| Hotline: 0983.970.780

Hạnh phúc được cống hiến: Cái tâm của Hai Tâm

Thứ Ba 06/10/2015 , 11:20 (GMT+7)

Người chúng tôi muốn nhắc tới là cựu binh Võ Văn Tâm (Hai Tâm), SN 1962, ở ấp Trung Đông 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Họ từng là những người lính, tham gia bảo vệ Tổ quốc, từng hy sinh tuổi trẻ, từng bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường… Khi đất nước bình yên, họ trở về quê hương, tiếp tục cống hiến, mang niềm vui, hạnh phúc cho những người bệnh nghèo khó.

Chữa bệnh miễn phí

Suốt hơn 30 năm qua, mặc cho vết thương hoành hành đau nhức, ông vẫn đem tâm huyết và những hiểu biết về y học của mình để chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn người dân nghèo trong vùng.

Chúng tôi tìm tới căn nhà tình nghĩa được chính quyền địa phương và đồng đội góp tiền xây dựng của ông Tâm nằm sát con đường liên xã vào một buổi chiều lất phất mưa. Mặc dù vậy, trên khoảng sân đất trước nhà vẫn có gần chục chiếc xe máy đang dựng sẵn.

Trong căn phòng nhỏ chừng 30 mét vuông sơ sài, vật dụng "sang" nhất có lẽ là bộ tủ thờ với ảnh Bác Hồ và mấy tấm huân huy chương bên trên. Trong nhà, có gần chục bệnh nhân đang ngồi đợi tới lượt khám.

Nghe chúng tôi hỏi: “Sao bác biết chỗ này mà đến khám?”, bà Nguyễn Thị Kim, 61 tuổi, ở Tân Phú Trung, huyện Củ Chi nói, nghe mấy người bạn trong xóm giới thiệu.

Bà Kim cho biết, bà bị đau cột sống kinh niên gần chục năm nay. Và mới đến đây khám thầy Hai Tâm có hơn một tháng mà đỡ đau rất nhiều.

“Hồi chưa đến đây khám, tôi đau lắm, đi lại rất khó khăn, mỗi lần đứng lên ngồi xuống là cột sống cứ nhói lên, đau buốt. Nhưng giờ thì đỡ nhiều rồi, có thể đi lại, phụ con dâu bán hủ tiếu ở nhà được rồi. Tôi mừng lắm”, bà Kim cho hay.

Điều bà Kim cảm động nhất là chiều nào cũng tới đây để thầy Hai Tâm bóp thuốc, nắn xương và cho đơn thuốc nhưng hoàn toàn miễn phí, không phải tốn bất cứ khoản tiền nào.

 Nhiều khi thấy thầy làm việc vất vả, muốn biếu thầy chút tiền để bồi dưỡng sức khỏe nhưng thầy cứ gạt đi, cười bảo khi nào tôi còn giúp được thì mọi người cứ đến đây. 

Mãi đến giờ ăn trưa, ông Hai Tâm mới đến chỗ chúng tôi nhoẻn cười, bảo: "Tôi xin lỗi vì để mấy anh đợi. Nhưng các anh thấy đó, chẳng có lúc nào ngưng tay được".

Rồi ông kể, ông đi bộ đội năm 1979, tham gia chiến trường Tây Nam, rồi sang Campuchia; bị thương hạng 4/4, khá nặng, mặc dù mỗi khi trái gió trở trời là toàn thân lại đau nhức, nhưng may mắn là chân tay và cái đầu không bị ảnh hưởng, nên vẫn lao động được chứ không đến nỗi phải ngồi 1 chỗ như nhiều đồng đội khác. 

Ngày ấy, ông cứ nghĩ không qua khỏi bởi mảnh vỡ của bom thù găm khắp người mà nơi đóng quân lại là vùng biên giới hoang vu, ít người qua lại.

Thế nhưng, trong lúc thập tử nhất sinh ấy, ông được một thầy thuốc người địa phương cứu chữa, chỉ bằng những lá cây, gốc rễ trong rừng.

Hơn hai tháng sau, khi sức khỏe dần hồi phục, ông xin phép chỉ huy ở lại đó học nghề thầy thuốc với ân nhân đã cứu mình một thời gian trước khi về nước cùng đơn vị.

Sau khi xuất ngũ về địa phương, ông bắt đầu đem những kiến thức đã học được chữa trị giúp những người dân quanh vùng. Gọi là chữa trị nhưng thực chất, ông chỉ chuyên về nắn xương, xoa bóp và làm dịu những căn bệnh liên quan tới xương khớp mà thôi.

