| Hotline: 0983.970.780

Hạnh phúc được cống hiến: Cứu tinh của vạn người nghèo

Thứ Ba 06/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

Năm nay đã 75 tuổi, từng có hơn 50 năm bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Ông bảo, sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nằm xuống. 

Với hàng chục ngàn người nghèo ở tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, ông là vị cứu tinh. Đó là bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Võ Tấn Hưng, một tấm gương sáng về y đức, được nhiều người biết đến.

Gương sáng về y đức

Chúng tôi đến phòng khám đông y từ thiện Tấn Hưng ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) của bác sĩ Võ Tấn Hưng khi trời đã xế chiều, chỉ còn vài tia nắng vàng nhạt le lói xiên ngang ngọn cây, nhưng vẫn còn hơn chục bệnh nhân đang nhẫn nại ngồi đợi đến lượt được khám. Thấy chúng tôi đến, vị bác sĩ già chỉ gật đầu chào, rồi tiếp tục công việc.

Trò chuyện với những bệnh nhân đang ngồi chờ khám ở phòng khám Tấn Hưng, chúng tôi thấy họ có điểm chung là rất nghèo và mỗi khi nhắc đến bác sĩ Tấn Hưng, họ đều nói bằng những lời rất trân trọng.

Bà Phạm Thị Hai, 72 tuổi, ở Mỹ Xuyên  (Sóc Trăng), bị thần kinh tọa từ hơn chục năm nay, tâm sự: “Nhà tôi nghèo lắm chú ạ, có hai thằng con trai, thằng lớn làm thợ hồ, còn em chẳng có nghề nghiệp gì, quanh năm làm mướn, ai thuê gì làm nấy. Thu nhập bấp bênh, tụi nó gom mãi mới đủ tiền đưa mẹ đi viện trên Sài Gòn được hai lần.

Uống hết thuốc chẳng có tiền mà mua nữa. Lại chuyển sang uống thuốc Nam, nhưng uống hoài mà chẳng thấy bớt chút nào. Năm rồi, có người quen chỉ đến đây khám, được bác sĩ Hưng trực tiếp khám, bốc thuốc cho uống, đến giờ bệnh giảm nhiều lắm rồi.

02-13-36_nh-3
Sau khi khám, chữa bệnh, phát thuốc, bác sĩ Hưng lại tận tình hướng dẫn, động viên người bệnh

Nói thật lòng chứ bây giờ tôi chẳng dám ước gì cao sang, chỉ cần đừng bệnh triền miên, khổ mình mà khổ cả con cái như vầy nữa. Tôi ước có cơ hội để làm gì đó đền ơn bác sĩ nữa. Bác sĩ hiền lắm chú ạ, lại chẳng lấy đồng tiền công nào”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bảy, 69 tuổi, một bệnh nhân khác ở Trà Vinh, cũng chạy xe đò xuống đây xin bốc thuốc. Ông bảo: “Nhà có hai vợ chồng già, tôi thì bị đau dạ dày kinh niên, vợ còn vợ thì bị khớp. Mấy đứa nhỏ đều đã có gia đình riêng, đều nghèo, quanh năm suốt tháng bươn chải kiếm tiền, chẳng muốn làm phiền tụi nó, nên cắn răng chịu đau chứ có tiền đâu mà đi bệnh viện.

Cách đây mấy tháng, đoàn bác sĩ Hưng có xuống quê tôi thăm khám cho bà con. Tôi cũng được khám, cho thuốc miễn phí. Sau đó bác sĩ Hưng dặn vợ chồng tôi lên phòng khám để lấy thuốc. Thế là từ đó, đều đặn mỗi tuần một lần, vợ chồng tôi thay phiên nhau lên đây. Hiện nay, bệnh của tôi chưa khỏi hẳn, nhưng có thuốc của bác sỹ cũng đỡ lắm".

Giúp người là giúp mình

Sau khi người bệnh cuối cùng rời phòng khám, bác sĩ Hưng mới dành thời gian cho những người viếng thăm ngoài mục đích khám bệnh.

Sinh ra ở vùng đất thép Củ Chi (TP.HCM), tuổi thơ của cậu bé Võ Tấn Hưng đầy cực nhọc vì sớm mồ côi cha mẹ. Năm 18 tuổi, ông nhập ngũ, sau đó được cử đi học y tá, gắn bó với công việc cứu người từ đó. Những năm tháng tham gia chiến trường Đông Nam bộ, ông từng bị địch bắt, bị giam ở nhà tù Côn Đảo.

Sau năm 1975, xuất ngũ trở về, ông tiếp tục được đào tạo trở thành bác sĩ chuyên khoa Đông y. Năm 1982, ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Y học Dân tộc TP Cần Thơ. Mặc dù công việc chuyên môn bận tối ngày, nhưng ông vẫn dành thời gian đi đến những vùng sâu, vùng xa, khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho bà con nghèo, không có điều kiện đến bệnh viện.

