| Hotline: 0983.970.780

Hạnh phúc giản đơn của một gia đình 'tứ đại đồng đường'

Thứ Ba 23/02/2021 , 09:28 (GMT+7)

Năm nay đã ngót 90 tuổi, mắt đã mờ, tai đã lãng, nhưng bà cụ ấy vẫn ngồi kể vanh vách tên của gần 70 đứa cháu, chắt. Thậm chí nhớ luôn cả tuổi.

Cụ Hà Thị Ty và chồng bà, ông Lê Trọng Thanh, đã tạo dựng một nền móng gia đình vững chắc. Các con ông bà sau khi ra riêng, nhiều người có cháu, vẫn sống chung nhà. Ảnh: Khương Hồng Thủy.

Cụ Hà Thị Ty và chồng bà, ông Lê Trọng Thanh, đã tạo dựng một nền móng gia đình vững chắc. Các con ông bà sau khi ra riêng, nhiều người có cháu, vẫn sống chung nhà. Ảnh: Khương Hồng Thủy.

Đó là cụ Hà Thị Ty, ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, một trong những người phụ nữ “giàu nhất quả đất". Giàu vì cụ có đàn con, cháu, chắt, lên tới hơn 80 người. Trừ những đứa trẻ còn bế trên tay, tất cả đều ngoan hiền. Giàu vì cụ đã xây dựng được một nền tảng gia đình hạnh phúc vững chắc cho con cháu.

Mấy mươi năm nay, từng có thời điểm, cả 4 thế hệ, hơn 20 thành viên trong gia đình cụ sống trong vô vàn khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ lành, đêm ngủ không đủ chỗ, nhưng chưa khi nào gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”. Nay, tất cả các gia đình nhỏ trong đại gia đình cụ Ty đã khá, giàu. Nhưng nếp gia phong cũ, 4 thế hệ sống chung một nhà, vẫn được duy trì.

Vì sao làm được điều đó? Câu trả lời ở trong cái cách cụ Ty nói về con cháu: Ở niềm hạnh phúc đong đầy trong lời nói, trong ánh mắt đã mờ của cụ khi nhắc tên các con, cháu, chắt. Và ở cử chỉ vuốt ve bàn tay chai sần của cô con dâu đang ngồi bên cạnh…

Đói cho sạch…

Vợ chồng cụ ông Lê Trọng Thanh (sinh năm 1928, mất đầu năm 2020) và cụ bà Hà Thị Ty (sinh năm 1935) có 6 người con, 3 trai 3 gái. Nhưng khi tôi hỏi cụ có mấy người con, cụ đáp ngay: “Tôi có 12 đứa con, 6 trai, 6 gái, 35 đứa cháu và 34 chắt”.

Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì anh Lê Trọng Sơn, sinh năm 1966, con trai út cụ Ty, cười, giải thích: “Thực ra cụ chỉ có 6 con thôi, 3 trai, 3 gái. Nhưng trước giờ cụ không phân biệt trai gái, dâu rể gì cả, nên cụ nói vậy”.

Quê ở xã Xuân Lộc, huyện Thiệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, năm 1984, cả gia đình cụ Lê Trọng Thanh gồm ông bà, 6 đứa con, 2 con dâu, 3 đứa cháu, tổng cộng 13 người, chưa kể đứa nhỏ trong bụng chị dâu, khăn gói lên tàu vào Nam lập nghiệp.

Cụ Hà Thị Ty và gia đình người con trai út Lê Trọng Sơn, gồm 4 thế hệ chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Khương Hồng Thủy.

Cụ Hà Thị Ty và gia đình người con trai út Lê Trọng Sơn, gồm 4 thế hệ chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Khương Hồng Thủy.

“Rời quê ra đi, tài sản quý nhất của vợ chồng tôi là đàn con, cháu hơn chục đứa. Ngoài mấy bộ quần áo trên người, không có tài sản gì. Tất cả chen chúc trên tàu chật cứng người, không đủ chỗ ngồi. Suốt dọc đường tôi không dám ngủ, lâu lâu lại sờ soạng kiếm mấy đứa cháu, con dâu xem có ai nằm đè phải chúng nó không”, cụ Ty nhớ lại.