Cả 2 đều nghèo

Tính đến nay, đã có hàng ngàn người được ông Hai Tâm chữa khỏi các căn bệnh như bong gân, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, quai bị…


Nhiều người dân nghèo đang đợi đến lượt khám, chữa bệnh

Và tất cả họ đều là người nghèo. Có người bị tai nạn lao động khi đi làm thợ hồ, điều trị ở bệnh viện một thời gian không còn tiền chạy chữa, thuê xe ba gác chở lên tìm ông. Thương người bệnh nặng, ông đã ra tận xe để khám và điều trị.

Có người khi đến phải nhờ người bồng bế, sau thời gian chạy chữa đã chập chững đi lại.

“Tôi theo điều trị ở nhà lương y Tâm được 4 tháng, trước đây tay trái đau nhức nên tôi không làm gì được, giờ thì đã có thể tự chạy xe máy và làm việc bình thường”, chị Lê Thị Hoa, ở Tân Phú, kể.

“Ông Tâm là một người hiếm có, là thương binh nặng nhưng vẫn dành hết thời gian chữa khỏi bệnh miễn phí cho bà con nghèo, mặc dù không phải là bệnh hiểm nghèo, nhưng cũng là nỗi khổ của người bệnh, nếu phải đến bệnh viện thì cũng tốn kém, chưa kể mất thời gian, thủ tục nhiêu khê. Thậm chí, có người nghèo quá, còn được ông Tâm cho bịch gạo mang về nữa. Biết được tấm lòng của ông, nên xã luôn tạo mọi điều kiện để ông Tâm hành nghề”. - Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn.

Chị Hoa cho biết, chị bị hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ, đã đi điều trị rất nhiều nơi, kể cả Đông Tây y kết hợp nhưng vẫn không khỏi. Được người bạn giới thiệu ông Tâm, chị đến chữa trị và không ngờ khỏi bệnh. 

“Tôi rất quý cái tâm chữa bệnh của lương y. Có hôm tôi đến vào giờ trưa, định chờ khám đầu giờ chiều nhưng ông không nghỉ trưa mà khám luôn cho tôi và những bệnh nhân khác”, chị Lan nói.

Dù ông Tâm có để bảng thông báo giờ nghỉ trưa, thế nhưng bấy lâu nay, ông chỉ dành 20 phút để ăn cơm rồi lại tiếp tục khám. Ông bảo: “Để bà con chờ, tôi không chịu được. Họ tìm đến mình, tức là họ đang rất cần mình giúp thế nên tôi phải tranh thủ”.

Bà Bùi Thị Phải, vợ ông Hai Tâm, cho biết, ông bắt đầu khám bệnh từ 6 giờ sáng đến khi hết khách, có khi đến nửa đêm. Có nhiều hôm, mới 4 giờ sáng đã có người bệnh đến ngồi chờ ở cổng.

Ông Tâm thức giấc, đoán biết là người ở tỉnh xa nên bật đèn và mời khách vào nhà khám bệnh. Đó là một thanh niên 35 tuổi, quê Sóc Trăng, bị thoát vị đĩa đệm. Gia đình đã đưa anh đi khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy và được chỉ định mổ. Thế nhưng gia cảnh quá khó khăn, không đủ tiền nên phải đưa anh về quê chữa chạy bằng thuốc nam.

Được một người trong xóm giới thiệu lương y Võ Văn Tâm có tâm chữa bệnh, lại miễn phí cho gia đình khó khăn nên cả nhà dắt díu nhau lên tìm ông với hy vọng được cứu chữa...

"Mỗi ngày ổng khám cả trăm người. Vậy mà có khi cuối ngày chẳng có đồng bạc nào trong túi”, bà Phải cười nói.

Hiện nay, gia đình ông Tâm còn rất khó khăn, ngay cả căn nhà ông đang sinh sống và khám chữa bệnh cũng là nhà tình nghĩa. Nguồn thu nhập chính của gia đình vẫn là mảnh ruộng, vườn rau và đàn gà, do bà Phải một tay đảm nhận.

Mặc dù vậy, bất cứ ai tìm tới nhờ ông khám chữa, bốc thuốc hay nắn xương khớp gì, ông đều vui vẻ làm.

Cách đây chưa lâu, có một ông giáo về hưu dưới thị trấn Hóc Môn chạy xe máy bị tai nạn, trật khớp đầu gối đến nhờ ông Hai Tâm nắn giúp vì bệnh này phải điều trị lâu, nếu nằm viện rất tốn tiền.

Thế là ròng rã cả mấy tháng trời, ngày nào ông Hai cũng dành ra cả nửa tiếng đồng hồ để nắn xương bánh chè đầu gối cho nhà giáo về hưu kia.

Năm 2014, ông Tâm đã được UBND TP.HCM tuyên dương là một trong 114 "Tấm gương thầm lặng mà cao cả".

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất