| Hotline: 0983.970.780

Hành động ngay bảo vệ cuộc sống người dân

Thứ Hai 09/02/2015 , 09:38 (GMT+7)

Báo NNVN đã có bài phản ánh về vấn đề ô nhiễm nước tại khu vực Nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh - Hà Nội). 

Để bạn đọc hiểu thêm những nguy cơ ô nhiễm nước ngầm, nước sinh hoạt, nước tưới tiêu và nước thải tại khu vực này, PV đã có cuộc trao đổi với TS Mai Văn Trịnh (ảnh), Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT), một chuyên gia về vấn đề này.

imge001164105452

Cần phải có điều tra cụ thể

Căn cứ vào Báo cáo quan trắc môi trường cả 2 đợt trong năm 2014 tại Nghĩa trang Thanh Tước, theo ông, những nguy cơ nào đang hiện hữu về vấn đề ô nhiễm nước ngầm, nước sinh hoạt, nước tưới tiêu và nước thải quanh khu vực này?

TS Mai Văn Trịnh: Nếu căn cứ vào kết quả phân tích thì cũng chưa thể kết luận được nguy cơ và chưa có đủ căn cứ để dự báo vì đây là báo cáo quan trắc. Muốn dự báo được chất lượng môi trường thì phải có đủ số liệu, số lượng mẫu lấy phải nhiều hơn, dựa vào các yếu tố địa hình, dòng chảy, nguồn ô nhiễm, hiện trạng ô nhiễm.

Việc nước thải tại Nghĩa trang Thanh Tước không có hệ thống xử lý, chỉ qua hồ điều hòa trung gian và hồ thứ cấp, sau đó xả ra môi trường, theo hệ thống kênh thủy lợi thành nước tưới tiêu cho nhiều xã lân cận liệu có làm tăng nguy cơ ô nhiễm hay không, thưa ông?

TS Mai Văn Trịnh: Việc có các hệ thống xử lý nước thải, việc xả thải của BQL nghĩa trang phải được thiết kế và xây dựng từ trước khi có nghĩa trang, bản thiết kế phải được đánh giá tác động môi trường, sau đó phải có bản cam kết bảo vệ môi trường.

Nếu bây giờ nghĩa trang có đủ các hệ thống xử lý và bảo vệ môi trường đó như trong đăng ký hoạt động và giấy phép thì không sao. Nếu không đủ các hệ thống đó thì cần phải có theo cam kết trước khi xây dựng. Việc này do cơ quan bảo vệ môi trường địa phương theo dõi và giám sát cộng với kiểm tra định kỳ về các hoạt động bảo vệ môi trường của nghĩa trang.

Các số liệu phân tích trong Báo cáo chưa đủ căn cứ để kết luận vì đa số mẫu lấy trong nghĩa trang hoặc gần nghĩa trang.

Muốn có kết luận chính xác ô nhiễm cái gì, từ đâu thì cần phải có điều tra cụ thể theo đúng bài bản với nhiều điểm lấy mẫu ở nhiều vị trí theo dòng chảy, theo địa hình và tại nhiều thời điểm khác nhau, sau đó mới chỉ ra được nguồn gây ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm và mức độ gây ô nhiễm. Từ đó mới có kết luận và các biện pháp khắc phục.

Báo cáo này sử dụng Quy chuẩn QCVN 09:2008. Mà Quy chuẩn QCVN 09:2008 được áp dụng để đánh giá và giám sát chất lượng nguồn nước ngầm, làm căn cứ để định hướng cho các mục đích sử dụng nước khác nhau nên nếu dùng để đánh giá nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm là không chính xác.

Ví dụ trong trường hợp nước ngầm bị ô nhiễm vì nước rỉ từ nghĩa trang thì cần giám sát chỉ tiêu dầu mỡ động vật, phosphat, độ đục, mùi, một số chất hữu cơ khó phân hủy điển hình khác mà QCVN 09:2008 lại không có.

Mệnh đề này có đáng quan tâm hay không, thưa ông?

TS Mai Văn Trịnh: Như tôi đã nói ở trên, số liệu phân tích và Báo cáo quan trắc chưa đủ cơ sở để kết luận là ô nhiễm bắt nguồn từ nghĩa trang hay ở đâu.

Cần phải có một cuộc điều tra thật đầy đủ thì mới đánh giá và kết luận được. Mọi kết luận vội vàng đều có thể gây tổn hại cho một đối tượng nào đó.

Đời sống của người dân xung quanh nghĩa trang là rất cần quan tâm vì họ phải chịu đựng một nghĩa trang rất lớn của thành phố, nhưng cũng phải có kết luận chính xác liệu môi trường đất, nước và không khí ở đó bị ô nhiễm từ đâu.

Nếu từ nghĩa trang thì bắt buộc nghĩa trang phải có biện pháp khắc phục. Khi xây dựng kế hoạch điều tra chất lượng môi trường thì chỉ tiêu dầu mỡ cũng cần được đưa vào để quan trắc.