Anh Sơn tiếp lời mẹ: “Hồi đó, lên đến đây, thấy toàn rừng là rừng, đường sá chưa có, ai cũng thất vọng. Biết tâm trạng các con, nên bố tôi động viên: “Ở đây heo hút thật, nhưng đất đai mênh mông thế này, không lo thiếu đói, nếu chịu khó nữa thì sẽ giàu. Ở quê ruộng không có, nhà mình đông người, làm quần quật suốt đời vẫn thiếu ăn”. Nhờ những lời động viê này mà anh tôi vũng tin vào tương lai”.

Tôi hỏi: “Cuộc sống khó khăn, vất vả, chỗ ở chật chội, có khi nào anh em bất hòa, mâu thuẫn?”. Anh Sơn đáp: “Không. Có thời điểm, cả nhà hơn 2 chục con người chen chúc trong căn nhà chật chội, thiếu ăn thiếu mặc, làm lụng rất vất vả, nhưng chưa giờ xảy ra chuyện bất hòa, cãi cọ”.

“Vậy chắc do ông bà nghiêm khắc?”, tôi hỏi tiếp. Anh Sơn cười đáp: “Đúng là ông rất nghiêm khắc. Tôi nhớ lúc tụi tôi còn trẻ, ông có sợi roi mây giắt trên vách nhà. Không biết sợi mây ấy có từ lúc nào, nhưng từ lúc còn bé tý, tôi đã thấy sợi roi mây màu nâu cánh gián lên nước bóng loáng rồi. Mỗi khi đứa nào mắc lỗi, bất kể là trai hay gái, ông đều bắt nằm sấp xuống giường. Sau đó, trước khi “ăn” một roi đau té đái, ông giảng cho một bài, vừa giảng vừa nhịp nhịp sợi roi mây trên mông.

Cụ Lê Trọng Thanh (hàng đầu bên phải) khi còn sống và 3 con trai, 3 con dâu. Ảnh: Chụp lại album gia đình.

Cụ Lê Trọng Thanh (hàng đầu bên phải) khi còn sống và 3 con trai, 3 con dâu. Ảnh: Chụp lại album gia đình.

Sau này, khi chúng tôi đã lớn, ông thường nói với các con, cháu về đạo đức, về cách sống. Câu ông nói với tụi tôi nhiều nhất là “đói cho sạch, rách cho thơm”. Anh biết vì sao bố tôi hay nhắc điều này không?”, anh Sơn bất chợt hỏi tôi.

Nhưng hỏi xong anh lập tức trả lời: “Bởi vì thời đó đói quá, ông sợ chúng tôi đi làm, ra ngoài, không kìm lòng được trước vật chất của người khác bày ra trước mắt. Cho dù đó chỉ là một quả mít, quả bưởi hay con gà trong vườn nhà người ta. Và chưa bao giờ chúng tôi để các cụ phải buồn lòng”.

Cho yêu thương, nhận yêu thương

Chị Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1967, vợ anh Sơn, tâm sự: “Tôi về làm dâu gia đình hơn 30 năm rồi. Lúc mới về nhà chồng, tôi cũng lo lắng, vì nhà chồng quá đông anh em, con cháu. Nhưng cảm giác đó qua rất nhanh, vì tôi cảm nhận được mọi người trong gia đình này rất yêu thương nhau, cha mẹ chồng là những người thực sự hiền lành, đức độ. Từ đó tôi yên tâm và cũng hết lòng đáp lại tình cảm gia đình đã dành cho tôi.

Cụ Hà Thị Ty: 'Muốn gia đình êm ấm thì cứ 9 bỏ làm 10, ngủ giấc dậy là quên hết'. Ảnh: Khương Hồng Thủy.

Cụ Hà Thị Ty: "Muốn gia đình êm ấm thì cứ 9 bỏ làm 10, ngủ giấc dậy là quên hết". Ảnh: Khương Hồng Thủy.

