| Hotline: 0983.970.780

Hành tím Vĩnh Châu bí đầu ra

Thứ Tư 27/03/2013 , 12:29 (GMT+7)

Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được ví như là “thủ phủ” hành tím. Khổ nỗi nhiều năm qua nông dân nơi đây vẫn lao đao với cái điệp khúc trúng mùa, mất giá

Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng được ví như là “thủ phủ” hành tím của khu vực ĐBSCL, với diện tích gieo trồng giao động từ 5-7 ngàn ha hàng năm, tổng sản lượng cung ứng ra thị trường lên đến hơn 150 ngàn tấn/năm.


Hành tím Vĩnh Châu hết đường đi

Thời gian qua, người trồng hành tím ở Vĩnh Châu vui mừng vì sản phẩm chủ lực của địa phương này được cấp chứng nhận mô hình SX hành tím theo tiêu chuẩn Global GAP. Thế nhưng vui chưa được lâu thì nay hàng trăm nông dân ở đây phải “méo mặt” vì giá hành tím rẻ như bèo mà vẫn không có người mua.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) buồn buồn: “Trước giờ nói đến Vĩnh Châu thì người ta liên tưởng đến hành tím với vị thơm ngon độc đáo, màu sắc bắt mắt…, nhưng khổ nỗi nhiều năm qua nông dân nơi đây vẫn phải lao đao với cái điệp khúc trúng mùa, mất giá”.

Theo lời ông Công, để tìm lối ra ổn định cho sản phẩm chủ lực này, năm 2011, ngành chức năng địa phương đã tìm mọi cách để hỗ trợ bà con. Cụ thể như việc Chi cục BVTV và Sở KH-CN Sóc Trăng, HTX hành tím Vĩnh Châu đã thực hiện mô hình SX hành tím theo tiêu chuẩn Global GAP. Sau hơn 1 năm thực hiện, hành tím Vĩnh Châu được cấp vé “thông hành” để đến được một số thị trường khó tính như: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ…

“Dù đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, nhưng hiện tại hành tím vẫn không có lối đi vì bị các nước nhập khẩu “cấm vận”, trong đó có thị trường lớn là Indonesia. Việc này không chỉ khiến nông dân điêu đứng mà còn làm cho nhiều DN thu mua hành tím trên địa bàn bị “giam” vốn vì đã bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư, hỗ trợ nông dân SX theo tiêu chuẩn Global GAP”, ông Công nói.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết, để giải quyết khó khăn cho bà con nông dân, ngành chức năng địa phương đã có văn bản trình đến UBND tỉnh Sóc Trăng, Sở Công Thương… yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiến nghị lên Bộ Công Thương nhằm tìm cách mở cánh cửa nhập khẩu của Indonesia.

Đến Vĩnh Châu vào những ngày này, chúng tôi dễ bắt gặp những khuôn mặt buồn của bà con nông dân. Hàng chục xã viên của HTX hành tím Vĩnh Châu ở ấp Cà Lăng A Biển, thị xã Vĩnh Châu đang chạy đôn chạy đáo đi tìm thương lái để bán sản phẩm của mình. Thế nhưng dù họ đã chấp nhận giá bán rẻ hơn giá thành SX nhưng vẫn không có người mua.

Ngồi bên kho hành mấy ngàn tấn của mình, bà Lâm Thị Xà Phước, nói như khóc: “Mấy năm trước giá hành tím cũng bấp bênh (có lúc dưới 4 ngàn đồng/kg) nhưng vẫn còn tiêu thụ được. Còn năm nay, giá hành tím tương đối ổn định khoảng 5-7 ngàn đồng/kg nhưng lại không có người mua. Đống hành nhà tôi vài ngày nữa mà không bán được thì coi như tiêu. Củ hành tím nó khó tính lắm, trời nắng thì xuống màu, thối, còn gặp lạnh thì mau lên mộng”.

Có chung nỗi lo với bà Phước, anh Thạch Huỳnh Ni hồi tưởng: “Vào thời điểm đầu vụ khoảng tháng 2/2013, bà con ở đây phấn khởi lắm. Giá hành lúc đó có khi lên đến hơn 13 ngàn đồng/kg. Ai cũng hăng hái ra đồng thu hoạch, nhưng đùng một cái giá hành tím rớt xuống còn khoảng 7 ngàn đồng/kg, bây giờ thì chỉ còn hơn 5 ngàn đồng/kg nhưng không tiêu thụ được”.

Trao đổi với chúng tôi, bà con trồng hành tím ở Vĩnh Châu, cho biết, cái lo lớn nhất của họ bây giờ không phải là chuyện giá cao hay thấp mà là việc làm sao bán được hành. Bà Tăng Thị Phươl (thị xã Vĩnh Châu) nhẫm tính: “Với giá hành hiện nay nếu bán được hết thì quân bình mỗi công hành (1.000 m2) phải lỗ vốn từ 2 – 2,5 triệu đồng. Nhưng nếu bán không được thì coi như trắng tay (mỗi công lỗ hơn 10 triệu đồng) và gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần là điều không tránh khỏi”.

Anh Trịnh Đức Vinh, giám đốc DNTN Đức Vinh ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) khẳng định: “Việc Indonesia ngưng nhập khẩu hành tìm là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho cả DN thu mua và người trồng hành tím ở địa phương hiện nay. Vào thời điểm này năm trước, DN của tôi đã xuất được khoảng 2 ngàn tấn. Còn năm nay thì vẫn chưa xuất được ký nào”.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.