“Động cơ nào khiến chú cả đời giúp đỡ người nghèo như vậy?”, tôi hỏi. Trầm ngâm một lát, ông đáp: “Cũng vì nghèo mà mẹ tôi mất sớm vì bệnh thương hàn. Sau đó, tôi đã trải qua những năm tháng cơ cực nên tôi hiểu, người nghèo khỏe mạnh đã khổ, nếu chẳng may mang trong người căn bệnh nào đó thì càng khổ hơn. Mình giúp họ cũng chính là giúp mình, nó khiến mình vui hơn, hạnh phúc hơn”.

02-13-36_nh-4
Bên trong và ngoài phòng khám từ thiện Tấn Hưng, còn rất nhiều bệnh nhân vẫn đang ngồi chờ đến lượt được khám bệnh, dù đã hết ngày

Năm 1994, sau những tháng ngày rong ruổi khắp các vùng sâu vùng xa ở các tỉnh miền Tây khám bệnh cho bà con, bạn bè, đồng nghiệp thấy ông vất vả quá nên vận động lập phòng khám Đông y từ thiện trên mảnh đất của vợ chồng ông.

Ban đầu, phòng khám chỉ được làm sơ sài bằng cây tràm, lợp dừa nước. Theo thời gian, tiếng tăm và y đức của bác sĩ Hưng đã khiến nhiều người nể phục, gom góp tiền bạc đầu tư thêm cho cơ sở ngày một khang trang hơn.

Trong mấy chục năm hành nghề y, bác sĩ Tấn Hưng không chỉ hết lòng tận tụy với bệnh nhân, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu khoa học như: “Chôn chỉ catgut điều trị hen phế quản mãn”, “Thuốc nam, châm cứu điều trị thấp khớp mãn”, “Châm cứu phục hồi tiếng nói sau di chứng viêm não”…
Với những đóng góp lớn lao ấy, ông đã vinh dự được nhận Huy chương vì Sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 1999 và năm 2003, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Đến nay, phòng khám Đông y từ thiện Tấn Hưng đã có 7 phòng điều trị với tiện nghi hiện đại, trị giá hơn 200 triệu đồng. Lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng, phục vụ của cơ sở lên đến ngót 70 người.

Mỗi tuần, có ít nhất 2 bác sĩ thường trực tại cơ sở. Quy trình khám, chữa bệnh của cơ sở cũng bài bản như một bệnh viện lớn, như đăng ký, ghi tên, chờ gọi. Điểm khác các bệnh viện lớn là ưu tiên khám cho người lớn tuổi, người bệnh nặng trước, dù đến sau.

Ông Hưng cho biết, hiện mỗi ngày, cơ sở khám, điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân, và khám cho hết chứ không bao giờ để bệnh nhân đến mà hết giờ phải về. Vì thế, có những ngày ông làm việc đến 9 giờ tối mới ngừng tay.

“Bệnh nhân đến đây đủ mọi lứa tuổi, đủ thứ bệnh. Hầu hết họ là những người nghèo ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, cũng có bệnh nhân từ xa như Cà Mau, Bạc Liêu tìm đến”, ông nói tiếp.

Không chỉ khám, chữa các bệnh thông thường, ngay khi còn đang là bác sĩ ở bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ, bác sĩ Hưng đã là một trong những người đi tiên phong trong điều trị cắt cơn cho người nghiện ma túy. Đến khi mở phòng khám từ thiện, việc điều trị cai nghiện ma túy là một trong những ưu tiên hàng đầu của bác sĩ Hưng.

Lý do khiến ông ưu tiên điều trị cho người nghiện là: “Hầu hết người nghiện đều là những thanh niên trẻ tuổi, cuộc đời họ còn rất dài. Giúp họ đoạn tuyệt với ma túy tức là góp phần giảm bớt những gánh nặng cho xã hội. Còn gia đình họ không mất đi một người thân”.

02-13-36_nh-6
Phòng điều trị cai nghiện ở phòng khám Đông y từ thiện Tấn Hưng

Bác sĩ Hưng cho biết, phương pháp điều trị cai nghiện chính của ông là châm xuyên huyệt, kết hợp truyền nước biển, dùng thuốc bồi dưỡng thể trạng… Phương pháp châm cứu này giúp xóa được phản xạ thiếu chất morphin trong não người nghiện.

“Trung bình khoảng 15 ngày điều trị, người nghiện sẽ cắt được cơn. Nhưng kết quả này có duy trì được hay không còn do ý chí người nghiện và sự giúp đỡ của gia đình. Nếu về nhà, gia đình quản lý tốt, ân cần quan tâm, đặc biệt, bản thân người nghiện quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, không gần gũi, quan hệ với con nghiện khác, thì sẽ thành công. Cũng có trường hợp cai 4,5 lần không khỏi, đến đây, sau khi cắt cơn, trở về nhà tôi tiếp tục cho uống thuốc “hậu cai”. Có người phải uống cả năm mới chấm dứt hẳn với ma túy”, bác sĩ Hưng nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.