Hơn 30 năm nay, tôi luôn coi cha mẹ chồng như những người sinh ra mình, ông bà cũng thương tôi như con đẻ, chưa bao giờ nói nặng một câu. Dĩ nhiên, để gia đình yên ấm, các thành viên phải biết hạn chế cái tôi của mình, đừng so đo, tính toán thiệt hơn với người thân, quan tâm chăm sóc nhau thật lòng. Tôi nghĩ, mình cho đi cái gì thì trước sau gì cũng sẽ được nhận lại thứ đó. Có lần bà nằm viện, tôi đi chăm. Mấy người trong phòng bệnh hỏi, tôi là con gái hay con dâu cụ, tôi nói con gái. Bà nghe vậy chối luôn, nó là con dâu tôi đấy. Con dâu hay con gái tôi thương bằng nhau”.

Tôi hỏi cụ Ty: “Đã có khi nào cụ không hài lòng về con dâu chưa?”. Bà cười, đáp: “Cũng có chứ. Nhưng mà 9 bỏ làm 10, bỏ qua hết, ngủ một giấc dậy là hết thôi. Con nó vất vả, thương không hết, có đâu phải giận hờn”.

Nói rồi bà “nịnh” con dâu bằng mấy câu ca dao: “Con gái là con vô dùng (vô dụng)/ Biết việc nhà chồng không biết việc nhà cha/ Con gái là con người ta/ Con du (con dâu) mới phải con bà bà ơi”.

Nghe tới đây, anh Sơn cười, hỏi mẹ: “Bà nói xấu con gái, không sợ mấy cô nghe được giận bà sao?”. Cụ Ty cũng móm mém cười, đáp: “Tao có nói trước mặt chúng nó đâu”.

Con trai cụ Ty: 'Bà nịnh con dâu, nói xấu con gái, không sợ mấy cô nghe được à?'. Cụ Ty: 'Tao có nói trước mặt chúng nó đâu'. Ảnh: Khương Hồng Thủy.

Con trai cụ Ty: "Bà nịnh con dâu, nói xấu con gái, không sợ mấy cô nghe được à?". Cụ Ty: “Tao có nói trước mặt chúng nó đâu”. Ảnh: Khương Hồng Thủy.

Anh Sơn tâm sự: “Các cháu, chắt của cụ đứa nào cũng thương ông bà, chẳng cần nhắc nhở, tụi nó đi đâu xa về là không quên mua quà cho ông bà. Hôm mùng 1/10 vừa rồi, bà không ra xã được vì ông mới mất, nên mấy đứa cháu rủ nhau mua bánh kem về nhà vui với bà”.

“Anh đã và đang làm gì để duy trì nếp nhà “Tứ đại đồng đường” mà cha mẹ anh đã một đời gây dựng?”, tôi hỏi. Anh Sơn trầm ngâm giây lát rồi đáp: “Ngày xưa, các cụ rất nghiêm khắc, dạy con theo kiểu “thương cho roi cho vọt”, đứa nào cũng sợ, cũng ngoan. Bây giờ, phương pháp đó lỗi thời rồi. Phải nhẹ nhàng, tâm lý, vừa là cha mẹ, vừa là thầy, là bạn của con. Như vậy mới hiểu tâm tư các con, tụi nhỏ mới thích ở chung với cha mẹ, ông bà”.

“Đến cuối đời, bố tôi đã ra đi trong thanh thản. Vì 12 người con của cụ đều đã và đang làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, có trách nhiệm với mỗi gia đình riêng của mình. Ngoài ra, gần 70 đứa cháu, chắt, đều khoẻ mạnh, được chăm lo ăn học đến nơi đến chốn, biết lễ nghĩa. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức thực hiện mong ước của cụ khi còn sống, đó là nuôi dạy con cháu nên người, như cha mẹ đã dạy chúng tôi, duy trì nề nếp gia phong mà ông bà đã xây dựng sẵn một nền móng rất vững chắc”, anh Lê Trọng Sơn, con trai út ông bà Lê Trọng Thanh - Hà Thị Ty.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất