Chị thân mến!
Mẹ tôi chỉ có hai con, tôi là gái cả, dưới nữa là em trai tôi. Đến nay, tôi đã 50 tuổi, mẹ tôi 75 mà mẹ con tôi luôn kết thúc câu chào nhau bằng Mẹ yêu con và Con yêu mẹ. Tôi thật sự không hiểu sao có những bà mẹ để con cãi sa sả với mình. Mẹ nói một câu, con vặt lại một câu. Họ không hiểu rằng như thế là nhà mất nếp, là trật tự bị lộn ngược hay sao, phải thế không chị?
Con gái của tôi, từ bé, đã theo nếp của tôi với mẹ, không to tiếng, không cãi bướng, cãi cố. Thực sự tôi chưa bao giờ quát con nói gì đến đánh mắng. Thế mà tôi chứng kiến trong nội tộc chúng tôi thôi, con cái đông đổng hoặc ngỗ ngược từ bé, con cái khiến bố mẹ sợ như sợ ông bà cố nội chúng nó, hoặc con cái hục hặc dẫn đến từ mặt nhau khiến bố mẹ bất lực chị ạ. Làm sao có thứ văn hóa và trật tự hỏng bét thế chứ. Còn một thực trạng nữa là bố mẹ sung sướng trút hết tiền bạc và sở hữu cho con, từ sớm. Rất sớm chị ạ. Khi bố mẹ chưa già thì đã mất ngôi, mất thế, con cái làm ăn thất bại, hoặc con cái tai ương, hoặc chính mình đau ốm khác thường, khi ấy mới dại dột thì đã muộn chị ạ.
Muốn giữ được giềng mối gia đình, theo tôi, chính mình phải giữ hiếu giữ đạo với bố mẹ mình. Con cái sẽ noi theo, chắc chắn thế. Cho dù thế hệ con mình là 8x, cháu mình hoàn toàn những đứa bé sinh ra trong kỹ thuật số triệt để thì vẫn cứ là công thức: lễ phép, hiếu nghĩa, thiện lành, nhất định cháu của chúng ta sẽ thành người tử tế, đúng không chị?
Em thân mến!
Việc em quan tâm cũng là việc xuống dốc của văn hóa mà rất nhiều người như chúng ta bức xúc. Nói về việc con cái đối xử với bố mẹ, biết bao cảnh đau lòng xảy ra chung quanh ta em ạ.
Ví dụ một gia đình mẹ nông dân con cái có đứa là nông dân có đứa là cán bộ mà vì đất đai chia chác từ mẹ mà chúng không nhìn mặt nhau. Ví dụ một gia đình các con đều ở thành phố đều khá giả, nhưng vì đứa con khá giả nhất quan tâm không đủ đến những đứa kia, cũng thành lớn chuyện nếu bố mẹ xen vào lên tiếng. Ví như bố mẹ cơm bưng nước rót cho con như thể chúng cụt tay cụt chân, mãi đến khi chúng trưởng thành, đến bữa, chúng phải bước ra ăn chứ chẳng lẽ ăn trong phòng như trước, thế là cắm mặt vào điện thoại, không còn biết đến hai chữ biết điều. Ví như bố mẹ chưa già – như bạn ví dụ - bảo bọc bằng rót tiền dành dụm, giao sổ đỏ cho con, thế là trắng tay, con dâu hắt hủi mà đã lựa chọn bố mẹ hay vợ thì các gã đàn ông luôn chọn hòa bình, tức còn vợ chứ bố mẹ thì…
Tất cả là do xã hội kim tiền. Tiền tiền tiền. Đất và tiền đã làm tan hoang mọi thứ. Nhưng nước người ta con người vẫn sống, vẫn sinh kế, vẫn làm ăn, vẫn sinh con đẻ cái sao văn hóa ứng xử trong gia đình không tan hoang? Là vì luật pháp ở họ minh bạch, khoa học, nhân văn. Họ khiến con người sống được một cách minh bạch trong khuôn khổ luật pháp đã có sự chi li của khoa học xã hội. Lương cao đủ sống, quan chức trong sạch, con cái tử tế ở học đường, cứ thế con người lớn lên, bình thường, hữu ích.
Vì sao ở ta quan trọng hóa chuyện ứng xử với bố mẹ? Là vì văn hóa chúng ta là chữ hiếu làm đầu. Có khác với chữ hiếu của phương Tây không? Rất khác. Tây là con lớn lên, như chim, tung trời, mỗi năm gặp nhau đôi lần hay không gặp không sao. Ta thì ôm ấp, khư khư và chú ý đến con từ lời thưa tiếng dạ, ít khuyến khích chúng phiêu lưu chân cứng, đá mềm, hay bảo chúng về ăn uống gặp gỡ và ít nói những điều hay điều mới ngoài việc nhà kia giàu lên nhanh, đứa nọ bất hiếu, con kia điếm đàng… Làng xã vẫn trói chặt chúng ta.
Tôi đề cao con cái văn minh. Hỏi han tử tế trên video chat hay zalo, hay msg hay tin nhắn trên điện thoại thường, đã là quý. Chúng ta, tức tôi nay đã 70 tuổi, lứa với mẹ của em, hoặc là lứa của em, nên giữ khỏang cách với con. Xa xa ra chút, để khỏi phải cau mày. Và dĩ nhiên, không để con lột sạch khi mình già, ấy là một bài học xương máu. Ngưỡng mộ em và mẹ vẫn văn minh nhau đến lúc này. Nói Con yêu mẹ thì mất gì? Chỉ thấy vui hơn và các cháu mình nhìn vào, sẽ như được nghe tiếng chim, tiếng gió, ấy là vỏ trứng lành để chúng lớn lên, tách ra, chui ra và cứ thế, là những thiên thần. Cảm ơn em với bức thư thú vị này.