Hàng loạt rủi ro về môi trường có thể xảy ra

Căn cứ vào 2 bản báo cáo quan trắc nêu trên, tỉ lệ nồng độ vượt mức cho phép có gây ra những nguy cơ lan rộng hay không, thưa ông?

TS Mai Văn Trịnh: Nồng độ một số chất ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là lần 1 vào mùa mưa khi có sự rửa trôi và thấm sâu của các chất theo dòng chảy và theo chiều sâu, đặc biệt vùng này có nhiều đá ong, khả năng giữ, lọc kém và tốc độ thấm sâu rất nhanh nên cần có đánh giá xác định nguồn ô nhiễm để có biện pháp hạn chế lan tỏa ô nhiễm vào mùa mưa.

Năm 2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đồng ý phê duyệt Dự án công viên nghĩa trang tại Thanh Tước, trong đó có hạng mục lò thiêu. Mà khu vực này nằm sát với khu dân cư đông đúc thuộc 6 xã, phường lân cận của 2 tỉnh thành là Hà Nội và Vĩnh Phúc. Ông đánh giá ra sao về việc phê duyệt dự án này? Có ý kiến cho rằng đây là quy hoạch kiểu lòe dân, hoặc quan liêu của các cấp chính quyền Hà Nội, bởi vì, theo Quy chuẩn Quốc gia thì khoảng cách an toàn phải là 1.500 mét.

TS Mai Văn Trịnh: Đây là chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý xây dựng, môi trường Hà Nội. Việc ra quyết định dựa vào kết quả điều tra, khảo sát. Đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

Trong nhiều trường hợp 1 chỉ tiêu nào đó không đảm bảo mà không chọn được vị trí nào tốt hơn thì vẫn có thể bố trí nhưng kèm với các hoạt động bảo vệ môi trường để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và đời sống người dân khu vực xung quanh.

Cần phải kiểm tra lại quy trình thiết kế, quy trình kiểm tra, quy trình phê duyệt và những cam kết bảo vệ môi trường của đơn vị thi công, vận hành và cơ quan quản lý. Nếu đơn vị nào sai thì phải khắc phục vì đây là công trình lâu dài, có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước (đã chuyển đổi công năng từ hung táng sang cát táng) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đầu tư, nằm rất sát với thủy vực lớn. Cụ thể là Dự án có 10.000 m2 đất nằm chính nơi đầm trũng dự trữ nước đầu nguồn để cung cấp nước cho 4 trạm bơm phục vụ sản xuất và sinh hoạt của các xã Thanh Lâm, Tam Đồng, Tiến Thắng; đồng thời cách trạm cung cấp nước sạch tập trung Thanh Lâm chưa đầy 1km (theo QCVN phải 3km)... Như vậy, Dự án này có gây ra những nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mà nhân dân lo ngại hay không, thưa ông?

TS Mai Văn Trịnh: Khoảng cách không đảm bảo sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm cao hơn. Nếu trong bản thiết kế và thuyết minh của Dự án giải trình được giải pháp ngăn chặn và khắc phục và được kiểm duyệt cẩn thận thì cơ quan quản lý có thể phê duyệt.

Tuy nhiên việc tuân thủ các quy định, tiêu chí về xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường là rất cần thiết và thể hiện tính bền vững của Dự án. Còn không sẽ có rất nhiều sự cố môi trường có thể xảy ra. Đặc biệt với các nghĩa trang bị quá tải so với thiết kế.

Theo ông, đâu là giải pháp để xử lý vấn đề ô nhiễm nước và môi trường ở Nghĩa trang Thanh Tước? Nhất là tác động đến đời sống xã hội của nhân dân các xã xung quanh.

TS Mai Văn Trịnh: Không ai muốn sống gần nghĩa trang và càng không muốn chứng kiến hàng ngày người ta đưa xác về nơi mình sinh sống để chôn, chưa kể đến hàng loạt các rủi ro về môi trường có thể xảy ra. Tuy nhiên các cơ quan quản lý Nhà nước thì bắt buộc phải quy hoạch để quản lý và bảo vệ môi trường tốt hơn. Nếu không có quy hoạch hậu quả còn tệ hại hơn nữa.

Có quy hoạch mới có các biện pháp bảo vệ môi trường tốt. Điều quan trọng bây giờ là phải có một đánh giá thật đầy đủ về hiện trạng ô nhiễm, nguyên nhân ô nhiễm, nguồn ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm và cường độ ô nhiễm để đưa ra giải pháp khắc phục.

Cần phải hành động ngay để bảo vệ cuộc sống của người dân mà không đổ oan cho đơn vị nào đó. Nếu cần thì phải thành lập một đoàn điều tra để đánh giá và đưa ra kết luận chính xác và các giải pháp khắc phục.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.