đại lý, cửa hàng tăng lên 15-20%. Hiệu quả thấy rõ là DN phải quan tâm tới nhu cầu người tiêu dùng đang cần gì.

Một năm vượt qua suy thoái kinh tế, trong đó các DN theo chân hàng Việt về làng nhận định: Thị trường hàng Việt ở vùng nông thôn còn tiềm năng lớn, sức mua rất cao. Nhưng muốn “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì các DN phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất hàng phải thật tốt vì nhu cầu người dân vùng nông thôn cao hơn trước rất nhiều. Đó là điều đã thấy nơi phiên chợ đi qua, dấu ấn ghi lại đây là một kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả khi đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa.

Tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng cả nước với hai mặt hàng lúa, cá quanh năm làm cho người dân no ấm, sung túc. Chọn thời điểm phiên chợ về sau vụ lúa đông xuân trúng mùa, nông dân ngơi tay sau mùa gặt tới chợ phiên khám bệnh, xem văn nghệ và mua sắm. Theo Ban tổ chức, đây là lần chợ phiên thứ 25 và 26 trong chương trình “Hàng Việt về nông thôn” và là phiên chợ thứ hai tổ chức dọc theo biên giới Việt Nam -Campuchia nhằm hâm nóng thị trường, gia tăng cơ hội gặp gỡ. Hai phiên chợ ở Đồng Tháp thu hút hơn 18.700 lượt khách tới tham quan, doanh số bán hàng của các DN tham gia đạt 892 triệu đồng. Các DN đồng hành cùng hàng Việt về làng còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng phục vụ bà con như một niềm tri ân với khách hàng.

Tại chợ phiên, chuyên viên BSA đến tại các chợ huyện tư vấn cho hàng trăm tiểu thương trong chợ nâng cao kỹ năng bán hàng. Cty Vemedim VN lần đầu tiên tham gia đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hơn 150 chủ trang trại nuôi cá tra về quản lý dịch bệnh. Cty Thuốc sát trùng Cần Thơ giới thiệu những sản phẩm thuốc BVTV mới thân thiện môi trường và kỹ thuật cho 300 nông dân. Tại chợ phiên Tân Hồng, các DN còn hỗ trợ hơn 300 bệnh nhân nghèo được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Trong đêm văn nghệ các DN trao học bổng cho 30 học sinh nghèo học giỏi, mỗi phần trị giá 400 ngàn đồng.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm